Vụ PMU 18 làm "nóng" nghị trường

Vụ PMU 18 làm "nóng" nghị trường
TP - “Tôi dám nói rằng có hàng trăm tổng giám đốc các DNNN cũng là Bùi Tiến Dũng vì cả nước nếu giám sát kỹ sẽ có hàng trăm dự án thất thoát 10-30%”- ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), “mở hàng” phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 17/5.
Vụ PMU 18 làm "nóng" nghị trường ảnh 1
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Trọng Ngoạn phát biểu ý kiến. Ảnh : TTXVN

“Mổ xẻ” các vấn đề liên quan từ vụ án PMU 18 đã được hàng chục đại biểu Quốc hội thẳng thắn đặt ra và có thể coi là tâm điểm của ngày thảo luận về nhiệm vụ KT- XH của Quốc hội, ngày 17/5.

Phó Chủ tịch QH  Trương Quang Được đã đánh giá những ý kiến phát biểu nói chung rất tốt. Ông Được  cũng đề nghị  các Bộ trưởng và các đồng chí Thường trực Chính phủ lưu ý trong các phát biểu của ĐBQH có những câu hỏi rất đáng suy nghĩ, rất đáng trả lời, cần có chuẩn bị  giải trình từ phía Chính phủ...

Ai phải chịu trách nhiệm?

“Tôi dám nói rằng có hàng trăm tổng giám đốc các DNNN cũng là Bùi Tiến Dũng vì cả nước nếu giám sát kỹ sẽ có hàng trăm dự án thất thoát 10-30%, có dự án thất thoát đến 50%, đó là chưa kể lãng phí. Mới thanh tra ở 17 dự án đã thấy thất thoát 870 tỷ đồng...

Đây là loại  tham nhũng trực tiếp lấy đi nguồn vốn phát triển, níu giữ sự tụt hậu của đất nước nên cần phải được xử lý thích đáng”- ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), người “mở hàng” phiên thảo luận, đã nói như vậy.

Phát biểu của ông lập tức gây được sự chú ý của nghị trường khi ông điểm vụ án PMU 18 và Bùi Tiến Dũng. Theo ông Ngoạn, Quốc hội  cũng phải báo cáo trước dân về trách nhiệm, biện pháp xử lý  những tổ chức, cá nhân quản lý vốn đầu tư phát triển.

“Chứ như Bộ trưởng KH&ĐT báo cáo hôm qua thì một loạt công trình giao thông ai phải chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm đến đâu thì không rõ. Phải siết chặt trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, không thể kéo dài mãi nhiều tổ chức, nhiều người cùng làm một việc, cùng quyết định rồi không ai chịu trách nhiệm”-Ông Ngoạn đề xuất.

Vụ PMU 18 làm "nóng" nghị trường ảnh 2
Ông Nguyễn Minh Thuyết

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) trong phát biểu của mình bức xúc hơn khi ông cho rằng, những vụ tham nhũng động trời từ năm 2002 đến nay, không chỉ làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, mà còn đưa hàng loạt cán bộ trong đó có 8 thứ trưởng và nhiều cán bộ có thâm niên vào tù, vài bộ trưởng mất chức, gây tai tiếng và làm “rung động” đến 5, 6 cơ quan cấp Bộ.

Đó là chưa kể hàng loạt các vụ việc lớn xảy ra ở các TCty như là Dầu khí, Thủy sản, Bưu chính-Viễn thông, Hàng không v.v... và một số địa phương.

“Từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến bây giờ, đây là lần đầu tiên có một khóa Quốc hội lắm cán bộ cấp cao hư hỏng đến thế. Cử tri cả nước xót xa, phẫn nộ, ĐBQH tiếp xúc với bà con cũng thấy rát mặt.

Qua vụ PMU18 ai cũng thấy xảy ra tham nhũng là do quản lý quá lỏng lẻo, đến mức BQL Dự án này tự tung, tự tác hàng chục năm, mua tới 150 xe ôtô đắt tiền, cho mượn lung tung mà không một Bộ nào biết, Bộ nọ đẩy trách nhiệm cho Bộ kia.

