Vụ điện kế điện tử: Hôm nay bồi hoàn tiền chênh lệch

Vụ điện kế điện tử: Hôm nay bồi hoàn tiền chênh lệch
Hôm nay, các điện lực thuộc Cty Điện lực TP.HCM bồi hoàn tiền chênh lệch (điện, thuế giá trị gia tăng, lãi suất) cho khách hàng liên quan đến vụ điện kế điện tử (ĐKĐT).
Vụ điện kế điện tử: Hôm nay bồi hoàn tiền chênh lệch ảnh 1

Nhân viên Điện lực Sài Gòn chốt chỉ số tính tiền bồi hoàn cho khách hàng tại quận 1 - Ảnh: P.P.H.

Phó giám đốc Công ty Điện lực TP Nguyễn Văn Lý cho biết: Có gần 28.000 khách hàng áp dụng theo phương án tính bình quân hai tháng trước và hai tháng sau khi gắn ĐKĐT.

Với khoảng 250.000 khách hàng áp dụng phương án gắn đối chứng, đến nay công ty đã chốt chỉ số gần 45.000 trường hợp.

Những khách hàng còn lại đang tiếp tục gắn đối chứng, chốt chỉ số để tính bồi hoàn. Có trên 11.800 khách hàng không đồng tình gắn đối chứng và chấp nhận không bồi hoàn.

Thưa ông, cách thức bồi hoàn tiến hành ra sao?

Các điện lực bồi hoàn theo phiên lộ trình, đến lượt hộ nào trước bồi hoàn trước. Nhân viên các điện lực đến tận nhà khách hàng để bồi hoàn và giải đáp tất cả những thắc mắc của khách hàng.

Nếu chưa thỏa mãn, khách hàng tiếp tục có thể gọi đến đường dây nóng các điện lực theo số ghi trên hóa đơn tiền điện để được giải thích. Khách hàng đi vắng, không có ở nhà, nhân viên sẽ hẹn thời điểm thuận tiện đến bồi hoàn.

Nếu không liên lạc được, khách hàng nên đến các điện lực để được giải quyết. Số tiền bồi hoàn bao gồm: tiền điện chênh lệch, tiền thuế giá trị gia tăng chênh lệch và lãi suất của số tiền trên tính theo lãi suất ngân hàng ở thời điểm bồi hoàn.

Còn nhiều trường hợp phát sinh như khách hàng không đủ thời gian tính bình quân, các trường hợp bị giải tỏa, chưa kịp gắn đối chứng... thì giải quyết ra sao?

Đối với trường hợp tính bình quân: nếu không đủ bốn tháng (không đủ hai tháng trước, hai tháng sau hoặc không đủ cả hai tháng trước và hai tháng sau…) thì áp dụng cách tính bình quân theo thời gian thực tế;

Theo Công ty Điện lực TP, đối với khách hàng tính bình quân theo phương án hai tháng trước và hai tháng sau số tiền bồi hoàn cao nhất vài triệu đồng và thấp nhất là vài chục ngàn đồng. Riêng với khách hàng gắn điện kế đối chứng, số khách hàng được bồi hoàn không nhiều vì đa số ĐKĐT chính xác!

Trong thời gian sử dụng ĐKĐT khách hàng bị giải tỏa đi nơi khác và đã thanh lý hợp đồng với ngành điện thì các điện lực liên hệ địa phương tìm địa chỉ mới của khách hàng hoặc khách hàng liên lạc với các điện lực để được bồi hoàn.

Vì không thể gắn điện kế đối chứng nên cách tính tiền áp dụng theo hình thức thỏa thuận giữa khách hàng và ngành điện; trường hợp khách hàng vi phạm qui định trong thời gian sử dụng ĐKĐT hay trong lúc gắn đối chứng thì không được bồi hoàn tiền điện chênh lệch. Riêng việc vi phạm sử dụng điện vẫn bị xử lý và truy thu tiền điện.

Với khách hàng gắn đối chứng: trong thời gian gắn đối chứng nhưng ĐKĐT bị hư hoặc cháy thì áp dụng theo phương án tính bình quân hai tháng trước và hai tháng sau khi gắn ĐKĐT;

Với khách hàng bị phát hiện vi phạm sử dụng điện trong thời gian gắn đối chứng có hai dạng: khách hàng có tác động vào ĐKĐT bằng cách khoan lỗ, phá niêm chì hộp số… thì không tính bồi hoàn và truy thu tiền điện.

Trường hợp khách hàng dùng máy tạo dòng để quay ngược điện kế hoặc câu điện sử dụng trước điện kế thì tính chênh lệch theo phương án đối chứng và bị xử lý truy thu tiền điện theo qui định;

Trường hợp gắn đối chứng điện kế chưa đúng một tháng theo thời gian qui định nhưng khách hàng không sử dụng nữa, phải tháo điện kế và thanh lý hợp đồng thì tính theo phương án đối chứng với số liệu thực tế để so sánh chênh lệch.

Các trường hợp khác như: sau khi gắn đối chứng, khách hàng thay đổi mục đích sử dụng điện, thay đổi phụ tải (tăng hoặc giảm), tách hộ phải gắn điện kế riêng… nếu áp dụng phương án đối chứng sẽ không chính xác. Vì vậy công ty đang xin ý kiến của Bộ Công nghiệp để giải quyết.     

Theo Phúc Huy
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG