Vụ gian lận thi ở Hà Giang: 'Đừng xem dư luận là trẻ con'

Nhiều ý kiến không đồng tình với thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang. Ảnh TT
Nhiều ý kiến không đồng tình với thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang. Ảnh TT
TPO - Trao đổi với Tiền Phong xoay quanh thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang, nhiều ĐBQH không hài lòng với quan điểm xử lý của địa phương này, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm cá nhân của các cán bộ liên quan.

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa công bố danh sách những cán bộ đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đáng chú ý, trong số 29 cán bộ, đảng viên phải “kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc” có vợ ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

Giải trình thay?

Trao đổi với Tiền phong, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, Thông báo kết quả kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang chẳng khác nào đang đánh đố dư luận xã hội, xem thường cảm xúc của không ít thí sinh bị thiệt thòi về quyền lợi liên quan trong vụ việc tiêu cực thi cử này. Qua thông báo này, nghe thì có vẻ quá trình và phương pháp thanh kiểm tra rất nghiêm túc, nhưng nội dung, hình thức xử lý được nêu chỉ nổi bật hai vấn đề: Thừa thãi và dễ dãi.

Theo đại biểu, thừa thãi bởi thay vì anh có một kết luận thẳng thắn, nghiêm khắc, nghiêm minh và thậm chí là đanh thép đối với sai phạm, vi phạm của các tập thể và cá nhân liên quan, nhằm làm trong sạch bộ máy, đội ngũ cán bộ đảng viên, thì anh lại làm thông báo không khác gì giải trình thay cho những người gián tiếp, trực tiếp gây ra sai phạm.

“Lẽ ra đó phải là một văn bản rõ ràng, công minh, không phải kiểu sử dụng ngôn ngữ khỏa lấp, né tránh trách nhiệm như vậy. Kết luận phải đưa ra được mức độ sai phạm nghiêm trọng tương ứng với vị trí, trách nhiệm của những người này. Đọc nội dung tôi chỉ có cảm giác có một số đối tượng có liên quan đến sai phạm trở thành nạn nhân”, nữ đại biểu Hiền cho hay.

Còn dễ dãi, theo Phó giám đốc Sở Lao động, vì đã dễ dàng chấp nhận một kiểu giải trình hết sức đối phó, rập khuôn, né tránh trách nhiệm của những người có liên quan đến vụ việc. Nên nhớ rằng, họ đóng vai trò nêu gương người đứng đầu, dám làm, dám chịu. Đối với quy định về những điều đảng viên không được làm, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa thì đều có những biểu hiện cụ thể.

Vụ gian lận thi ở Hà Giang: 'Đừng xem dư luận là trẻ con' ảnh 1 ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền

“Tại sao lại có kiểu sử dụng ngôn từ nói giảm, nói tránh và thiếu rõ ràng đến vậy? Dư luận xã hội, người dân đâu có nhu cầu tìm hiểu và cảm thông với các mối quan hệ dích dắc trong gia đình của đội ngũ cán bộ đảng viên này?”, đại biểu nêu.

“Tôi cho rằng, đó là những lý giải không cần thiết. Vì vậy, tôi rất mong các cơ quan chức năng một khi đã vào cuộc thì rất cần đặt yếu tố công khai, minh bạch, tính công bằng phải đưa lên hàng đầu. Đối với những người có liên quan giữ vị trí chủ chốt, giữ vai trò làm gương, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và hơn hết là thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao cho thì tôi mong họ đừng xem dư luận là trẻ con nữa.

Không dám nhận trách nhiệm, thiếu sự thẳng thắn và khí chất của đảng viên gương mẫu thì đừng đổ cho ai làm vấy bẩn thanh danh mình, lương tâm mình”, bà Hiền bày tỏ.

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm

Cùng trao đổi với PV, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) quan niệm việc xử lý trong gian lận thi cử phải được làm một cách đồng bộ. Một là tất cả các địa phương phải được xử lý như nhau, cùng thống nhất một quan điểm, không có chuyện địa phương này xử lý, địa phương kia lại không, hoặc nơi này xử nặng, nơi kia lại xử nhẹ. Thứ hai, phải xử lý các chủ thể có liên quan, bao gồm thí sinh gian lận thi cử; cán bộ thực hiện các hành vi gian lận; và phụ huynh của thí sinh đó.

Vụ gian lận thi ở Hà Giang: 'Đừng xem dư luận là trẻ con' ảnh 2 ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Theo ông, trong vụ việc này, Bộ GD&ĐT phải phải tham mưu cho Chính phủ, xem xét chỉ đạo để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Không thể địa phương này xử lý hành chính, còn địa phương kia lại xử lý kỷ luật Đảng, rồi địa phương khác lại xét xử bằng hình sự, như vậy là không được. Đáng lưu ý, ở đây còn liên quan đến người đứng đầu các địa phương, nên phải được xem xét trách nhiệm dù họ có trực tiếp liên quan hay không.

“Một người lãnh đạo thì trước tiên phải chỉ huy được gia đình. Nếu trong gia đình có người vi phạm thì anh phải chịu trách nhiệm chứ? Trách nhiệm nêu gương của anh như thế nào trong trường hợp này? Cử tri không đồng tình, người ta cực kỳ bức xúc với cách xử lý của Hà Giang. Cùng một hành vi, trong khi địa phương khác đang xử lý rất nghiêm khắc, với cả chục người ra tòa, còn Hà Giang lại im ắng, khiến cử tri đặt ra câu hỏi rất lớn”, ông Nhưỡng nói.

MỚI - NÓNG