Vụ nữ trưởng phòng mạo danh tại Tỉnh ủy Đắk Lắk: Quy trình lỏng lẻo?

TPO - Vì sao một phụ nữ có thể đánh tráo họ tên để vào làm việc suốt 10 năm và trở thành Trưởng phòng Hành chính - Quản trị trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mà không ai trong cơ quan này phát hiện, cho đến lúc có đơn tố cáo?
Vụ nữ trưởng phòng mạo danh tại Tỉnh ủy Đắk Lắk: Quy trình lỏng lẻo? ảnh 1

Ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk thông tin cho báo chí vụ bà Thảo mạo danh.

Ngày 22/8/2019 báo Tiền Phong nhận được đơn nặc danh tố cáo bà Trần Thị Ngọc Thảo đã lấy họ tên, bằng cấp của chị ruột là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa để tiến thân. Bà Thảo sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk.
Trao đổi về vấn đề trên với một lãnh đạo ở Tỉnh ủy khi đó, ông này cho PV Tiền Phong biết, dù đơn nặc danh nhưng nội dung rõ ràng nên Tỉnh ủy lập đoàn xác minh. “Đây là vấn đề nghiêm trọng, Tỉnh ủy đang xác minh, khi có kết luận chúng tôi sẽ cung cấp ngay”, ông này nhấn mạnh.
Quá trình xác minh cho thấy, sau thời gian nghỉ học sớm làm thợ cắt tóc gội đầu, bà Thảo đã theo chồng từ Lâm Đồng sang Đắk Lắk.
Từ năm 1999 bà Thảo đã mạo danh Ái Sa, dùng bằng cấp của chị gái để nộp kèm hồ sơ xin việc tại Xí nghiệp chế biến cà phê của Công ty xuất nhập khẩu 2/9.
Trong lý lịch xin việc bà Thảo khai gia đình chỉ có 4 người con, không có người nào mang tên Trần Thị Ngọc Thảo.
Vụ nữ trưởng phòng mạo danh tại Tỉnh ủy Đắk Lắk: Quy trình lỏng lẻo? ảnh 2 Bà Thảo đã công tác 4 năm tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk trước khi được điều sang Văn phòng Tỉnh ủy

Sau đó, bà Thảo làm kế toán cho một khách sạn tư nhân ở TP. Buôn Ma Thuột rồi ký hợp đồng làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, bà Thảo học Đại học từ xa để lấy bằng Đại học Kế toán. Từ tháng 10/2009, bà Thảo được điều về làm Kế toán trưởng tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Trong bản lý lịch Đảng viên lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, bà Thảo khai gia đình có 11 người con, không có tên Trần Thị Ngọc Thảo. Năm 2015, bà Ái Sa (tên bà Thảo dùng để làm việc tại Tỉnh uỷ) được bổ nhiệm làm Phó phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy. Năm 2016 bà Ái Sa tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng phòng.

Người ký quyết định bổ nhiệm bà Ái Sa làm Trưởng phòng là ông Bạch Văn Mạnh- lúc đó là Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Ông Mạnh vừa nhận quyết định sang làm Giám đốc Sở Nội vụ từ ngày 1/10/2019.

Vụ nữ trưởng phòng mạo danh tại Tỉnh ủy Đắk Lắk: Quy trình lỏng lẻo? ảnh 3 Ảnh bà Thảo đăng trên Fb cá nhân, trước khi lộ chuyện mạo danh

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bạch Văn Mạnh cho biết thời điểm đó, ông vừa từ Bí thư huyện ủy huyện Krông Bông về làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Trước đó nữa ông Mạnh công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Bà Sa được kết nạp Đảng và đã là Phó phòng Quản trị từ trước đó. Tại thời điểm bổ nhiệm, phòng có 2 phó, bà Thảo được tập thể bỏ phiếu tín nhiệm cao hơn, nên việc đề bạt hoàn toàn đúng nguyên tắc.

Ai đề bạt bà Thảo về Tỉnh ủy, và quá trình xác minh lý lịch, nhân thân để kết nạp bà Thảo vào Đảng như thế nào, ông Mạnh không biết.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Triệu Thị Ngoan, một nữ cán bộ Tỉnh ủy mới nghỉ hưu cho biết: Khi kết nạp bà Sa (tên bà Thảo dùng để làm việc tại Tỉnh uỷ) vào Đảng, Tỉnh ủy không cử cán bộ trực tiếp sang Lâm Đồng xác minh nhân thân lý lịch, mà gửi hồ sơ qua đường bưu điện đề nghị các cơ quan và cấp ủy của tổ chức Đảng bên Lâm Đồng xem xét, xác nhận.

“Sắp tới Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ tiếp tục rà soát, xem những cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, kết nạp bà Thảo vào Đảng một cách quá lỏng lẻo như thế, để xử lý nghiêm minh theo đúng các quy định của Đảng, và pháp luật Nhà nước”, một cán bộ lãnh đạo thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.