Vụ cháy chùa Dơi: 'Mất bò mới lo làm chuồng'

Vụ cháy chùa Dơi: 'Mất bò mới lo làm chuồng'
TP - Vụ cháy rụi ngôi Chánh điện chùa Dơi, một di tích văn hóa quốc gia vào rạng sáng 15/8 đang đặt ra những vấn đề cấp thiết về công tác phòng chống cháy ở các chùa chiền.

Thượng tá Trần Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chùa chiền là nơi thờ cúng của đồng bào nên chúng tôi cũng ít khi đến để kiểm tra tình hình an toàn cháy nổ, muốn đến phải phối hợp với các cơ quan như Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo... Hơn nữa, kiểm tra ở chùa, nếu phát hiện vi phạm thì chỉ nhắc nhở chứ không thể xử lý”.

Ông Huỳnh Đạt Phương, Chánh Văn phòng UBND TP Sóc Trăng nói: “Chúng tôi cũng có động viên nhà chùa nên trang bị các phương tiện dùng cho công tác PCCC, nhưng do đặc thù của chùa nên không thể làm như các hộ gia đình hay doanh nghiệp, cơ quan”.

Hòa Thượng Kim Rêne ở chùa Dơi lại nói: “Nhà chùa có gửi hồ sơ đề nghị trang bị dụng cụ PCCC cách đây mấy năm nhưng đến nay vẫn chưa thấy trang bị gì cả”.

Qua tìm hiểu ở nhiều chùa, PV Tiền phong nhận thấy hầu như không chùa nào có phương tiện chữa cháy. Sóc Trăng có rất nhiều chùa nổi tiếng như chùa Khleang, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu, chùa Phật Lớn, chùa La Hán, chùa Nước Mặn, chùa Trà Tiêm, chùa Cần Đước, chùa PrayChop, chùa Đại Giác, chùa Khánh Sơn, chùa Hương Sơn, chùa Năng Nhơn, chùa Ông Bổn, chùa Lao Vên.... tất cả nghi ngút đèn nhang quanh năm.

Chánh Văn phòng UBND TP Sóc Trăng cho biết: “Chùa nào cũng có nguy cơ cháy rất cao vì nhang đèn đốt liên tục, cấu trúc chùa lại có nhiều vật liệu dễ cháy. Sắp tới UBND TP sẽ ra văn bản chỉ đạo các phường quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ ở các chùa”.

Phòng cháy, không ai để ý

Vụ cháy chùa Dơi: 'Mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 1
Chánh điện chùa Dơi khi chưa cháy

Tỉnh có nhiều chùa Khmer nhất ĐBSCL là Trà Vinh, 141 ngôi chùa. Trong số này, hơn 2/3 có tuổi từ 100 –650 năm.

Chùa Âng- ngôi chùa có trên 650 năm nằm ẩn mình dưới những bóng cây cổ thụ cạnh bên Ao Bà Om. Đây là một quần thể di tích văn hoá lịch sử cấp Quốc gia.

Sư cả Thạch SokXane, trụ trì chùa Âng cho biết: “Hàng ngày có hàng trăm khách thập phương đến tham quan Chánh điện thắp nhang, cúng vái. Những ngày lễ hội của người Khmer thì phải chen nhau”.

Chùa Âng còn lưu giữ những bộ kinh Phật viết trên lá buông rất nổi tiếng, nhưng lá khô cũng rất dễ bắt lửa. Hầu như các sư cả và ban quản trị chùa Khmer vẫn chưa động thái gì để bảo vệ các di sản văn hoá quý hiếm này nếu hoả hoạn xảy ra!

Sư cả Thạch Xuông, trụ trì chùa Hang, huyện Châu Thành tâm sự: “Trong chùa toàn những đồ vật dễ gây cháy, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nhắc các sư cẩn thận với lửa nhang, đèn cày nhưng có lẽ cũng cần trang bị phương tiện PCCC”.

Đáng chú ý tất cả những ngôi chùa hầu như không hề đề cập đến tiêu chí về an toàn PCCC. Các phương án phòng cháy chữa cháy trong các chùa Khmer từ trước nay chưa có cơ quan chức năng nào nghĩ đến và do đó hiện nay, không ngôi chùa nào được trang bị phương tiện PCCC. Không có nguồn nước và các phương tiện chứa nước.

Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Nhì cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Dân tộc, và các chùa xây dựng phương án, trang thiết bị và huấn luyện những phật tử gần khu vực chùa và sư sãi về PCCC để khi có sự cố sẽ ứng phó kịp thời”.

MỚI - NÓNG