Vừa làm, vừa chạy chủ trương

Vừa làm, vừa chạy chủ trương
TP - Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới gần 50.000 tỷ đồng nhưng quy trình quản lý như dự án 5.000 tỷ đồng. Đáng nói hơn, làm đường sắt đô thị (metro) ở VN nhưng lại học tập, vận dụng bộ quy chuẩn đường ngầm của… Nga.

> Chậm giao mặt bằng, nguy cơ phạt 2 tỷ đồng
> Metro TPHCM: Chi 8.000 tỉ đồng mua 17 đoàn tàu

Thực hiện theo kiểu lần mò

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (BQL ĐSĐT), một trong những vướng mắc chủ yếu trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án metro ở TPHCM là loại hình này còn quá mới mẻ ở VN nên các cơ quan chức năng phải thực hiện theo kiểu lần mò.

Vướng mắc lớn nhất của dự án tuyến metro số 1 là công tác đấu thầu và quy chuẩn xây dựng. Một gói thầu lẽ ra phải có từ hai đến ba nhà thầu trở lên tham gia song thực tế nhiều gói chỉ có duy nhất một nhà thầu và họ bỏ thầu cao hơn mức giá ấn định. Theo quy định, TPHCM phải tổ chức đấu thầu lại song việc này ngốn quá nhiều thời gian, thời gian xử lý công việc kéo dài, làm vốn đầu tư tăng vọt.

Đại diện BQL ĐSĐT cho biết hiện nay, quy trình quản lý một dự án 5.000 tỷ đồng và một dự án trị giá 50.000 tỷ đồng không khác nhau. Đối với dự án tuyến metro số 1 trị giá 47.300 tỷ đồng, thời gian chuẩn bị, xây dựng hoàn thiện… phải kéo dài hơn 10 năm.

Các nhà thầu quốc tế cộng vào giá đấu thầu rất nhiều khoản khác nhau như dự phòng phí, rủi ro… làm giá trúng thầu cao hơn giá chào thầu. Để làm đúng quy định, chỉ riêng việc xử lý chênh lệch giá thầu của dự án, TPHCM đã mất từ 2 -3 năm song cuối cùng vẫn phải chấp nhận giá của nhà thầu nước ngoài vì nhiều lần mở thầu vẫn chỉ có duy nhất một nhà thầu tham gia.

Một bất cập khác là VN chưa có quy chuẩn dành cho ĐSĐT. Đại diện BQL ĐSĐT cho biết năm 2009, Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn về đường ngầm (học ở Nga) nhưng khi TPHCM làm dự án tuyến metro số 1 và đưa bộ quy chuẩn này vào áp dụng thì không phù hợp và không thể áp dụng.

“Nếu làm không chặt chẽ, không xin chủ trương các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng, sau này rất dễ bị thanh tra bắt giò, thậm chí bị xem là “cố ý làm trái” - đại diện BQL ĐSĐT thừa nhận.

Theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, có nhiều quy định cần phải thay đổi trong quá trình triển khai các dự án metro. Một số quy định đã thay đổi nhưng không theo kịp yêu cầu thực tế, trong khi việc xem xét, điều chỉnh, sửa đổi các quy định mất quá nhiều thời gian. “Năm 2013 kiến nghị thì đến năm 2017 mới sửa đổi thì chết rồi !” – ông Phạm Văn Đông lo lắng.

Hội đồng bồi thường “tố” Ban bồi thường

Theo BQL ĐSĐT, vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án tuyến metro số 1 là còn hơn 100 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại gói thầu số 2 khiến TPHCM phải thông báo hoãn thời gian bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đến ba lần (lần đầu đến ngày 30/6; lần 2 đến 30/9 và lần 3 là đến 30/10 tới).

Đại diện BQL ĐSĐT thừa nhận công tác này có thể kéo dài đến năm 2014. Việc chậm trễ làm phát sinh nhiều chi phí nhưng đáng lo nhất là khiến UBND TPHCM phải nộp phạt hơn 2 tỷ đồng/ngày vì vi phạm hợp đồng với nhà thầu.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, nhiều hộ dân đang kiện UBND quận Thủ Đức ra tòa và đã có ít nhất hai trường hợp thắng kiện. TAND TPHCM yêu cầu UBND quận hủy quyết định cũ, ban hành chính sách bồi thường mới đúng quy định. Tuy nhiên, việc thi hành án đang “tắc” vì chờ hướng dẫn của UBND TPHCM.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm với người dân phường Linh Trung, nhiều thành viên Hội đồng bồi thường thiệt hại – giải phóng mặt bằng (HĐBT) của dự án cho biết hội đồng đã ngưng hoạt động gần ba năm nay.

Nhiều thành viên HĐBT chỉ ra sai sót trong quá trình UBND quận triển khai dự án. Ông Phạm Văn Minh, thành viên HĐBT nói: Nhà ông Phan Đình Tín (vừa thắng kiện) hơn 180 m2 nhưng chỉ được bồi thường 68 triệu đồng. Số tiền đó đi thuê nhà còn khó, nói chi ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu thực hiện công khai minh bạch dự án để tạo sự đồng thuận của người dân. HĐND TPHCM sẽ giám sát chặt chẽ việc bồi thường của quận Thủ Đức và UBND thành phố.

“Có người dân phản ánh địa phương đo vẽ ba lần, cho ba kết quả khác nhau. Cán bộ mình có người còn vô cảm lắm. 1 m2 đất với dự án không là bao nhưng với người dân là rất lớn. Phải vận dụng các quy định phù hợp để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người dân” – bà Tâm nhấn mạnh.

Dự án xây dựng tuyến metro số 1 (lộ trình Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư 47.325 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD). Dự kiến, công trình hoàn thành vào năm 2017 đưa vào hoạt động năm 2018.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG