Vùng đất cổ truyền trên cao nguyên đất đỏ

Nếp nhà dài phên nứa truyền thống của người M’Nông
Nếp nhà dài phên nứa truyền thống của người M’Nông
Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là nơi non nước hữu tình và là vùng đất huyền thoại làm đắm say biết bao du khách. Nơi đây còn chứa bao điều bí ẩn đầy hấp dẫn. Đặc biệt những buôn làng tiêu biểu của dân tộc M’Nông còn giữ nguyên được những giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống.

Hoang sơ buôn cổ

Rời xa không khí phố xá sôi động từ TP. Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 27 đến buôn M’Liêng, huyện Lắk sẽ được đắm mình trong không gian thanh bình, cổ kính như một Tây Nguyên của hàng trăm năm trước. Nơi đây còn giữ được nét cư trú truyền thống của người M’Nông giao thoa với người Ê Đê. Nhà sàn dài phên nứa được phân bố tập trung trên một khu đất rộng, xung quanh rào bằng các bụi tre lớn, bao bọc bởi những tán cây xanh rì. Thấp thoáng phía sau phên nứa một vài phụ nữ vẫn chăm chỉ bên khung cửi dệt thổ cẩm. Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào M’Nông nói riêng, những ngôi nhà sàn không chỉ đơn giản là nơi sinh hoạt mà là sự sống, là linh hồn là bản sắc dân tộc. Trải qua nhiều biến động nhưng không gian riêng của buôn với con suối, sông, bến nước vẫn còn cho đến ngày nay. Nhiều gia đình còn giữ đươc ghế Kpan, nơi trang trọng để các nghệ nhân ngồi diễn tấu cồng chiêng trong các dịp lễ hội cùng nhiều chiêng cổ, ché cổ…

Vùng đất cổ truyền trên cao nguyên đất đỏ ảnh 1

Những ngôi nhà sàn bê tông bên cạnh nhà sàn phên nứa truyền thống

Buôn cổ M’Liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xét chọn là buôn cổ độc nhất trên cao nguyên Đắk Lắk để triển khai dự án bảo tồn văn hóa truyền thống với mục tiêu xây dựng bảo tồn buôn M’Liêng đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’Nông R’Lăm được triển khai từ năm 2009 đến 2015. Buôn làng trở nên khang trang, hai trục được trong buôn được bê tông hóa, dọc theo đó là nếp nhà dài truyền thống được bà con giữ gìn hoặc làm mới theo quy hoạch của dự án bảo tồn buôn cổ.

Ngôi nhà rông được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng có tên là nhà “Bảo tồn Văn hóa” nơi lưu giữ văn hóa người M’Nông, là nhà văn hóa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk. Tất cả các lễ hội lớn nhỏ của buôn và xã được tổ chức tại đây. Cây đa nằm sau nhà văn hóa cộng đồng được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh công bố quyết định và gắn biển “Bảo tồn cây cổ thụ” cây đa trên 200 tuổi vào tháng 7/2017.

Vùng đất cổ truyền trên cao nguyên đất đỏ ảnh 2

Nhà Bảo tồn văn hóa buôn M'Liêng

Vùng đất cổ truyền trên cao nguyên đất đỏ ảnh 3

Cây đa trên 200 tuổi được gắn biển “Bảo tồn cây cổ thụ”

Thông qua việc bảo tồn đã phát huy các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực để phục vụ khách du lịch nâng cao đời sống gia đình và cộng đồng đã làm thay đổi bộ mặt và tìm lại được một chút dánh hình cổ xưa của buôn.

Làng gốm cổ duy nhất của người M’Nông

Đến buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk nơi duy nhất trên Tây Nguyên còn gốm cổ của người M’Nông R’lăm. Được biết, xưa kia xã Yang Tao cả 11 buôn đều làm gốm, một thời hưng thịnh được dùng phổ biến trong nhiều tộc người bản địa. Hiện nay đầu ra của sản phẩm gốm khó khăn mặc dù vậy một số nghệ nhân ở đây vẫn tâm huyết với nghề để giữ lấy nét văn hóa truyền thống của dân tộc M’Nông.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống, nghệ nhân H’Lưm Uông (SN 1961) bê ra những sản phẩm gốm đen bóng với ánh mắt sáng ngời: Khi tôi 18, đôi mươi nghề làm gốm rất thịnh, ai cũng biết làm, người Ê Đê, Gia Rai ở đây rất chuộng đồ bằng gốm trong sinh hoạt thường ngày. Các sản phẩm: chén, bát, ấm, ché chum, nồi chảo mang đến các buôn khác trao đổi lấy gạo, lúa heo, gà.

Vùng đất cổ truyền trên cao nguyên đất đỏ ảnh 4

Nghệ nhân Yo Khoanh (phải) và nghệ nhân H’Lưm Uông bên những sản phẩm bằng gốm

Vùng đất cổ truyền trên cao nguyên đất đỏ ảnh 5

Các vật dụng (tre, đá, vòng đồng) dùng để chế tác sản phẩm gốm

Vùng đất cổ truyền trên cao nguyên đất đỏ ảnh 6

Đá voi cha nằm giữa những dãy núi trùng điệp (xã Yang Tao)

Nghệ nhân H’Phiết Uông (còn gọi là Yo Khoanh) người gắn bó với nghề gốm khi còn tấm bé đến nay đã ngoài 60 nhưng vẫn miệt mài nặn gốm. Bà chia sẻ: giờ buôn có khoảng 10 người làm gốm, bây giờ hiện đại nên người ta dùng các sản phẩm inox, đồ điện…nên gốm không còn được thịnh như trước. Đây là nghề truyền thống của ông bà để lại, nét văn hóa của dân tộc M’Nông nên bà và một số nghệ nhân tâm huyết trong buôn không bao giờ bỏ nghề. Bà thường xuyên được bảo tàng tỉnh Đắk Lắk mời lên tham gia các buổi triển lãm, hội thảo giới thiệu và dạy cách làm gốm cho mọi người.

Quy trình sản xuất gốm cổ gồm nhiều công đoạn. Nguyên liệu để chế tác đồ gốm là loại đất sét được lấy ở Đắk Sang (tức nơi có nước sạch) thì khi nung đất mới không bị nổ. Gốm của người M’Nông không dùng bàn xoay mà được dùng bằng tay và di chuyển quanh vật để tạo dáng, dùng đá đánh bóng, dùng một que tre để tạo họa tiết hoa văn rồi đem phơi khô. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên khoảng 30 phút. Khi lớp củi trên cùng cháy gần hết người ta bắt đầu lấy ra và tạo màu cho sản phẩm bằng vỏ trấu và mùn cưa. Vì nét độc đáo này mà sản phẩm gốm của buôn Dơng Bắk rất khác biệt được nhiều người ưa chuộng.

Trước đây, bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương mở một số lớp dạy nghề gốm cho thanh niên trong buôn, đồng thời giới thiệu một số sản phẩm gốm của đồng bào làm ra cho các đơn vị du lịch. Bên cạnh đó tổ chức cho các nghệ nhân làm đồ gốm theo mẫu có sẵn để làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Huyện Lắk là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của Tây Nguyên, nơi có hồ Lắk mênh mông giữa đại ngàn, hàng năm đón cả chục vạn du khách trong và ngoài nước cũng là điều kiện thuận lơi để bà con làng gốm Yang tao giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian gần đây, hầu như tháng nào cũng có đoàn tham quan du lịch, mỗi lần xuống họ đều lấy hết những sản phẩm gốm mà bà con ở đây làm ra, có khi không đủ để họ mua. Tuy vậy đây cũng là trước mắt, về lâu dài các nghệ nhân ở đây muốn hợp lại để tạo thành một làng nghề, nhằm tạo nét hấp dẫn, một điểm khám phá về văn hóa truyền thống của đồng bào M’Nông trên Tây Nguyên.

Đến xã Yang Tao còn được nghe huyền thoại về đôi hòn đá voi cha mẹ được biết đến như biểu tượng thần tình yêu trong nhận thức của đồng bào Tây Nguyên. Ngoài những dấu chân bí ẩn hằn sâu trên mặt đá, sự dịch chuyển lạ lùng của cặp đá voi tới nay vẫn chưa ai giải thích được.

MỚI - NÓNG