“Vua trăn” ở Cà Mau

“Vua trăn” ở Cà Mau
TP - Khác với 10 năm trước, năm 2006 này, vợ chồng ông Nguyễn Thành Bá - Nguyễn Hồng Thiện rất vui, bởi con trăn được giá. Vợ chồng ông đang làm chủ đàn trăn hơn 1.500 con, trị giá vài tỷ đồng.
“Vua trăn” ở Cà Mau ảnh 1
Ông Bá chăm sóc trăn

Đất rừng tràm U Minh hạ là vương quốc trăn rừng. Nhưng kể từ khi KS Lê Thị Liễu nghiên cứu đề tài “Thuần dưỡng trăn rừng”, “Sinh sản trăn phục vụ nuôi đại trà” đã đưa con trăn thành vật nuôi như con gà, con heo, con vịt ở Cà Mau.

Có một thời, ở Cà Mau “nhà nhà nuôi trăn, người người nuôi trăn”. Người nuôi trăn chỉ có đường bán cho thương lái mua trăn về giết, căng da, bán sang Trung Quốc.

Khi trăn sinh sôi nẩy nở, thương lái bắt chẹt đầu ra, người nuôi trăn còn cách bán rẻ, thả trăn vô rừng. Hàng ngàn hộ nuôi trăn bị phá sản vì trăn mất giá, không nơi tiêu thụ.

Vợ chồng ông Nguyễn Thành Bá- Nguyễn Hồng Thiện cũng vay tiền đầu tư để nuôi trăn. Những năm 90 của thế kỷ trước con trăn mất giá, vợ chồng ông mắc nợ mấy chục cây vàng, không cách nào trả nợ.

Bấm bụng bán tháo đàn trăn đói khát, ốm tong ốm teo để trả nợ. Lần lượt tiễn đàn trăn ra đi, ông nghĩ ngợi: “Không nuôi trăn thì bán đất cũng không đủ trả hết nợ.

Xứ này có nhiều trăn rừng, thuần dưỡng được, cho sinh sản được thì sao không sống bằng nghề nuôi trăn?”.

Thế là vợ chồng ông vừa mua bán chuột, vừa mua bán trăn. Lựa con trăn tốt để lại nuôi, nhân giống trăn bằng phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, “bán trăn xấu để mua mồi nuôi trăn tốt”.

Thành tỷ phú nhờ kiên trì

Vừa làm nhà ở, vừa xây cất trại nuôi trăn, nay vợ chồng ông Nguyễn Thành Bá có trại nuôi trăn rộng chừng 1.000 m2 ở phường 1, TP Cà Mau.

Trại nuôi trăn lợp bằng thiếc, vách bằng lưới B40, chuồng trăn chất chồng thành nhiều tầng giống như trại gà công nghiệp.

Phía dưới nền tráng gạch, có hệ thống thu gom nước thải, dọn vệ sinh. Mỗi trại nuôi trăn đều kê sẵn chiếc giường đơn để gia chủ ngủ nghe trăn thở.

Ông Nguyễn Thành Bá tâm sự: “Nuôi trăn phải gần gũi, nghe trăn thở. Trăn thở khò khè là có bệnh. Khi đó phải bắt ra nhốt riêng, cho uống thuốc”.

Vợ chồng ông và các con ông đảm trách những khâu quan trọng, điều hành chăn nuôi đàn trăn khoảng 1.500 con.

Ông Nguyễn Thành Bá lo vòng ngoài. Việc phân loại trăn, phối giống, ấp trứng, chăm sóc trăn con là một tay bà Nguyễn Hồng Thiện. Còn cô con gái lớn chạy đi mua chuột của mối lái từ Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau về cho trăn ăn.

Ks Nguyễn Thanh Hải- con ông bà, đang làm việc cơ quan nhà nước cũng tranh thủ thời gian hướng dẫn anh em công nhân hàn chuồng trăn bằng sắt, lợp lưới chì.

Lao động trong trại nuôi trăn là em cháu ở quê không có việc làm. Gần chục lao động được ông Nguyễn Thành Bá bao cơm, trả 500.000đ/tháng trong năm đầu tiên, mỗi năm sau tăng thêm 100.000đ/tháng và quà Tết.

Trăn con nuôi trong vòng 2 năm có thể đạt trọng lượng 20 kg. Lựa con trăn dài đòn, cân đối để lại làm giống. Mỗi con trăn đực có thể cho gần chục trăn cái làm mẹ. Mỗi con trăn cái có thể sinh được vài chục đến hàng trăm con trăn con.

Giá trăn con khoảng 180 ngàn đồng/con. Trăn thịt từ 20 kg giá 200.000đ/kg, trăn trên 20 kg/con giá 230.000đ/kg.

Với điều kiện tự nhiên vùng ĐBSCL, nghề nuôi trăn phát triển. Nhiều người dân trong vùng đến tìm hiểu qui trình chăn nuôi trăn của ông Nguyễn Thành Bá với nhiều dự định cho gia đình mình.

Ông Nguyễn Thành Bá dự định: “Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 1.500 con trăn đẻ, trăn lứa. Tôi không mở rộng qui mô mà nâng chất lượng đàn trăn.

Như hiện nay, trăn có trọng lượng trung bình 20kg/con thì sang năm cố gắng nâng lên 30kg/con để đạt hiệu quả sinh sản trăn con. Nuôi trăn cũng cần vốn nhiều, cho ăn hàng ngày vài trăm kg chuột, tốn bạc triệu.

Khi thiếu tiền lại phải lựa trăn xấu bán để mua mồi nuôi con trăn tốt. Cái khó hiện nay là chính quyền mình không tìm được đầu ra ổn định cho con trăn.

Nếu con trăn giữ giá như hiện nay, đầu ra ổn định thì nhất định nghề nuôi trăn trở lại thời vàng son như trước đây. Tôi chỉ là loại người “có gan làm giàu” thôi”.

MỚI - NÓNG