Vụ 'BOT' tự lập trên đường quê Hậu Giang: Lãnh đạo xã nói gì?

TPO - Liên quan đến vụ việc trên, ông Huỳnh Trí Tôn – Phó Chủ tịch xã Trường Long A (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho rằng, không thể nói đúng sai, vì phần đất này của dân. Hơn nữa, các hộ trước đây đã thống nhất để người này làm.
Vụ 'BOT' tự lập trên đường quê Hậu Giang: Lãnh đạo xã nói gì? ảnh 1

Toàn cảnh “trạm BOT” của gia đình ông Tựu - Ảnh: Kim Hà.


Cũng theo ông Tôn, sau khi nhận được phản ánh của người dân thì địa phương đã có kết hợp với ấp cũng có làm việc với 21 hộ dân nằm trong tuyến kênh Giữa. Tại buổi làm việc, bà con đề nghị UBND xã, huyện đầu tư tuyến lộ này cho bà con đỡ phần đóng phí. Tuy nhiên, khi tiến hành làm việc với hộ ông Nguyễn Văn Đợi (người lập “trạm”) thì ông này không đồng ý. Vì vậy hướng sắp tới, địa phương sẽ mở một con đường mới để bà con đi.

Còn tại thị trấn Một Ngàn, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND thị trấn này cho biết, phần đất công làm đường qua đoạn này đã sạt lở và ăn tới phần đất của hộ ông Huỳnh Văn Tựu. Từ khi ông này mở ra thu tiền, địa phương đã nhiều lần vận động gia đình ông hiến 40m đất chỗ “trạm thu phí” để địa phương tạo con đường hoàn chỉnh cho người dân đi. Tuy nhiên, đã làm việc nhiều lần mà hộ ông Tựu không có thiện chí hợp tác và trường hợp này đã tiếp diễn nhiều năm, qua nhiều trào lãnh đạo rồi nhưng vẫn không vận động được.

Vụ 'BOT' tự lập trên đường quê Hậu Giang: Lãnh đạo xã nói gì? ảnh 2 Con dâu của ông Tựu thu tiền khi xe qua “trạm” - Ảnh: Kim Hà.
Vụ 'BOT' tự lập trên đường quê Hậu Giang: Lãnh đạo xã nói gì? ảnh 3  Cận cảnh thu tiền - Ảnh: Kim Hà.

Như Tiền Phong đã đưa tin, hơn 2 năm qua, 21 hộ dân sống tại kênh Giữa, thuộc ấp Trường Bình A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang phải đóng tiền “lộ phí” 960 ngàn đồng/xe/năm khi đi lại trên phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Đợi.

Theo khảo sát của PV, từ trục lộ chính nhìn vào sẽ thấy một tấm bảng treo trên vách nhà ông Đợi đề dòng chữ “Đường vô ruộng, vô ra 5.000 đồng”. Cạnh đó là một con đường khá lầy lội được trải bằng đá nhỏ tạm bợ có chiều dài khoảng 500m, bề ngang chỉ vừa 1 chiếc xe máy chạy. Đây là con đường đi duy nhất dẫn vào ruộng và nhà của 21 hộ dân nói trên.

Khi vừa cho xe vào đầu đường thì một người đàn ông chặn lại nói “Vô đây là trả tiền nghen”. Thấy PV thắc mắc ông này nói: “Đường này mở ra để thu tiền mà, đi đi rồi vòng về trả luôn”.

Vụ 'BOT' tự lập trên đường quê Hậu Giang: Lãnh đạo xã nói gì? ảnh 4 “Trạm thu phí” của gia đình ông Đợi có đề bảng “Đường vô ruộng. Vô ra 5.000” - Ảnh: Kim Hà.

Một người dân có nhà trong kênh Giữa cho biết, việc thu tiền này diễn ra khoảng 2 – 3 năm nay. Hồi trước, khi đường này chưa mở thì dân ở đây đi nhờ trên phần đất của gia đình ông Đợi thì không phải trả tiền nhưng đường sình lầy không chạy xe vào được mà phải gửi ở nhà người quen ngoài trục đường chính. Thấy được nhu cầu đi lại của bà con nên gia đình ông Đợi đã họp các hộ dân lại thương lượng để ông mở tuyến đường này, đổ đá, phát quang bụi rậm cho xe chạy nhưng với điều kiện là sẽ thu tiền 5 ngàn đồng/xe/lượt ra vô. Hộ nào có bao nhiêu chiếc xe thì phải đóng bấy nhiêu. Có được tuyến đường đi lại thuận tiện nên đa số bà con đã đồng ý.

Vui mừng chưa hết thì gánh nặng về tiền nong và ông Đợi không tu sửa đường như đã hứa khiến nhiều hộ bức xúc. Chị N.T.B nói: “Mỗi lần đóng tiền là mỗi lần ngán. Đóng tiền trên đầu xe, tới vụ lúa dư dả là tôi đóng luôn cả năm, nhà có 3 chiếc xe, tôi phải đóng 960 ngàn/năm/chiếc mà không được giảm đồng nào hết. Mấy đứa học sinh đi xe đạp thì họ không thu tiền, nhưng khi nào tu sửa đường thì nhà nào có con đi học phải ra phụ giúp, coi như lấy công để trả cho việc con họ đã được đi miễn phí”.

Còn anh N.V.Đ cho hay: “Không đóng thì không có đường đi, đất người ta thì người ta thu tiền, chứ đâu có cho đi không. Mấy nhà trong này thì đóng hàng tháng hoặc đóng luôn cả năm, còn những người vãn lai thì vô ra là phải đóng 5 ngàn/lần. Những lúc nhà ai có đám tiệc, xe đi nườm nượp thì hôm đó coi như họ “bội thu””.

Vụ 'BOT' tự lập trên đường quê Hậu Giang: Lãnh đạo xã nói gì? ảnh 5 Con đường được ông Đợi trải đá để thu tiền - Ảnh: Kim Hà.

Ước tính hiện tại có khoảng 30 chiếc xe máy phải đóng tiền khi sử dụng đường do ông Đợi lập ra, tức là hàng năm ông này thu về số tiền gần 30 triệu đồng.

Điều mong mỏi lớn nhất của người dân tại đây là gia đình ông Đợi giảm bớt một phần nào đó phí thu hàng năm. Mặt khác, bà con cũng mong muốn địa phương mở một con đường để việc đi lại nhằm giảm bớt gánh nặng khi đi trên tuyến đường “BOT” tự phát.

Không riêng gì xã Trường Long A, gần chục năm qua người dân tại khu vực cầu Kênh Sáu Thước, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũng xảy ra tình trạng tương tự. Gia đình ông Huỳnh Văn Tựu đã tự ý lập ra “trạm thu phí” trên phần đất có chiều dài chỉ vỏn vẹn 40m để thu tiền những xe đi qua lại.

Theo điều tra của PV, địa điểm thu tiền của ông Tựu nằm ngay dưới gầm cầu Kênh Sáu Thước. Tại đây, ông này kê một chiếc giường, cạnh đó là một chiếc võng được giăng để ngồi thu tiền. Đồng thời ông Tựu cũng làm hẳn một cái “barrier” chắn ngang là một sợ dây nilon. Khi xe chạy tới, người thu sẽ hạ dây xuống thu 2 ngàn đồng/lượt, rồi để xe chạy qua.

Được biết, đây là tuyến tắt dẫn lên đường Bốn Tổng Một Ngàn (đường nối trung tâm thị trấn Một Ngàn và huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Do muốn đi nhanh nên người dân chấp nhận bỏ tiền để qua “trạm”. Hiện nay, “trạm BOT” này đã được ông Tựu truyền lại cho con trai và con dâu quản lí.

MỚI - NÓNG