Vụ sập dầm cầu Chợ Đệm: Do công nhân mất bình tĩnh

Vụ sập dầm cầu Chợ Đệm: Do công nhân mất bình tĩnh
TP - Chiều 17/3, người phát ngôn Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết nguyên nhân của tai nạn sập dầm cầu Chợ Đệm vừa qua là do công nhân mất bình tĩnh dẫn tới sơ suất trong điều chỉnh nâng hạ dầm.

Đây là kết quả kiểm tra của đoàn công tác chỉ đạo khắc phục tai nạn lao động tại cầu Chợ Đệm. Như vậy, kết luận nguyên nhân ban đầu của đoàn công tác lần này không khác mấy so với lần công bố ngày 10/3 của Bộ GTVT.

Kiểm tra lần này cho biết các thông số cụ thể hơn. Vào khoảng 14 giờ 15 phút (ngày 10/3), hai công nhân phụ trách tại vị trí trụ P8, P9 thực hiện nâng hạ lần thứ nhất (sau đó thay gối tạm tà vẹt gỗ bằng gối cao su). Lúc đó, dầm số chín được đặt an toàn vào gối cầu cao su. Tiếp đến, ông Trần Văn Thảnh yêu cầu ông Trần Đình Trung nâng đầu dầm trên trụ P8 để điều chỉnh vị trí đầu dầm và gối tại trụ P8.

Trong quá trình nâng hạ dầm số 9 xuống gối cao su, dầm gánh bị dịch chuyển, điểm tì giữa dầm gánh và dầm số 9 bị lệch ra ngoài trục dọc dầm bê tông cốt thép dự ứng lực (BTCTDƯL) 42m. Ông Thảnh và ông Trung đều đứng trên đỉnh trụ nên không quan sát được hiện tượng này (chiều cao dầm số 9 là 1m90); đồng thời cũng sơ suất không kiểm tra lại vị trí của dầm gánh, cho nâng một đầu dầm trên trụ P8 (trong khi đầu dầm phía trên trụ P9 vẫn kê trên gối cao su).

Đầu dầm gánh bị lệch ra khỏi trục dọc dầm BTCTDƯL 42m nên, khi nâng, tạo ra mô men theo phương ngang dầm gây lắc và rung mạnh theo trục ngang. Khi thấy dầm bị lắc,  do mất bình tĩnh, ông Trung cho hạ dầm đột ngột xuống gối tạo thêm lực quán tính làm mất ổn định ngang (của phiến dầm). Phiến dầm bị đổ ngang và gẫy kéo theo sự sập đổ của toàn bộ hệ thống nâng hạ dầm.

Kết quả kiểm tra cho thấy hai phiến dầm số 9 và số 10 có chất lượng đạt yêu cầu.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.