PGS.TS  Nguyễn Đình Cử  (Viện  trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội):

Vụ PMU 18: Lỗi do cơ chế xin cho và cán bộ yếu

Vụ PMU 18: Lỗi do cơ chế xin cho và cán bộ yếu
TP - Là những người trực tiếp điều tra xã hội học về tham nhũng ở 7 tỉnh và 3 bộ, chúng tôi không ngạc nhiên trước diễn biến của chuyên án PMU 18, điều không ngờ là người ta đã ném quá nhiều tiền vào cá cược và bao gái...

Số liệu từ cuộc điều tra của chúng tôi đã cho thấy thực trạng và nguyên nhân tham nhũng ở cơ quan quản lý/các đơn vị trong ngành giao thông có nhiều khác biệt so với 7 tỉnh và 2 bộ  còn lại.

Đó chính là những con số biết nói, xin được đơn cử như sau:

- Thứ nhất là cơ chế xin-cho. Trong số 10 tỉnh/bộ được khảo sát, cơ chế xin-cho được xem như nguyên nhân tham nhũng ở Bộ GTVT đạt tỷ lệ vào loại cao nhất với 85,3% số người được hỏi đồng ý, trong khi đó tỷ lệ bình quân chỉ có 72%.

- Thứ hai là công tác cán bộ yếu. Theo đánh giá của một bộ phận khá lớn cán bộ và nhân dân, những người yếu về chuyên môn, kém về tư cách, phẩm chất đạo đức mà vẫn được tuyển dụng thì chắc chắn là sẽ gây hại nhiều hơn là làm lợi cho tập thể, cho đất nước.

Công tác tuyển dụng, bố trí sắp xếp cán bộ không minh bạch, không dựa vào chính năng lực của cán bộ, mà lại được thực hiện theo kiểu chạy chọt, sự nâng đỡ của người có thế lực, dựa vào mối quan hệ thân quen… thì chẳng những sẽ làm hại chính đơn vị đó, mà nguy hiểm hơn, nó còn gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ, gây bức xúc trong dư luận.

Theo số liệu điều tra, ở Bộ GTVT có tới 49,47%  cán bộ doanh nghiệp được hỏi hoàn toàn đồng ý rằng công tác cán bộ yếu là một trong những nguyên nhân của tham nhũng, tỷ lệ chung chỉ có 42%. Một nguyên nhân khác, “đạo đức cán bộ kém” cũng được 70% cán bộ hoàn toàn đồng ý, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung là 59%.

- Thứ ba là chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ. ở Bộ GTVT, 56% người được hỏi cho rằng chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ. Đây là tỷ lệ cao nhất trong 7 tỉnh và 3 bộ được điều tra, tỷ lệ trung bình về vấn đề này ở cả 10 đơn vị chỉ có 40%.

Do chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ, chưa làm tốt các quy định để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát” nên việc phát hiện, tố cáo tham nhũng cũng lại trở thành một bài toán cực khó. Tham nhũng ít bị phát hiện, nên không thể xử lý và kết quả là nó vẫn tồn tại.

Do đó, có tới 39% người được hỏi cho rằng ở Bộ GTVT “có quá ít các vụ tham nhũng bị phát hiện”, tỷ lệ trung bình cả 10 đơn vị điều tra trong trường hợp này là 31%.

- Thứ tư là cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức và người có chức, có quyền chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, ít khả thi. Tham nhũng do nguyên nhân thiếu kiểm tra, giám sát ở Bộ GTVT có tỷ lệ người được hỏi đồng ý rất cao (64,58%), trong khi trung bình 10 đơn vị điều tra là 51%. 

Cơ quan quản lý/ các đơn vị trong ngành giao thông là 1 trong 10 cơ quan bị “bầu chọn” là tham nhũng phổ biến nhất, trong cuộc điều tra dư luận xã hội về tình trạng tham nhũng, và phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam do Ban Nội chính TW Đảng chủ trì và thực hiện. Những bê bối ở Bộ GTVT trong thời gian gần đây, một lần nữa chứng minh rằng “tai mắt của nhân dân” là hoàn toàn chính xác. 

Võ Văn Thành (ghi)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.