Vụ 'Cho lao động đi tàu bay giấy': Thật giả lẫn lộn

Vụ 'Cho lao động đi tàu bay giấy': Thật giả lẫn lộn
TP- Tiền Phong có bài: “Xuất khẩu lao động ở Thanh Hóa: Cho lao động đi tàu bay giấy” phản ánh nhiều lao động huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, gặp khó trong chuyến xuất ngoại sang Nga. Nhiều tình tiết mới trong chuyện này vừa vỡ ra.

Hai ngày sau khi bài báo kể trên phát hành, ông Phạm Văn Động - Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Lao động - Chi nhánh Tổng Cty Xây dựng Hà Nội - Hamex ( trước đây là Trung tâm Hantech), địa chỉ B3A Làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội - có văn bản gửi Báo Tiền Phong, trao đổi một số vấn đề quanh câu chuyện xuất khẩu lao động sang Nga. Sau đó đại diện Báo Tiền Phong có ba cuộc làm việc với ông Động.

Người bị nghi giả danh GĐ Hamex nói gì?

Ông Trần Thanh Minh – Phó GĐ Thanglongmex, bị nghi là mạo danh ông Phạm Văn Động – GĐ Hamex tuyển lao động tại Thanh Hoá.

Ngày 19/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Minh cho biết, từ tháng 10/2007 đến 10/2008, ông là trưởng phòng XKLĐ của Hamex. Tháng 10/2008 ông chuyển công tác sang Thanglongmex.

“Tôi chưa bao giờ giả danh ông Động” - Ông Minh khẳng định.

Trả lời câu hỏi về tư cách pháp nhân của ông Trung, ông Minh nói: “Trung làm tự do, chưa bao giờ là người của Thanglongmex” (Hamex cũng khẳng định ông Trung không phải người của họ).

Cuối cuộc trò chuyện, ông Minh cho biết, Tiền Phong mới nêu phần nhỏ của vụ việc, còn nhiều chuyện lớn lắm.

Giữa năm 2008, có hai người xưng là đại diện Hamex tại Thanh Hóa là Phạm Xuân Thủy và Trần Văn Trung đến huyện Thạch Thành giới thiệu chương trình xuất khẩu lao động sang Nga.

Do suy thoái kinh tế nên kế hoạch xuất ngoại bị ảnh hưởng. Người đã bay sang Nga thì công việc trồi sụt, người ở lại dài cổ đợi xuất cảnh. Chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt đã xảy ra thời điểm khó khăn này giữa lao động và doanh nghiệp.

Đây là thời điểm đổ vỡ lớn của xuất khẩu lao động, do một số nước tiếp nhận lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế. Có thời điểm lao động Việt Nam tại Nga, CH Séc, Đài Loan... về nước ồ ạt.

Phải vừa lo đưa đi đón về, vừa đền bù, giải quyết rủi ro, chia sẻ cùng lao động - nên không ít doanh nghiệp đứng trên bờ phá sản. Hamex không ngoại lệ.

Khi khủng hoảng kinh tế lan rộng, cơ hội sang Nga của lao động bị thu hẹp, Hamex đã cùng ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện Thạch Thành đưa ra cách giải quyết.

“Chúng tôi có 35 lao động đăng ký sang Nga làm việc thời điểm ấy. Số chưa đi xin rút, không đi nữa; số rủi ro về nước, tất cả đều được giải quyết thỏa đáng trong tháng 2/2009” - Ông Động khẳng định.

Ai cho lao động đi tàu bay giấy?

Vụ 'Cho lao động đi tàu bay giấy': Thật giả lẫn lộn ảnh 1 Vụ 'Cho lao động đi tàu bay giấy': Thật giả lẫn lộn ảnh 2
Phiếu thu có dấu tròn (ông Động cung cấp - trái) và hàng loạt phiếu thu dấu hình chữ nhật, có chữ ký Trần Văn Trung

Giải quyết thỏa đáng rồi sao lao động Thạch Thành vẫn khiếu nại, vẫn đi đòi tiền?

Mới đây, lao động huyện Thạch Thành phản ánh với báo chí rằng, họ bị lừa. Lao động đặt câu hỏi:

- Vì sao đăng ký, đặt cọc tiền tại Hamex, nhưng lại ký hợp đồng vay vốn, hợp đồng xuất ngoại tại Trung tâm XNK Đầu tư Xây dựng & Lao động Thăng Long (Thanglongmex) thuộc Tổng Cty Xây dựng Thăng Long (địa chỉ 27 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội)? Sao Trần Văn Trung lúc đại diện cho Hanmex, khi thì của Thanglongmex? Hamex và Thanglongmex quan hệ thế nào? Rốt cuộc lao động phải tìm cá nhân nào, đơn vị nào để đòi tiền?

Những rắc rối kể trên một phần được sáng tỏ qua qua Trần Văn Trung.

Cho đến nay, nhiều người ở Thạch Thành vẫn khẳng định, Trần Văn Trung là đại diện Hamex tại Thanh Hoá. “Trần Văn Trung chưa bao giờ là người của Hamex” – Giám đốc Hamex Phạm Văn Động khẳng định với PV Tiền Phong ngày 16/7, tại Hà Nội.

