Vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam: Chúng ta không thiếu bằng chứng

Vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam: Chúng ta không thiếu bằng chứng
TP - Sau phán quyết đi ngược lương tri của Tòa án Tối cao Mỹ, GS, TS Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam, khẳng định, phía nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không thiếu bằng chứng để theo kiện đến cùng.
Vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam: Chúng ta không thiếu bằng chứng ảnh 1
GS.TS Nguyễn Trọng Nhân

Trao đổi của GS.TS Nguyễn Trọng Nhân với Tiền Phong.

Có ý kiến cho rằng, trái với phán quyết phi lý của Toà án Mỹ, Chính phủ Hoa Kỳ có những động thái ban đầu trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.Những động thái ban đầu đó là gì, thưa ông?

GS. TS Nguyễn Trọng Nhân: Việc làm của Tòa án Tối cao Mỹ vô hình trung đi ngược lại với việc làm của Chính Phủ.

Trong khi chính phủ bắt đầu thừa nhận và có những động thái chịu trách nhiệm, tòa án lại bác bỏ. Trong khi tòa án phải là nơi thực hiện công lý thì chính tòa án lại là nơi không tôn trọng công lý. Họ bác bỏ mà không có một lý do nào.

Thứ nhất, chúng ta chỉ kiện các công ty Mỹ, nhưng Chính phủ Mỹ lại bàn với Quốc hội Mỹ bỏ ra ba triệu USD để tẩy độc những nơi còn có nồng độ dioxin cao như sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa…, tổ chức cuộc đối thoại giữa một số nhân vật Mỹ với một số nhân vật bên Việt Nam. Họ tuyên truyền rùm beng rằng, họ đang có những hoạt động nhân đạo giúp đỡ Việt Nam.

Từ chỗ chống đối, tuy không bị kiện, Chính phủ Mỹ lại bỏ tiền ra thì không khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Món tiền đó không đáng kể, không đủ. Chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh để họ phải có trách nhiệm hơn nữa.

Động thái thứ hai là phía Chính phủ Mỹ mở cuộc đối thoại nhằm đánh lừa dư luận là không cần kiện nữa, mà chỉ cần trao đổi thế này thì mọi việc sẽ xong xuôi, để dư luận không gây sức ép với họ nữa. Đó là những động thái cho thấy họ đã phần nào chịu trách nhiệm.

Quốc hội Mỹ tuy mới bỏ ba triệu USD, nhưng họ đã mở cuộc điều trần mang tên “trách nhiệm bị lãng quên, phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam”.

Hôm qua tại hội nghị đối thoại nhân dân, tôi có nói: “Ta không thắng ở tòa sơ thẩm, phúc thẩm, và tòa án tối cao. Nhưng thua ở trận nhỏ vẫn có thể thắng trận lớn. Đừng coi những cuộc thua kiện là những gì khiến ta nản chí. Ta cũng hiểu kiện không phải dễ thắng, nhất là đấu tranh với một nước mạnh như Mỹ.

Năm 2008 được đánh giá là năm thành công nhất trong việc tạo ra luồng dư luận và huy động được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cho các nạn nhân nhiễm da cam/dioxin tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 15 triệu USD. Ông có bình luận gì về thông tin này?

Tất nhiên rồi, năm 2008 Việt Nam có một đoàn nạn nhân chất độc da cam sang Mỹ. Trong chuyến đi này chúng ta tiếp xúc được một số nghị sỹ Mỹ, tức là đánh động vào những giới làm về luật pháp để tiến tới làm sao để Quốc hội Mỹ ra một luật gì đó, chi phí cho việc giải quyết hậu quả chiến tranh về vấn đề hóa học nhiều hơn.

So với trước kia, chúng ta chỉ gặp nhân dân Mỹ, chưa gặp được các nghị sỹ Mỹ. Năm 2008 chúng ta gặp được các nghị sỹ, thăm quốc hội Mỹ để nói với họ về sự thật.

Tất nhiên trong Quốc hội Mỹ có người ủng hộ, nhưng cũng có người phản đối, nhưng ít nhất chúng ta đánh động được đến họ - những người có tác động ít nhiều đến Quốc hội Mỹ. Kết quả, sau cuộc gặp đó có người giúp việc của Quốc hội Mỹ đã sang bên Việt Nam để điều tra.

Tôi không nhớ số tiền, chỉ biết rằng phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ngày càng mạnh hơn. Số tiền tôi không ước lượng được. Chỉ biết, so với năm 2004, hiện nay phong trào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam mạnh hơn nhiều.

Được biết Hội đang tính đến việc sẽ tiến hành khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ tại một nước thứ ba. Ông có thể cho biết đấy là nước thứ ba nào, và việc khởi kiện đó dựa trên luật pháp quốc tế, hay luật pháp của quốc gia nào?

GS. TS Nguyễn Trọng Nhân: Chúng ta không giật mình, không nản chí. Mỗi tình huống phải có điều kiện nhất định. Chỉ biết rằng là chúng ta vẫn tiếp tục đấu tranh, và luật pháp quốc tế cho phép làm việc đó. Còn Việt Nam phối hợp với ai, với nước nào, bây giờ chưa thể đưa thông tin ra được.

Qua những thất bại trong các vụ kiện của chúng ta, theo ông đâu là nguyên nhân và bài học rút ra là gì?

GS. TS Nguyễn Trọng Nhân: Lý do chính khiến chúng ta chưa thắng ở tòa án là bên họ trốn tránh trách nhiệm, tòa án Mỹ, thẩm phán Mỹ không tôn trọng thực tế.

Cựu chiến binh Mỹ thừa nhận, người Mỹ đã thừa nhận. Không phải chúng ta không đủ bằng chứng. Nếu có lỗi thì chỉ là chúng ta chưa đẩy mạnh được dư luận đến mức cần thiết để tạo sức ép dư luận để họ không thể trốn tránh được.

Cám ơn ông!

Kiều Oanh
Thực hiện

MỚI - NÓNG