Tham nhũng ở đây đi liền với lãng phí và quan liêu, thế mà Báo cáo của Chính phủ chỉ vỏn vẹn 10 chữ nói đến 3 cái nạn nội xâm này...

Chúng ta đang đối xử với quốc nạn này như đối xử với một thứ mụn ghẻ ngoài da. Nhưng thực tình nó đã trở thành một ung thư trong gan ruột, có muốn ngại đụng dao, kéo vào cũng không được nữa” - ông Thuyết phân tích.

Vì thế, ông đề nghị: “Để xảy ra tình trạng như trên trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng và Chính phủ cần kiểm điểm nghiêm túc trước Quốc hội và có lời xin lỗi toàn thể quốc dân. Xin lỗi không phải là xấu, xin lỗi là để hạ quyết tâm từ nay sẽ chống tham nhũng quyết liệt thật sự”.

Thành tích là của tập thể, nhưng tội thì phải của cá nhân

Vụ PMU 18 làm "nóng" nghị trường ảnh 3
Ông Lê Văn Cuông

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, qua vụ tiêu cực động trời ở PMU18 chúng ta mới giật mình về cung cách quản lý vốn ODA còn nhiều lỏng lẻo, bất hợp lý, dẫn đến tình trạng thất thoát lớn. Nguyên nhân là do cơ chế quản lý thiếu minh bạch.

Trách nhiệm thì không chỉ thuộc về Bộ GTVT mà còn có trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, của Thường trực Chính phủ, của các cơ quan có liên quan của Quốc hội và của cả Quốc hội.

Ông Cuông đề nghị: “Chính phủ cần có báo cáo giải trình đầy đủ, cụ thể trước Quốc hội về tình hình hiệu quả sử dụng và khả năng trả nợ nguồn vốn vay của nước ngoài nói chung và vốn ODA nói riêng.

Đồng thời cần phải công khai minh bạch nguồn vốn này như đã công khai ngân sách quốc gia. Bởi vì một khi không có sự công khai minh bạch thì mọi cái có thể sẽ diễn ra ngầm.

Nguy hại của hoạt động ngầm có thể ảnh hưởng dây chuyền đến nền kinh tế, và nguy hại hơn là các hoạt động ngầm có thể làm mục ruỗng không ít những người trong bộ máy Nhà nước”.

Về cơ chế quản lý và sử dụng vốn ODA, ĐB Tào Hữu Phùng (Hà Tây) chỉ rõ, Nhà nước đã có quy định giao cho 6 cơ quan gồm: Bộ KH&ĐT; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.

Vì vậy ông Phùng không tán thành với ý kiến của Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng những sai phạm xảy ra về quản lý sử dụng vốn ODA vừa qua do trách nhiệm của tập thể Chính phủ.

Theo ông Phùng, đây là trách nhiệm cụ thể của các thành viên Chính phủ đã nêu trên được phân công trách nhiệm quản lý nguồn vốn này!

“Đã đến lúc Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét và xử lý nghiêm minh, quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý những sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn ODA để tình trạng tham nhũng thất thoát, lãng phí ảnh hưởng đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ vốn ODA” -Ông Phùng nhấn mạnh.

Ông Phùng kiến nghị: Cần đưa nguồn vốn ODA  vào cân đối NSNN, hàng năm trình Quốc hội xem xét quyết định cùng với dự toán NSNN hàng năm. Quy trình quản lý, áp dụng và quyết toán vốn ODA thực hiện đúng quy định của Luật NSNN.

Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi khung pháp lý về quản lý và sử dụng vốn ODA cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng...

Cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành luật về quản lý vốn ODA và thay thế cho các nghị định và văn bản còn phân tán trước đây. Phải ban hành các chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư.

Về quy định đầu tư sai gây lãng phí, thất thoát phải xử lý hành chính, trách nhiệm hình sự hoặc cách chức, miễn nhiệm.