Không phải người của Hamex sao hóa đơn, phiếu thu đều do Trần Văn Trung ký, có dấu đỏ của Hamex? “Đó là giấy tờ giả” - Ông Động nói. Ông Động cung cấp cho chúng tôi phiếu thu mà Cty đang sử dụng. Có sự khác nhau rõ giữa phiếu thu của Hamex (ông Động cung cấp) và phiếu thu có chữ ký của Trần Văn Trung, do lao động Thạch Thành cung cấp (xem ảnh).

Việc ông Trung lúc là người của Hamex lúc nhận là của Thanglongmex lý giải vì sao một số phiếu thu tiền đặt cọc ghi Hamex nhưng ký hợp đồng và hồ sơ vay vốn là của Thanglongmex.

Đấy cũng là cách giải thích vì sao Hamex giải quyết ổn thoả cho 35 lao động trong tháng 2/2009 nhưng vẫn bị khiếu nại, đòi tiền. Điều đó có thể là ông Trung lấy danh Hamex tuyển lao động bán cho Thanglongmex, khiến lao động không phân biệt được họ do Hamex hay Thanglongmex làm thủ tục xuất ngoại.

Ông Động nói thêm: “Sau khi biết chuyện cán bộ đại diện tại Thanh Hóa là Phạm Xuân Thủy làm ăn không đàng hoàng (bắt tay với Trần Văn Trung), từ ngày 27/2/2009, tôi đã cho Thủy thôi việc và đóng cửa văn phòng đại diện tại Thanh Hóa”.

Hai giám đốc Hamex

Chúng tôi tiếp tục tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Vì sao lao động khi thì níu áo Hamex, khi chạy đến gõ cửa Thanglongmex đòi tiền, rồi ngơ ngác không biết ông Trung là người của Cty nào”.

Lại được nghe một chuyện kỳ quặc.

Thời điểm tuyển lao động đi Nga, cán bộ và một số người ở Thạch Thành gặp và trao đổi với ông Động (GĐ Hamex). Thế nhưng, cuối năm 2008, họ gặp thêm một người xưng là ông Động - GĐ Hamex. Cán bộ huyện và dân đề nghị người đến sau chứng minh là ông Động thật thì mới làm việc.

Hỏi chuyện này, ông Động nói: “Tôi rất vất vả để chứng minh mình. Họ lợi dụng Hamex, lợi dụng chức danh của tôi để lừa đảo, gây mất uy tín làm nhiễu thị trường tuyển dụng. Đề nghị công an vào cuộc làm rõ vụ này”.

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện CA Thanh Hóa cho biết, công an sẽ vào cuộc ngay. CA Thanh Hóa sẽ đề nghị CA Hà Nội phối hợp điều tra. Mấy ngày nay, lao động Thạch Thành đã ra Hà Nội bắt đầu hành trình đòi tiền.

Tiền Phong tiếp tục theo dõi để làm rõ những phi lý trong cung cách làm xuất khẩu lao động một cảnh kỳ dị.

Đại diện Hamex tại Thanh Hóa Phạm Xuân Thủy:

Báo nêu, tôi bị đình chỉ công tác

Ông Thủy cho biết, từng là đại diện của Hamex tại Thanh Hóa. “Tôi đã làm việc với Hamex và Thanglongmex cam kết với lao động sẽ giải quyết tất cả khúc mắc về tài chính trước 30/7/2009. Cá nhân tôi cũng có cam kết với lao động” - Ông Thủy nói.

Khi được hỏi “hiện ông là người của Hamex hay Thanglongmex”, ông Thủy nói: “Là người của Thanglongmex. Nhưng khi Báo Tiền Phong nêu tên tôi liên quan XKLĐ sang Nga, Thanglongmex đã đình chỉ công tác đối với tôi. Nếu giải quyết sự cố không tốt, có lẽ tôi sẽ mất việc”.

Nhân vật chính Trần Văn Trung:

Tôi không trốn tránh

Ngày 18/7, chúng tôi kết nối được với Trần Văn Trung (nhân vật chính chuyện xuất khẩu lao động sang Nga mà Báo Tiền Phong nêu).

“Ông Phạm Văn Động khẳng định Trần Văn Trung chưa bao giờ là người của Hamex, ông nói gì?”. Sau một lúc trao đổi ngoài lề, ông Trung nói, khó nói lắm anh ạ… “Hình như phiếu thu có dấu đỏ và chữ ký của ông cũng là giả?”

Ông Trung cho rằng, thu tiền chuyển về trung tâm, chứ không bỏ túi riêng (không khẳng định giả hay thật).

“Vì sao phiếu thu ghi là Hamex nhưng hợp đồng vay vốn ngân hàng lại là Thanglongmex. Ông lấy danh nghĩa Hamex tuyển lao động bán cho Thanglongmex?”.

Ông Trung nói, sau khi bỏ Hamex sang làm việc cho Thanglongmex thì chuyển số lao động mà ông đã thu tiền (khi còn làm ở Hamex) sang Thanglongmex để tiếp tục làm thủ tục xuất ngoại…

“Người ta đồn có một cán bộ quan trọng hiện làm việc tại Thanglongmex từng nhận là GĐ Hamex đi tuyển lao động tại Thanh Hóa. Ông có nghe chuyện này không?”.

- Tôi có nghe. Nhưng đến nay chả ai khẳng định đó là thật hay giả. Đúng là tôi có nghe - Ông Trung nói.

Ông Trung mong Báo Tiền Phong tạo điều kiện để tiếp tục giải quyết vướng mắc với lao động. Tôi không trốn tránh. Tôi vẫn tích cực giải quyết công việc.

MỚI - NÓNG