Vụ sữa nhiễm melamine : Nông dân 'lãnh đủ'

Vụ sữa nhiễm melamine : Nông dân 'lãnh đủ'
TP- Khi người tiêu dùng quay lưng với sữa thì chính những người nông dân VN chăn nuôi bò sữa lại trở thành những nạn nhân đầu tiên của cơn "ác mộng" melamine. DN từ chối thu mua sữa tươi, khiến họ chỉ còn nước đổ cho lợn ăn hoặc đem tưới cây...

>> Trung Quốc trợ cấp cho nông dân nuôi bò sữa

Khắp nơi bế tắc đầu ra

Tiền phong số 278 phản ánh tình trạng dư thừa sữa nguyên liệu ở Phù Đổng (Hà Nội) đang rất nguy cấp. Ngày 4/10, ông Vũ Văn Thực, người thu mua sữa tại Phù Đổng lại cho biết, 4 tấn sữa tươi mà ông thu mua của bà con đã om trong kho 3 ngày.

Nếu vào ngày thứ 2 (6/10), các nhà máy chế biến sữa Hanoimilk, Vinamilk vẫn từ chối nhập thì cả 4 tấn sữa trên sẽ phải đổ ra sông Đuống.

Ông Thực cho biết, sau sự cố melamine, ông đã gửi văn bản tới phía Vinamilk thu mua giúp sữa cho bà con. Song, ông Thực tiếp tục nhận được lời từ chối khéo léo.

Ngày Chủ nhật (5/10), các doanh nghiệp chế biến sữa đều nghỉ làm việc, lượng sữa mà ông Thực cũng như một số người thu gom ở Phù Đổng  đã mua vẫn om trong thùng, dù họ đã cầu cạnh nhiều nơi để bán.

Ông Hoàng Trọng Thuyên, Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi bò sữa Phù Đổng cũng cho biết, ông vẫn đang ra sức liên hệ với đại diện các doanh nghiệp chế biến sữa để họ cứu giúp nông dân. Ông Thuyên nói: “Thứ hai này, chúng tôi phải tìm gặp bằng được đại diện doanh nghiệp. Dù có phải van xin họ, chúng tôi cũng phải làm, cốt sao sữa của bà con nông dân mà chúng tôi thu mua không phải đổ đi...”.

Cũng theo ông Thuyên, một số trạm thu mua sữa quy mô nhỏ ngoài xã Phù Đổng dù chỉ mua được một phần sữa nông dân mang đến, nhưng họ chỉ mua với giá rẻ bằng 1/3 giá nhà máy sữa đang thu mua. Bên cạnh đó, nông dân còn phải cam kết: Nếu qua đợt khó khăn thị trường này, nông dân lại bán sữa cho doanh nghiệp thì họ sẽ không được trả tiền bán sữa hiện tại.

Những nông dân mà chúng tôi gặp trực tiếp tại Phù Đổng hôm 3/10 than rằng: Sự nghiệp nuôi bò sữa thành công hay thất bại, bao giờ họ cũng là người thiệt thòi trước tiên.

Ông Trần Đăng Tuấn-Tổng GĐ Cty sữa Hà Nội (Hanoimilk) cho biết, mỗi ngày Hanoimilk thu mua lượng sữa tươi của nông dân trị giá 300 triệu đồng. 8 tháng đầu năm 2009, Hanoimilk đã mua 5,28 triệu lít sữa tươi.

Từ khi gặp sự cố nhập sữa từ Trung Quốc làm thương mại có nhiễm melamine, Hanoimilk chỉ mua lượng sữa tươi bằng 50% mức bình thường. Ngay mức hạn chế này, Hanoimilk cũng chưa biết sẽ duy trì được bao lâu.

Việc ngừng mua sữa cũng khiến mỗi ngày nông dân nuôi bò ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội (Ba Vì, Phù Đổng), Quảng Ninh, Hưng Yên...chịu thiệt 150 triệu đồng. Ông Tăng Xuân Lưu, chủ trang trại bò ở Ba Vì chuyên cung cấp sữa cho Hanoimilk ước tính, nếu tình trạng này kéo dài 20 ngày thì nhiều bò sữa ở các vùng Ba Vì, Phù Đổng, Tuyên Quang, Hưng Yên trở thành bò thịt. Và nếu kéo dài 3 tháng thì số lượng bò sữa ở các vùng trên sẽ giảm chỉ còn một nửa.