ĐB Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) đề xuất: “Nhiều dự án như Dự án đánh bắt xa bờ, Dự án mía đường, Dự án cà phê, quản lý sử dụng vốn ODA v.v... sau khi chúng ta nêu ra Quốc hội rồi chúng ta bỏ đó không xử lý ai cả, cho nên cuối cùng Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao nhưng thực ra không phải tối cao.

Bởi vì sau khi báo nêu ra một số vấn đề thấy rằng làm cho nhân dân rất lo lắng nhưng chúng ta không xử lý được vấn đề gì”. Cho nên, phải có giải pháp để giải quyết tận gốc các vấn đề chúng ta đã thấy bức xúc và nêu ra trong Quốc hội kỳ này.

Chỉ có như vậy thì tình hình kinh tế của đất nước cũng như tình hình chính trị, tình hình văn hóa của đất nước mới phát triển theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng X.

Theo ông Đức phải sớm có quy định rõ lộ trình tách hẳn quản lý Nhà nước với kinh doanh bao giờ thì làm xong? Từng ngành một thì bao giờ Bộ A, Bộ B phải có thời gian, có lộ trình cụ thể.

Còn nói như Chính phủ hiện nay thì  hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng X vẫn như thế này và không thể tách ra được. Ông Đức đề nghị: Phải xác định rõ trách nhiệm của tập thể và quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu.

Ông Đức so sánh khá thú vị rằng, văn hóa từ chức ở một số các nước rất cao, Thủ tướng chỉ cần đi đánh golf khi đất nước có vấn đề lập tức phải xin từ chức. Nhưng ở ta, nhiều bộ, ngành tội tày đình nhưng lãnh đạo Bộ vẫn ung dung ngồi đó để điều hành và hưởng lộc, đây là vấn đề mà nhân dân rất có ý kiến.

“Chúng ta cần phải xác định thế nào để thành tích phải của tập thể mà tội là của cá nhân chứ đừng là thành tích của cá nhân còn tội thì của tập thể. Nếu không thì tình hình kinh tế đất nước chúng ta tiếp tục trì trệ”- Ông Đức bức xúc.

Rất nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm đã được các đại biểu Quốc hội nêu lên trong phiên thảo luận hôm qua (17/5). Tiền phong lược ghi một số ý kiến đó.

Làm Bộ trưởng chỉ bức xúc thôi thì chưa đủ

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh một số công trình đưa vào sử dụng hiện nay chưa quyết toán được nhưng lý do vì sao chưa quyết toán được cũng không nói rõ. Tồn tại này Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã nêu với thái độ rất bức xúc.

Nhưng tôi nghĩ làm Bộ trưởng chỉ có bức xúc thôi, hoặc khi xảy ra sự việc lớn đi xin lỗi dân một câu thì không đủ, không thể hiện hết trách nhiệm của mình trong việc quản lý Nhà nước. Cần có thái độ rõ ràng hơn, có trách nhiệm hơn trong việc quản lý ngành, quản lý kinh tế khi được Đảng và Nhà nước giao phó cho mình.

(Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quảng Ngãi)

Giá tăng - ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân

Từ năm 2000 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 33%. Tôi được biết Tổng Cty Điện lực Việt Nam đã có kế hoạch tăng giá điện thêm 8% trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong các năm sau.

Việc tăng giá xăng dầu thêm 1.500 đồng/lít vừa qua cùng với sự biến động của giá cả thị trường trên thế giới và một số điều chỉnh trong chính sách giá của nước ta, trong đó có điều chỉnh lương thì trong thời gian tới sẽ khó khăn kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Như Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đã khẳng định trên báo Tiền phong ngày 8/5/2006 vừa qua thì mọi sự tăng giá vào thời điểm này, trong đó có tăng giá điện đều gây nên sức ép đối với việc kiềm chế lạm phát.

Điều này tác động mạnh đến sản xuất, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân trong tất cả các khu vực.

(Bà Phạm Thị Minh Hà, đại biểu Nam Định)

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.