Vụ xúc xích Viet foods, lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội nói gì?

Hơn 2,2 tấn xúc xích Viet foods bị tạm giữ đã được Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trả lại. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường HN.
Hơn 2,2 tấn xúc xích Viet foods bị tạm giữ đã được Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trả lại. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường HN.
TP - Liên quan đến vụ 2,2 tấn xúc xích Viet foods bị lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội tạm giữ vì có chất Sodium Nitrate 251 nghi gây ung thư, mới đây, Chi cục QLTT đã “âm thầm” trả lại lô hàng này cho doanh nghiệp, tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho biết sự việc sẽ còn kéo dài.

Xúc xích Viet foods an toàn

Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 29/5, tại TPHCM diễn ra họp báo công bố “Sản phẩm Viet foods an toàn với người tiêu dùng” do Cơ sở kinh doanh và chế biến Việt (Viet foods) tổ chức. Đây chính là đơn vị bị Chi cục QLTT Hà Nội bắt giữ 2,2 tấn xúc xích vì có chứa chất Sodium Nitrate 251 nghi gây ung thư ngày 20/4.

Tại cuộc họp này, Viet foods đã công bố Công văn số 3289 của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) sau khi Chi cục QLTT Hà Nội tham vấn ý kiến Cục này về hướng xử lý. Theo nội dung công văn này, ngày 20/5, Cục An toàn thực phẩm đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham gia của đại diện Cục QLTT, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục QLTT Hà Nội, Đội QLTT số 14, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương và Viet foods.

Tiếp đó, ngày 23/5, Cục An toàn thực phẩm tổ chức họp Hội đồng khoa học để xem xét việc sử dụng và hàm lượng Natri Nitrat INS 251 trong sản phẩm xúc xích Viet foods. Căn cứ vào kết quả các cuộc họp nói trên, Cục An toàn thực phẩm cho rằng, Natri Nitrat 251 không phải là chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX) thì Natri Nitrat 251 là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với sản phẩm pho mát ủ chín hoàn toàn (kể cả bề mặt) với hàm lượng 35mg/kg.

Cũng theo công văn của Cục An toàn thực phẩm, một số nước hiện vẫn cho phép sử dụng Natri Nitrat 251 như Singapore 500mg/kg; Malaysia 200mg/kg; Trung Quốc 500mg/kg; Canada 200mg/kg, Mỹ 500mg/kg. Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, nitrat là chất có thể có sẵn trong các loại thực phẩm như rau, củ, quả, cá, trứng, sữa… hoặc có thể được chuyển hóa từ nitrit trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. “Như vậy, với hàm lượng Natri Nitrat 251 phát hiện trong sản phẩm xúc xích Viet foods từ 50- 100mg/kg là an toàn cho người sử dụng”, công văn của Cục An toàn thực phẩm nêu.

Về phương án giải quyết sự việc này, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Chi cục QLTT Hà Nội cần tham vấn chuyên môn Cục An toàn thực phẩm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương để có quyết định xử lý vụ việc kịp thời, tránh gây tổn hại cho doanh nghiệp. Trong cuộc họp báo nói trên, Viet foods cũng công bố quyết định “Trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ tạm giữ theo thủ tục hành chính” của Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội với lý do “doanh nghiệp không có hành vi vi phạm hành chính như nội dung ghi trong biên bản vi phạm hành chính”.

“Câu chuyện còn kéo dài”

Sáng 30/5, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội, nơi trực tiếp thu giữ 2,2 tấn xúc xích Viet foods cho biết, hiện tại toàn bộ tài liệu cũng như thẩm quyền trả lời báo chí đều do lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội quyết định. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh: Khi trao đổi với truyền thông tại hiện trường, tôi đã trả lời dựa theo nguyên tắc khoa học: Chất Sodium nitrate 251 khi ở nhiệt độ cao sẽ bị biến đổi chất và là tác nhân gây ung thư. “Tôi không hề có phát biểu gì liên quan đến việc xúc xích Viet foods gây ung thư”, ông Nghĩa khẳng định.

Tìm đến trụ sở Chi cục QLTT Hà Nội, bộ phận văn thư yêu cầu phóng viên để lại giấy giới thiệu, sẽ đặt lịch làm việc rồi thông báo cho phóng viên “các lãnh đạo bận đi họp”. Tuy nhiên, khi ra về phóng viên Tiền Phong gặp ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục QLTT Hà Nội ngay cửa phòng làm việc. Trao đổi bên lề với phóng viên, ông Lộc cho rằng, rất nhiều phóng viên liên lạc để hỏi, nhưng mọi quyền trả lời hiện nay thuộc về Chi Cục trưởng, ông không có trách nhiệm trả lời. “Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng lại ở đây, câu chuyện vẫn còn kéo dài”, ông Lộc nói. Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội nhiều lần trong chiều 30/5, tuy nhiên, ông Kiên báo bận họp, sẽ trả lời sau.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính nhưng lại gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cụ thể với vụ việc của xúc xích Viet foods, nếu thông tin nêu trên báo chí là đúng, Chi cục QLTT Hà Nội phải đền bù thiệt hại “kép”. Đầu tiên là thiệt hại trực tiếp, tức là thiệt hại sụt giảm trên doanh thu. Doanh nghiệp có thể lấy trung bình doanh thu 3 tháng liền kề trước đó để đối chiếu với doanh thu sụt giảm sau khi bị thu giữ sản phẩm, lấy đó làm căn cứ để bồi thường thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp. Tiếp theo là thiệt hại gián tiếp, trong đó có việc đền bù uy tín, danh dự, thương hiệu, buộc công khai xin lỗi… “Với những diễn biến của vụ việc, Viet foods hoàn toàn có cơ sở khởi kiện với Chi cục QLTT Hà Nội”, luật sư Hồng Hà khẳng định.

MỚI - NÓNG