Vụ xâm hại rừng Sơn Trà: Đình chỉ 5 cán bộ kiểm lâm

Vụ xâm hại rừng Sơn Trà: Đình chỉ 5 cán bộ kiểm lâm
TP - Sáng 1/3, Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo đình chỉ công tác đối với 5 cán bộ kiểm lâm liên quan. Chiều cùng ngày, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm thành phố trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo xử lý vụ việc.

Có mặt ở hiện trường tiểu khu 62 (bán đảo Sơn Trà), chiều 1/3, ông Trần Văn Lương, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, 5 cán bộ bị đình chỉ công tác gồm: Ông Trần Văn Thanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, ông Lê Phước Bảy - Phó Hạt trưởng và 3 cán bộ kiểm lâm thuộc hạt kiểm lâm liên quận này.

Cũng theo ông Lương, lãnh đạo Chi cục đã thành lập đoàn thanh tra gồm 10 người vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc. Sau khi có quyết định đình chỉ các cán bộ sai phạm, Sở bổ nhiệm thêm 4 cán bộ vào vị trí Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Tạm thời mọi công việc tại Hạt Kiểm lâm liên quận sẽ do ông Lê Văn Nhì, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng phụ trách.

Tại hiện trường, mặc dù lực lượng chức năng đã có chỉ đạo, yêu cầu chủ hộ Lê Văn Tâm và người được ủy quyền sử dụng đất Lê Việt Hồng ngưng mọi hoạt động xâm hại, di dời toàn bộ các vật dụng liên quan ra khỏi khu vực rừng Sơn Trà, nhưng đến chiều 1/3, mọi công tác di dời vẫn chưa hoàn thành. Con đường mòn dài hơn 300m đã phát quang được ông Lê Việt Hồng trồng hàng loạt cây sưa và các loại cây ăn quả.

Sau khi ông Phùng Tấn Viết yêu cầu giải trình về số lượng cây trồng trái phép, ông Lê Việt Hồng cho biết, ông đã trồng hơn 7.000 cây sưa, 300 cây mít và các loại ăn quả. Tất cả số cây này do chính gia đình ông tự ý trồng, trong đó cây sưa được gia đình ông trồng từ nửa năm trước, các loài khác trồng vài ba tháng nay.

Có mặt tại vị trí rừng bị xâm hại, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Nhiều năm qua, các hộ dân được giao khoán rừng theo chủ trương và hướng dẫn của Sở, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, chính quyền, được thành phố hỗ trợ chi phí  trồng và chăm sóc. Riêng trong năm 2015, chi phí hỗ trợ đến 300 triệu đồng. Năm 2016 tiếp tục duy trì con số trên, thế nhưng đến thời điểm này, vẫn còn nhiều hộ sử dụng sai mục đích”.

Sau khi nghe báo cáo và khảo sát, ông Phùng Tấn Viết yêu cầu chậm nhất trong ngày 2/3,  các đơn vị chức năng, hộ dân di dời toàn bộ hệ thống ống nước, các vật dụng, lán trại sót lại trong khu vực rừng bị xâm hại. “Quan điểm của thành phố là phải xử lý nghiêm. Những cá nhân, tổ chức nào sai phạm đều bị xử lý” – ông Việt nhấn mạnh. 

“Người chăn Voọc” được Thủ tướng tặng bằng khen

Ông Nguyễn Thanh Tú, người được mệnh danh “ăn cơm nhà vác ống nhòm chăn voọc” vừa được Thủ tướng tặng bằng khen vì: “Đã có thành tích phát hiện và bảo vệ đàn Voọc gáy trắng tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình”.

Theo đó, ngày 1/3 ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Quảng Bình đã tổ chúc trao bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ông Nguyễn Thanh Tú tại trụ sở chi cục kiểm lâm Quảng Bình. Như báo Tiền Phong đã phản ánh, ông Tú là một người lính biên phòng về hưu, ông đã đứng ra bảo vệ, chăm sóc đàn Voọc gáy trắng tránh khỏi sự tuyệt chủng. Ông vận động người săn bắn trộm trở thành người bảo vệ đàn Voọc quý như ông. Từ một vài cá thể, nay đàn vọc đã lên đến hàng trăm và có xu hướng phát triển mạnh sang các vùng lân cận.

Hoàng Dương

MỚI - NÓNG