Vụ “Thiếu tá rơi súng”: Chậm xử lý, chứ không “chìm xuồng”!

PV báo Tiền Phong làm việc với vợ chồng bà Nga
PV báo Tiền Phong làm việc với vợ chồng bà Nga
TP - Đã hơn 2 tháng trôi qua, kể từ khi thiếu tá Võ Ngọc Quang rút súng dọa bắn, ngăn cản đoàn công tác liên ngành thực hiện khám xét nhà riêng để xác minh việc tàng trữ lâm sản trái phép, vẫn chưa có hình thức xử lý kỷ luật nào được ban hành đối với các cán bộ liên quan. Thực tế này khiến nhiều độc giả liên tục đặt câu hỏi “phải chăng có sự thỏa hiệp, hay vụ việc đã chìm xuồng?”. 

Sự việc nghiêm trọng

Tuần qua, báo Tiền Phong liên tục nhận được nhiều lá đơn khiếu nại, kêu cứu từ người dân huyện Cư Kuin về việc cán bộ sai phạm mà nhà chức trách không quan tâm, dẫn đến người tố cáo bị “dằn mặt, trả thù”. Bà Nguyễn Thị Nga ở Buôn Phốc, ông Trần Minh Lợi (ở thôn 4 cùng xã Ea Bhok), ông Nguyễn Phi Hùng (ở thôn 1A xã Cư Ewi), là 3 trong số những người từng ký đơn tố cáo các sai phạm của thiếu tá Võ Ngọc Quang - Đội trưởng đội CSĐT Công an huyện Cư Kuin và vài cán bộ khác của huyện. 

Từ đơn thư phản ánh gửi kèm các file ghi âm và video clip quay được, người tố cáo khẳng định đó là bằng chứng về việc thiếu tá Quang có tham gia mua bán, tàng trữ nhiều gỗ quý trái phép. Đoàn cán bộ liên sở (cấp tỉnh) và liên ngành (cấp huyện) đã tổ chức các đợt kiểm tra, khám xét, tạm giữ hơn 11 mét khối gỗ sao quý hiếm. 

Đợt khám xét kết thúc bất thường khi đoàn công tác liên ngành thay vì đột xuất kiểm tra, đã mời thiếu tá Quang đến nơi đoàn đang họp tại UBND huyện Cư Kuin vào sáng 13/11/2014 để thông báo về việc sẽ khám xét nhà riêng của cán bộ này. Bị thiếu tá Quang chĩa súng đòi bắn, và dọa “nếu đoàn đến nhà sẽ đổ 200 lít xăng ra đốt”, đoàn phải... bỏ chạy. 

Sau khi nhiều báo đài đồng loạt phản ánh vụ việc này, ngày 27/11/2014, đại tá Nguyễn Bường, Trưởng Công an huyện Cư Kuin mới ký quyết định tạm đình chỉ công tác thiếu tá Quang thời hạn 20 ngày để điều tra xử lý. Trong thời gian đó, công an huyện lại tổ chức lực lượng vây nhà bà Nguyễn Thị Nga hơn 3 ngày đêm với những lý do không rõ ràng. Công an đã tịch thu 1,2m3 gỗ tạp bà Nga mua trữ từ lâu để sửa lại căn nhà rách nát, lúc vợ chồng bà đi vắng.

Những người tố cáo và một số phóng viên có tin bài đồng thời nêu ý kiến phản đối cách làm việc bất thường này trong cuộc họp giao ban báo chí tại trụ sở UBND tỉnh đã bị những kẻ giấu mặt nhắn tin dọa giết. Đại diện báo Tiền Phong gửi đơn tố giác đề nghị lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk nhanh chóng chỉ đạo điều tra, tìm thủ phạm và xử lý nghiêm khắc những kẻ khủng bố tinh thần, gây rối trật tự xã hội.

Tính chất của chuỗi sự việc đã xảy ra là rất nghiêm trọng. Thế nhưng cách xử lý của các cơ quan chức năng lại chậm trễ, thậm chí có những biểu hiện bất thường, khiến dư luận hoang mang. Nhiều độc giả điện thoại cho các phóng viên và tòa soạn, hỏi: Phải chăng vụ việc đã “chìm xuồng”?

Hơn 1 tháng gửi đơn, công an mới hỏi người tố giác

Đại tá Nguyễn Thế Lực, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk khi được hỏi “vì sao quá trình xử lý chậm trễ đến mức công chúng nghi ngờ”, đã khẳng định: Vụ việc không chìm, chỉ chậm.
Từ ngày 8/12/2014, nhân viên văn phòng Công an tỉnh, Ban Nội chính (Tỉnh ủy), Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Đắk Lắk đã ký nhận đơn tố giác của đại diện báo Tiền Phong gửi đến lãnh đạo 3 cơ quan này. Thế nhưng, đến ngày 12/1/2015, điều tra viên phòng PC45 Công an tỉnh Đắk Lắk mới mời người làm đơn tố giác đến để hỏi về các tin nhắn dọa giết người. Ông này cũng cho biết, phòng PC45 mới nhận được đơn này từ Ban Nội chính chuyển sang (?!).   

Trước đó, công chúng cũng được biết, đại tá Nguyễn Bường thôi giữ chức trưởng công an huyện Cư Kuin để quay về Công an tỉnh Đắk Lắk làm trưởng phòng PA88. Còn những người tố cáo lại liên tục làm đơn khiếu nại gửi đến nhiều nơi, kêu cứu rằng, thiếu tá Quang sau 20 ngày bị tạm đình chỉ công tác trở lại làm việc, lại tiếp tục có biểu hiện trả thù. 

Trong toàn bộ số gỗ mà các cơ quan chức năng đã tạm giữ qua chuỗi sự việc này, thì đến nay, người bị phạt nặng nhất là... bà Nguyễn Thị Nga, với mức phạt 15 triệu đồng về hành vi “Cất giữ 1,243m3 gỗ xẻ nhóm 5 trái pháp luật”, chứ không phải là chủ nhân của hơn 11 m3 gỗ sao quý hiếm mà đoàn công tác liên ngành đã thu giữ được theo nguồn tin tố giác của ông Lợi.

Trong cuộc làm việc ngày 3/12/2014 tại huyện Cư Kuin giữa đại diện báo Tiền Phong với các bên liên quan, chính cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm huyện Cư Kuin đã xác nhận: Khi công an huyện gọi kiểm lâm đến nhà bà Nga để tịch thu gỗ, kiểm lâm đến, thấy gỗ tạp, cũ, số lượng ít, mà vấn đề lại rắc rối, lý do không rõ ràng, nên kiểm lâm đã về mà không ký vào biên bản nào.

Sáng 16/1/2015, bà Nga gửi đơn khiếu nại quyết định xử phạt hành chính trên đến báo Tiền Phong, bất bình hỏi: “Tại sao cán bộ sai phạm như vậy thì cấp ủy, chính quyền, công an, kiểm lâm không quan tâm xử cho nghiêm, mà lại cứ đi trù dập người tố cáo?”.

Ngày 16/1/2015, trao đổi với PV báo Tiền Phong về vấn đề này, đại tá Võ Huy Hòa - Chánh thanh tra Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sự việc phức tạp nên quá trình thanh tra kéo dài, điều tra viên phải sang tận các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai gặp các đối tượng liên quan để làm rõ mọi nội dung tố cáo. Thanh tra sẽ ban hành kết luận vào cuối tháng 1/2015. Căn cứ trên kết luận đó, các tập thể cá nhân sai phạm sẽ được xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG