Vụ PMU 18: phản ánh khuyết tật của hệ thống

Vụ PMU 18: phản ánh khuyết tật của hệ thống
Vụ PMU18 xảy ra không chỉ là một trường hợp sai phạm cá biệt của con người mà là một hiện tượng phản ánh những khuyết tật của hệ thống.

Câu hỏi đề ra là Đại hội X có đề cập gì đến những bài học cần phải rút ra từ vụ PMU18 không? Nếu có đề cập thì ở mức độ nào và đến đâu? Nếu không đề cập thì hệ quả sẽ thế nào?

Vấn đề chủ yếu là tìm ra khuyết tật ở hệ thống để sửa chứ không chỉ trừng phạt cá nhân. Vì nếu chỉ trừng phạt cá nhân mà không tìm ra và sửa các khuyết tật của hệ thống thì trị một Bùi Tiến Dũng này, cũng trong môi trường ấy, hệ thống ấy tất yếu sẽ xuất hiện các “Bùi Tiến Dũng” khác, có thể còn nguy hiểm hơn.

Không nghi ngờ gì nữa, vụ PMU18 đang đặt ra nhiều câu hỏi rất nghiêm túc về hệ thống chính trị và phương thức vận hành của hệ thống đó.

Tại sao những sai phạm nghiêm trọng như vậy có thể diễn ra ở mức độ, phạm vi và khoảng thời gian lâu như vậy, bất chấp bao lần kiểm tra, giám sát của thanh tra Bộ Giao thông - vận tải, Thanh tra tài chính, Thanh tra Chính phủ, kiểm toán, quyết toán hằng năm, quyết toán công trình, quyết toán dự án.

Hiệu lực của các công cụ sắc bén này đến đâu và tại sao lại để cả một con voi chui qua lỗ kim được nhiều lần đến như vậy? Có cách gì phát hiện sớm hơn và ngăn chặn được qui mô của sai phạm hay không?

Bây giờ mới phát hiện là đã có bao nhiêu đơn thư tố cáo về ông Đào Đình Bình, ông Nguyễn Việt Tiến, ông Bùi Tiến Dũng được gửi đến các cơ quan Đảng và Chính phủ, có dấu biên nhận, có thư trả lời hứa sẽ xem xét từ những năm 2002 nhưng các ông đó vẫn được đề bạt, vẫn được dự kiến vào những vị trí còn cao hơn nữa, và đã lọt qua tất cả các khâu thẩm định về lý thuyết rất chặt chẽ của tất cả các cơ quan từ bên Đảng đến bên Chính phủ. Tại sao những tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất cán bộ đã không hề có hiệu lực, phản ánh của cán bộ không được xem xét?

Đó có phải là biểu hiện của chạy chức không? Đã có dư luận số tiền chạy chức lên tới cả triệu USD. Những ai đã gửi gắm con cái vào PMU18, đã biết con cái kiếm được bao nhiêu tiền, đã ủng hộ, bao che Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng? Họ có được qui trách nhiệm hay không?

Tại sao Bùi Tiến Dũng xuất thân từ một gia đình có nền nếp như vậy, đã từng chịu khó, lam lũ lao động tần tảo, chắt bóp từng đồng để kiếm sống lại có thể biến chất, tha hóa nhanh và sâu sắc đến mức như báo chí phanh phui ra, bất chấp giáo dục chính trị, đào tạo qua các trường Đảng, học viện các cấp, các khóa đào tạo dài, ngắn, các kỳ kiểm điểm phê bình, tự phê bình hằng năm để đến trước ngày bị bắt và khởi tố “ vẫn là đảng viên tốt trong một đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, vừa là tổng giám đốc, vừa là bí thư đảng ủy của PMU18 vừa là thường vụ đảng bộ Bộ Giao thông vận tải.

Môi trường chính trị, văn hóa, đạo đức nào đã dẫn đến sự thay đổi ghê sợ này, biến một người tốt thành một kẻ phạm pháp có bài bản đến như vậy? Chính quyền của dân, do dân, vì dân ở PMU18 đã hoạt động thế nào và đã được trao vào tay ai vậy?

Tại sao các phần tử xã hội đen câu kết được với người có quyền sinh, quyền sát ở PMU18 để khủng bố dã man người nào dám có ý kiến khác, thậm chí khi Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến bị bắt còn đe dọa phóng viên ngay trước cửa cơ quan điều tra C14? Cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu vậy?

Và những ai đã tham gia chạy án cho Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến, cơ chế nào để chạy án, chạy với ai, đến đâu? Thủ trưởng cơ quan điều tra đã thổ lộ là “chịu rất nhiều sức ép”, “bị điều khiển từ xa từ rất nhiều phía” thì nhà nước pháp quyền có hiệu lực thế nào, pháp luật, công lý được thực thi ra sao?

Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc đều có quyền và trách nhiệm giám sát, trong vụ việc này tác động thế nào? Từ lâu đã có ý kiến của nhiều đồng chí, trong đó có cả đồng chí có trách nhiệm trong Bộ Chính trị thừa nhận có biết hiện tượng “chạy chức”, “chạy tội”, “chạy án”, “chạy khen thưởng”... nhưng chưa hề xác định được cơ chế chạy, phương pháp, thủ đoạn chạy ở cửa nào... và muốn ngăn chặn việc “mua chức”, “chạy tội” này thì phải làm gì.

Rõ ràng rằng chỉ trị người chạy mà không chặn được cơ chế, không qui được trách nhiệm cho người có quyền, có chức, chấp nhận, dung túng và trực tiếp hay gián tiếp tham gia việc “chạy” này thì không thể nào sửa được căn bệnh.

Tất cả những câu hỏi này cần được Đại hội X thảo luận, phân tích, làm rõ bản chất của các lỗ hổng, khuyết tật đó và có phương hướng giải quyết rốt ráo, mặc dù các câu hỏi đó chưa để lại dấu ấn trong các văn kiện.

Liều thuốc thử phản ứng và hiệu lực của chế độ

Có bao nhiêu vụ PMU18 khác chưa bị lộ trong số hàng nghìn PMU và hàng vạn công trình đầu tư sử dụng vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước ở các ngành, các cấp, mua sắm, sử dụng công quĩ nhà nước?

Theo các điều tra và đánh giá của các cơ quan có trách nhiệm ở nước ta tỉ lệ tảng băng bị phát hiện chắc chắn không thể quá 5%, vậy thì hình thù của hơn 95% tảng băng chìm ở các ngành, các cấp là thế nào, nó di căn đến đâu và tác hại đến nền kinh tế, đến hệ thống thế nào?

Vụ PMU18 trở nên một trường hợp điển hình, một liều thuốc thử phản ứng và hiệu lực của chế độ chúng ta.

Rõ ràng vụ PMU18 đã đưa ra ánh sáng những lỗ hổng trong hệ thống chính trị của chúng ta, từ khâu thiết kế và trong khâu vận hành.

Việc điều tra, truy cứu, minh định càng sâu sắc (không dám nghĩ rằng làm rõ được đến tận cùng) các sai phạm, cơ chế phạm tội, vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng trong vụ PMU18 là hết sức cần thiết và có lợi cho việc hoàn thiện hệ thống.

Quan hệ giữa quyền lực và giám sát quyền lực trong Đảng và Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thế nào trước những lỗ hổng nghiêm trọng đã được phát hiện, các quyền dân chủ của người dân được hiến pháp long trọng xác định được thực thi và bảo vệ thế nào trong thực tế trước những biểu hiện vi phạm, tham nhũng, lạm dụng chức quyền.

Quyền được thông tin, trách nhiệm công khai, minh bạch phải được sửa đổi, bổ sung thế nào để tránh “khép kín”. Trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể đến đâu? Những qui định nào là lỗi thời, những hoạt động nào là hình thức và có cách gì để sửa đổi, bổ sung?

Dưới ánh sáng của các diễn biến mới, các vấn đề dân chủ trong Đảng, quyền hạn và trách nhiệm giám sát của Ủy ban Kiểm tra phải được nâng cao thích đáng, phương thức lãnh đạo của Đảng, quan hệ giữa Đảng và Nhà nước phải được xem xét và đặt ra tại Đại hội X.

Mong rằng trong cuộc thảo luận về tất cả các văn kiện, đánh giá, sửa đổi điều lệ Đảng, quyết định nhân sự... các đại biểu Đại hội X không quên các câu hỏi có tính nguyên tắc và hệ thống mà vụ PMU18 đã bộc lộ ra trước toàn dân và cả thế giới.

Nếu làm được như vậy thì vụ PMU18 sẽ có thể là một cơ hội để đẩy tới cải cách, để thanh lọc những bọn sâu mọt trong bộ máy, lấy lại niềm tin của dân và khôi phục tín nhiệm ở bạn bè quốc tế.

Nếu không được đề cập đến và chỉ ra phương hướng giải quyết thích đáng, vụ PMU18 không chỉ là nỗi đau, vết nhơ mà còn bộc lộ khả năng rất hạn chế phát hiện và xử lý được khuyết tật của hệ thống và hệ quả là không thể lường trước được.

Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG