Vui buồn bên chân cầu Cần Thơ

Bia tưởng niệm 55 nạn nhân bên chân cầu Cần Thơ luôn ấm khói hương. Ảnh: Trung Tính
Bia tưởng niệm 55 nạn nhân bên chân cầu Cần Thơ luôn ấm khói hương. Ảnh: Trung Tính
TP - Bốn năm trước, ngày 26-9-2007, xảy ra thảm họa sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ làm 55 người thiệt mạng, có 34 người ở xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long). Lúc đó, cả nước đã hướng về Mỹ Hòa, còn hôm nay chuyện gì đang diễn ra ở mảnh đất này.

> Công bố kết luận sập cầu Cần Thơ

Bia tưởng niệm 55 nạn nhân bên chân cầu Cần Thơ luôn ấm khói hương. Ảnh: Trung Tính
Bia tưởng niệm 55 nạn nhân bên chân cầu Cần Thơ luôn ấm khói hương. Ảnh: Trung Tính.

Nguôi ngoai

Hai đứa con đã được học hành tử tế khiến bà Nguyễn Kim Tuyến, 49 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hưng 2, là vợ của một nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ nguôi ngoai. Chồng bà trước kia làm nghề đóng đáy cũng đủ sống qua ngày, mới xin vào làm công nhân cầu Cần Thơ được hơn 2 tháng.

Bà Tuyến cho biết, nhà nước và các nhà hảo tâm ủng hộ cất cho gia đình bà căn nhà khang trang hơn 200 triệu đồng, tặng cho 3 sổ tiết kiệm trị giá mỗi sổ 90 triệu đồng. Nhờ tiền lãi tiết kiệm, con trai lớn Nguyễn Huệ Tâm 22 tuổi học xong lớp trung cấp tin học và đã đi làm tại Công ty May Khang Thịnh ở chợ Bình Minh, con trai út Nguyễn Tâm Em cũng làm ở Công ty này khi học xong
lớp 12.

Bà Tuyến kể, mấy năm qua lo cho các con ăn học, bà đã rút tiền tiết kiệm gần trăm triệu đồng, số tiền còn lại bà vẫn gửi để lấy lãi, thêm tiền lương của 2 con trai cũng sống được. Nhà có 2 công bưởi hằng năm cho thu nhập để đi dự đám tiệc trong ấp.

Cách nhà bà Tuyến một đoạn là nhà của chị Nguyễn Thị Kim Sang, vợ một nạn nhân. Ngôi nhà kiên cố, nền lót gạch hoa bóng loáng.

Chị ngậm ngùi kể, trước khi thiệt mạng, chồng chị có 3 năm đi lao động ở Malaysia, sau đó về quê chạy xe ôm rồi “nghe lời bạn bè xin vào làm công nhân mới được 3 tháng”. Sau đó vụ sập cầu Cần Thơ, chị nhận được xấp xỉ 300 triệu đồng, vượt qua được đau đớn để nuôi đứa con lúc ấy còn trong bụng, nay đã đi học mẫu giáo. Rồi chị tái giá cách nay gần một năm để mẹ con có nơi nương tựa, chồng sau của chị đang làm việc tại TP Vĩnh Long.

Xã Mỹ Hòa hôm nay có con đường trải nhựa, xe 4 bánh chạy được, dài hơn 1.700m nối từ đường dẫn cầu Cầu Thơ về trung tâm xã. Các tuyến đường từ trung tâm xã về ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hưng 2, ấp Mỹ Khánh và Mỹ An được lót đan. Cạnh trụ sở UBND xã có trường Mẫu giáo và Nhà văn hóa. Các công trình có tổng kinh phí 12 tỉ đồng, được xây dựng từ tiền hỗ trợ sau vụ thảm họa.

Chủ tịch UBND xã Trương Văn Lợt nói: “Ban đầu dành tiền làm các công trình này, nhiều gia đình nạn nhân phản đối, chúng tôi phải vận động họ mới bằng lòng, nhờ vậy đã đổi mới xã”.

Nghèo khó

Ở ấp Mỹ Hưng 1, gia đình ông Lưu Văn Khâm có 2 người con thiệt mạng, bản thân ông và một người con khác bị thương nặng. Gia đình ông được giúp đỡ hơn một tỷ đồng, ông dùng hơn 400 triệu đồng xây căn nhà rộng gần 200 m2, còn 600 triệu đồng gửi tiết kiệm. Hằng tháng gia đình rút lãi để chi tiêu và vợ chồng ông “nổi danh” cả ấp với việc đánh bài, chơi đề.

Lúc chúng tôi đến, căn nhà lớn đóng cửa. Một người lớn tuổi ở cạnh ngôi nhà cho biết: “Vợ chồng chủ nhà đóng cửa hoài vậy đó, chắc là đi trốn nợ rồi”. Trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Hưng 1 Nguyễn Ngọc Minh kể: “Ấp có 16 gia đình với 17 người thiệt mạng, một phần biết chí thú làm ăn nên cuộc sống ổn định, còn lại có nhiều tiền đâm ra lười lao động, ăn xài phung phí mà gia đình ông Khâm là điển hình”.

Ông Dương Công To, đội trưởng đội dân phòng đường thủy ấp Mỹ Hưng 2, người đã trực tiếp xông vào hiện trường vụ sập cầu để cứu người và khiêng tử thi và sau đó luôn dõi theo cuộc sống của gia đình các nạn nhân. Ông To trăn trở: “Phần nhiều các gia đình sử dụng đồng tiền không hợp lý nên nghèo vẫn hoàn nghèo, trong khi đã mất đi lao động chính”.

Chủ tịch UBMTTQ huyện Bình Minh, ông Trần Phước Hưởng cho biết thêm: “Địa phương cũng có giúp đỡ quản lý sổ tiết kiệm và vận động các gia đình nạn nhân sử dụng tiền hợp lý nhưng khó là các gia đình này thường làm đơn xác nhận để rút tiền với nhiều lý do như chăn nuôi, cần vốn làm ăn, sửa nhà. Khi họ rút tiền rồi làm gì thì không biết được, vì thế không ít gia đình nạn nhân không còn tiền”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG