Nghệ An:

Vụ đuối nước thương tâm trên sông Ðào: Nên bổ sung 'phao cứu sinh'

​ Mái kênh bờ sông Ðào phủ rêu xanh, trơn trượt
​ Mái kênh bờ sông Ðào phủ rêu xanh, trơn trượt
TP - Vụ đuối nước thương tâm trên sông Ðào (chảy qua huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) bộc lộ bất cập về thiết kế dự án sông Ðào - mái bờ sông quá ít bậc lên xuống, lan can…

Chiều tối 17/1, em N.B.H. (9 tuổi, học sinh lớp 3, trường tiểu học xã Liên Thành, huyện Yên Thành) cùng chị gái đạp xe về thăm ông bà ngoại. Trên đường về, hai chị em H. dừng xe xuống rửa chân ở bến sông Đào. Trong lúc rửa chân, người chị bị rơi dép xuống sông. Em H. cố với tay lấy chiếc dép, không may sẩy chân rơi xuống sông. Nước sâu, chảy mạnh, hai bên bờ mái được đổ bê tông cốt thép có rong rêu trơn trượt nên em H. không thể bấu víu để lên bờ. Người chị cố tìm cách cứu em nhưng không được, nên chạy về nhà kêu cứu.

Thời điểm người dân chạy ra thì em H. đã bị nước cuốn mất tích, chỉ thấy những dấu bàn tay bấu vào bờ bê tông. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã đóng cống Mụ Bà (huyện Đô Lương, Nghệ An) để ngăn nước sông Lam chảy vào sông Đào. Đến tối 19/1, lực lượng chức năng cùng người dân tìm thấy thi thể em H. cách nơi gặp nạn khoảng 2,5 km. Sau khi cơ quan công an làm các thủ tục cần thiết, địa phương đưa thi thể nạn nhân về nhà để cùng gia đình tổ chức lễ tang. Em H. có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố bị bệnh, mẹ đau yếu.

Nhiều người dân địa phương cho rằng, nếu mái bờ sông có nhiều bậc rửa hay dây xích sắt thì em H. có thể thoát nạn.

Chiều dài dự án 56 km (chảy qua huyện Yên Thành 25km, có 43 bậc rửa). Như vậy, sông Đào chảy qua huyện Yên Thành có chiều dài 25km, cứ gần 600m là một bậc rửa. Chính quyền địa phương và người dân cho rằng, bậc rửa như vậy là quá ít, khoảng cách các bậc rửa quá xa. Những trường hợp rơi xuống sông Đào không thể thoát lên. Mùa hè,  nhu cầu tắm mát của người dân tăng cao, nguy cơ đuối nước nhiều hơn.

Ông Đào Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Tăng Thành (huyện Yên Thành) nói: “Là địa bàn có sông Đào chảy qua, mỗi năm, xã có khoảng 3 người bị đuối nước. Một trong những nguyên nhân mà người dân phản ánh rất nhiều là do taluy mái sông. Người lớn bị rơi xuống cũng không lên được, nói gì trẻ em. Rêu bám xanh mái bờ, trơn trượt. Địa phương thừa nhận mặt tích cực khi làm mái bờ sông như không sạt lở, thấm nước, lưu lượng nước chảy nhanh hơn, đẹp về mỹ quan, nhưng cần thiết phải có nhiều bậc lên xuống hoặc lan can. Địa phương sẽ có ý kiến  cấp trên nhằm có giải pháp sớm nhất thực trạng này”.

Ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, nêu giải pháp, cứ 50m sông bổ sung cố định một sợi xích sắt. “Dọc theo tuyến sông lực lượng chức năng đều cắm biển cảnh báo tại các cầu bắc qua sông. Và bên đơn vị thi công chỉ xây các bậc lên xuống ở vị trí các cầu. Sau sự việc thương tâm của cháu H. tôi có ý kiến, nếu không bổ sung bậc lên xuống thì phải bổ sung trong 50m có một dây xích sắt cố định. Khi gặp chuyện không may rơi xuống nạn nhân có thể bám vào dây xích lên được”, ông Truyền nói.   

MỚI - NÓNG