Theo ông Lưu, 700 hộ dân nuôi bò ở các xã Yên Bài, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Phú Đông, Tiên Phong... của huyện Ba Vì đang cho bò ăn cầm chừng để “cai” sữa cho bò, cấm chúng tiết ra 15-16 tấn sữa/ngày. Cá nhân ông lưu nuôi 20 con bò mỗi ngày cũng chịu bị ứ đọng 2 tạ sữa, lợn uống không xuể.

Gần như chưa bao giờ người nuôi bò sữa ở Ba Vì lại cùng cực như bây giờ. Các đơn vị bán lẻ sữa cũng không mua, Cty sữa quốc tế không mua thêm được lít sữa nào.

Ông Lưu cho biết, một số Cty chế biến sữa còn nợ tiền mua sữa của dân cả 3 tháng rồi mà chưa có tiền trả. Bây giờ, Cty còn bị tác động bởi melamine, thì nguy nông dân ở Ba Vì đã bán chịu sữa vĩnh viễn không được lấy tiền dễ trở thành hiện thực.

Từ Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (Dự án nuôi bò sữa Quảng Ninh) cho biết, Hanoimilk ngừng mua 50% lượng sữa tươi đang tác động xấu đến đời sống hàng nghìn hộ dân nuôi bò tại tỉnh. Những người đang nuôi 4000 bò sữa ở đây đang rất hoang mang, vì không biết sẽ bán sữa cho ai trong thời gian tới.

Ông Trần Nhất Suý ở Tuyên Quang nuôi 120 con bò, bị hạn chết bán ½ lượng sữa vào Hanoimilk so với trước, ông rất bức xúc và lo lắng. Ông đề nghị báo chí khẳng định những người nuôi bò như ông luôn cho bò ăn thức ăn hiệu Guyomarch không kháng sinh, không hoóc - môn. Vậy nên sữa rất an toàn, người tiêu dùng không nên quay lưng lại với sữa nông dân Việt Nam sản xuất. 

Cục Chăn nuôi lúng túng

Trao đổi với PV Tiền phong, PGS. TS Hoàng Kim Giao-Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, ông rất lo lắng khi xảy ra sự cố melamine trong sữa, nhất là khi các dự án bò sữa đã trải qua quá nhiều sóng gió, thiệt hại.

Cục chăn nuôi đã thảo nhiều văn bản gửi các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội đề nghị chia sẻ khó khăn, thu mua sữa cho nông dân nuôi bò; thúc giục các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công bố sữa nào nhiễm và không nhiễm melamine để người tiêu dùng không quay lưng lại với sữa sạch.

Theo ông Giao, “bão melamine” là thách thức với người nuôi bò sữa. Họ cần duy trì đàn bò, vận động các cơ sở cô đặc sữa, làm bánh sữa mua sữa để giảm bớt khó khăn.

Trong khó khăn này cũng có cơ hội, đó là người nuôi bò, doanh nghiệp có thể nhân đây mà mở rộng sản xuất , đưa sữa nguyên liệu trong nước về đúng vị trí của nó, thay vì nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài nhiều rủi ro. Nhất là khi không kiểm soát được chất lượng, thì nhập sữa bột còn có thể gây hại sức khoẻ người tiêu dùng.

Trả lời câu hỏi “Vì sao Cục chưa đề nghị Nhà nước hỗ trợ nông dân thông qua doanh nghiệp thu mua sữa nguyên liệu?”, ông Giao nói: Chúng tôi mới chỉ đề nghị vấn đề này với lãnh đạo các địa phương, nhưng chắc họ còn gặp khó khăn.

Trước thông tin người dân đổ sữa cho lợn, tưới cây, chúng tôi đang nghĩ tới việc sẽ kiến nghị Lãnh đạo Bộ, Chính phủ hai giải pháp cụ thể: Hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua thu mua sữa; Quy định hạn ngạch nhập khẩu sữa bột.

Nghĩa là chỉ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu lượng sữa bột nhất định khi họ đã thu mua một lượng sữa tươi nào đó của nông dân. Như thế, vừa khuyến khích sản xuất trong nước vừa kiểm soát được chất lượng sữa.

Vừa qua, có cả doanh nghiệp chế biến sữa từ sữa bột, song lại công bố nguyên liệu là sữa tươi. Tình trạng công bố thành phần sữa trên bao bì cũng còn thiếu trung thực. Theo ông Giao, qua theo dõi thực tế vẫn thấy có dấu hiệu một số doanh nghiệp không hỗ trợ thu mua sữa của nông dân. Quay lưng lại với khó khăn này là biểu hiện không bình thường.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG