Vụ Vedan: Đồng Nai đã “phớt lờ” những cảnh báo?

Vụ Vedan: Đồng Nai đã “phớt lờ” những cảnh báo?
TP- Dư luận vẫn bức xúc đặt câu hỏi: Vai trò quản lý nhà nước ở đâu khi sự việc Cty Vedan “bức tử” sông Thị Vải xảy ra trong một thời gian dài và gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Mới đây PV Tiền phong đã có cuộc làm việc với ông Dương Quốc Sĩ- Chủ nhiệm chuyên đề: “Khảo sát đánh giá bổ sung nguồn thải từ các khu công nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải” thuộc báo cáo khoa học cấp tỉnh “

Điều tra và lập phương án xử lý ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do các công trình công nghiệp lân cận gây ra” do chính Sở KHCN&MT tỉnh Đồng Nai và Phân viện sinh thái - Tài nguyên và môi trường, Viện sinh học nhiệt đới (Thuộc Viện KHCN Việt Nam) thực hiện, TS Đoàn Cảnh, Phân Viện trưởng phân viện Sinh thái - Tài nguyên và môi trường làm Chủ nhiệm đề tài.

Theo đó, những vấn đề nhức nhối về môi trường tại nhà máy Vedan đã được cảnh báo cả chục năm trước đây.

Sông Thị Vải bị “đầu độc” từ 11 năm qua

Ông Sĩ cho biết, việc điều tra nghiên cứu được kết thúc vào tháng 10/1997, tức là ngay sau khi nhà máy Vedan được khởi công xây dựng 4 năm và đi vào hoạt động. Ngay thời điểm đó, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ ý kiến quan ngại về  mức độ gây ô nhiễm môi trường của Vedan.

Theo bản báo cáo khảo sát, Vedan sử dụng các nguyên liệu chính như: đường, mật, tinh bột, các loại Vitamin... Công suất của nhà máy theo thiết kế mỗi năm sản xuất được: 60.000 tấn bột, 63.000 tấn đường; 60.000 tấn bột ngọt; 100.000 tấn a xit citric; 100 tấn thuốc trừ sâu vi sinh, gần 6,6 triệu thùng giấy và thùng đóng lon; 7,2 triệu thùng thực phẩm ăn liền... Đặc biệt nhà máy Vedan còn có công suất sản xuất khoảng 40.000 tấn xút loại 100% và 34.800 tấn a xit Clo hidric...

Theo số liệu thu thập được (của Trung tâm phân tích môi trường EPC)  thì lượng nước thải của Vedan là 3.976,6m3/giờ. Cụ thể, để chế biến 800-1.000 tấn khoai, mì thì lượng nước thải chừng 10.000m3/ngày với hàm lượng 5g/l protein, 3g/l chất béo, 20g/l xơ bã và 25g/l hydrat carbon. Đặc biệt tại phân xưởng sản xuất bột ngọt, một số chỉ số cao hơn nhiều.

Vụ Vedan: Đồng Nai đã “phớt lờ” những cảnh báo? ảnh 1
TS Dương Quốc Sĩ

Cũng theo khảo sát của các nhà khoa học, nước thải của Vedan từ miệng thải giáp nhà máy Super phosphat Long Thành thấy còn khá nhiều cặn bã lơ lửng, nước có màu đỏ vàng. Những sản phẩm này khi gặp hóa chất do các nhà máy lân cận thải ra sẽ tương tác và chuyển thành hàng loạt các chất hữu cơ gây tác hại xấu đến môi trường.

Cũng theo nghiên cứu thì hàm lượng các chất gây ô nhiễm môi trường như: chỉ số COD, BOD; độ kiềm, protein, lipit, SO4... đều cao hơn nhiều so với nhà máy tại Tây Ninh, Bình Định.

Như vậy trong nước thải của Vedan ngoài lượng NH4, COD, BOD cao có chứa những hợp chất hữu cơ từ nguồn gốc thực vật. Trong điều kiện dung dịch nước thải có chứa hàng loạt gốc a xít (do một số nhà máy gần đó thải ra) với vi sinh có trong tự nhiên sẽ chuyển thành CH4, C02, các chất chứa lưu huỳnh. 

Quá trình phân hủy protein bên cạnh amoniac còn có lượng sulfur. Những chất này bắt nguồn từ các a xít amin chứa lưu huỳnh như cystin, cystein, methionin... khi kết hợp với nhau tạo thành màu đen của nước và kết tủa lắng xuống đáy sông lẫn trong bùn. Sự tích tụ này sẽ có hại cho chất lượng môi trường trên tuyến sông.

Và còn có thể xuất hiện mưa a xít!

Không chỉ cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước thải, các nhà khoa học cũng chỉ ra việc khắc phục ô nhiễm không khí nếu chỉ “nâng cao ống khói” thì chưa đảm bảo.

Thực tế theo khảo nghiệm của TS F.G. Mugiacaep thì các khí thải khi gặp những phần tử ẩm (nước ta độ ẩm rất cao) mà trong hơi ẩm có chứa Natri clorua (muối ăn- NaCl), điều này phổ biến ở khu vực dọc sông Thị Vải nơi có nồng độ NaCl trong nước cao nên rất dễ tạo mưa a xít hoặc các hạt mù a xít.

Lượng a xít này hoặc ảnh hưởng ngay tại nhà máy hoặc rơi xuống các địa phương khác khi có tốc độ gió lớn. Chính vì không có biện pháp kiểm tra tại ống thải mà chỉ đo đạc tại khu vực xung quanh nên số liệu thu được chỉ cho biết nồng độ khí tồn tại chứ không phản ánh được nồng độ tác hại thực tế đã rơi xuống đất qua con đường nước mưa hoặc hạt ẩm.

Bản báo cáo nhấn mạnh: “ Đây chính là điều quan tâm đo đạc nếu như muốn đánh giá thực trạng ô nhiễm khí”. Tương tự, các nhà khoa học cũng kiến nghị: “Để có thể đánh giá mức độ ô nhiễm từ nguồn nước thải này cần khảo sát, kiểm nghiệm các chỉ tiêu thành phần hữu cơ trong nước (kể cả sau thời gian biến đổi)”.

Trao đổi với chúng tôi, TS Đoàn Cảnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đây là bản báo cáo khoa học cấp tỉnh. Kinh phí khoảng 240 triệu đồng do Sở KHCN& MT tỉnh Đồng Nai cấp. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trong 2 năm (1996-1997). Sau khi kết thúc nghiên cứu, bản báo cáo cùng với những đề xuất kiến nghị đã được gửi lên UBND tỉnh Đồng Nai.

Ấy vậy mà, những cảnh báo và kiến nghị của các nhà khoa học về ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra từ 11 năm trước dường như đã bị “bỏ qua”. Hàng trăm triệu đồng ngân sách dành cho công tác nghiên cứu trở nên vô nghĩa. Trách nhiệm này thuộc về ai?

MỚI - NÓNG