Chủ tịch nước Trần Đại Quang:

Vụ Đồng Tâm: Phải thấu tình, đạt lý

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TPHCM.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TPHCM.
TP - Chiều 26/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 (TPHCM) đã tiếp xúc với trên 400 cử tri của ba quận 1, 3, 4 trước kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (QH). Tại đây, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Giữ nghiêm phép nước, kỷ cương nhưng phải mở rộng dân chủ, lắng nghe dân để tránh xảy ra những vụ như Đồng Tâm.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường 7, quận 3) cho rằng, đang có tình trạng “trên bảo, dưới không nghe, dưới kêu, trên không biết”, gây mất niềm tin của người dân. Ông Châu dẫn chứng: “Vụ Đồng Tâm, dân khiếu nại gay gắt, bắt giữ cán bộ thì dư luận mới biết, lãnh đạo thành phố mới về đối thoại với dân”.

Cử tri Lê Văn Sỹ (phường 9, quận 4) thắc mắc: Vụ xã Đồng Tâm tại sao để kéo dài đến lúc dân bức xúc quá, bắt giữ cán bộ mới giải quyết?

Ghi nhận kiến nghị của các cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, các ý kiến cử tri đều rất tâm huyết, thẳng thắn và sâu sắc, cá nhân ông rất đồng tình vì vấn đề đặt ra chính là những bức xúc trong cuộc sống.

Theo Chủ tịch nước, tình hình khiếu kiện tranh chấp đất đai xảy ra ở nhiều tỉnh thành đang là vấn đề Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Đối với vụ việc vừa xảy ra ở Đồng Tâm, Trung ương đang chỉ đạo thành phố Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện, từ nguyên nhân xảy ra, quá trình xử lý, những bài học rút ra từ vụ việc trên để có kinh nghiệm cần thiết xử lý những vụ việc khác tương tự sau này. Vụ việc ở Đồng Tâm cho thấy, phải nắm chắc tình hình, tìm hiểu rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó mới có thể đề xuất những biện pháp, giải pháp giải quyết một cách hiệu quả, có tình, có lý.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tôi đồng tình với các cử tri. Chúng ta phải lắng nghe ý kiến nhân dân, giải thích cho dân hiểu được những chủ trương, chính sách, quyết định của nhà nước, kể cả cấp trung ương và cơ sở để tạo sự đồng thuận. Giữ nghiêm kỷ cương phép nước nhưng phải mở rộng dân chủ, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tìm hiểu nguyên nhân sự việc và trao đổi các giải pháp một cách xây dựng để tạo nên sự đồng thuận. Lúc đó mới triển khai thực hiện thì chắc chắn không có những vụ việc đáng tiếc xảy ra như vụ Đồng Tâm. Ai vi phạm chúng ta xử lý, chỗ nào đúng phải kiên quyết bảo vệ với tinh thần thượng tôn pháp luật”.

Cấm xe máy: Không được nóng vội      

Trả lời một số cử tri về Luật Biểu tình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, QH đã giao cơ quan chức năng lập ban soạn thảo nhưng do luật lớn, liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm, Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm nên phải tham khảo trong và ngoài nước. “Chúng ta rất coi trọng nhưng vì chất lượng dự án luật nên chưa thể trình ra xem xét”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Theo cử tri Lê Minh Số (phường Cầu Kho, quận 1), hạn chế xe máy là chủ trương rất sáng suốt, nên làm nhanh. Ông Số đặt vấn đề: Tại sao người dân quay lưng xe buýt? Đó là vì xe buýt luôn trễ giờ, đến muộn làm người dân ngán ngẩm. Xe cá nhân bùng nổ, xe buýt không còn đường để chạy. Cần phân luồng, phân làn, bố trí làn đường dành riêng thì người dân sẽ bỏ xe máy đi xe buýt.

Cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường 7, quận 3) cho rằng việc lập lại trật tự lòng lề đường chống kẹt xe từ “điểm sáng” quận 1 đã lan toả ra cả nước: “Hãy khoan cấm xe máy vì nhà nước chưa đủ khả năng hoàn chỉnh mạng lưới xe buýt và hạ tầng giao thông, chưa thể cấm ngay việc sản xuất xe máy. Cần bình tĩnh sáng suốt, không thể bắt học sinh tiểu học nhảy lên học đại học”, ông Châu ví von.

Chủ tịch nước nêu rõ: “Hạn chế, cấm xe máy cũng chỉ là một ý kiến, đề xuất giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông. Chúng ta cần nghiên cứu, tính toán xem có khả thi không, nếu khả thi thì phải có lộ trình, từng bước đi cụ thể chứ không phải nói một cái là cấm ngay được. Nó không phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước chúng ta. Làm như vậy là nóng vội”.

MỚI - NÓNG