Vùng núi cao có thể xuất hiện mưa tuyết

Người dân bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn sưởi ấm bên bếp lửa trong khi giá rét kéo dài. Ảnh: Hoàng Lam
Người dân bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn sưởi ấm bên bếp lửa trong khi giá rét kéo dài. Ảnh: Hoàng Lam
TP - Dự báo từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, miền Bắc nước ta sẽ đón nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Vùng núi cao có thể đón nhiều đợt mưa tuyết, băng giá.

Các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng đầu tiên của mùa đông năm nay với nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 10-13 độ, vùng núi 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ và có khả năng xảy ra băng giá.

 Sáng qua, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chỉ còn 1,3 độ, Đồng Văn (Hà Giang) xuống còn 6 độ, Sa Pa 6,8 độ, Trùng Khánh (Cao Bằng) 6,1 độ. Nhiệt độ đo tại Hà Đông (Hà Nội) là 11,9 độ. Dự báo rét đậm, rét hại có thể kéo dài đến 21-22/12, trong đó thời gian rét nhất từ 16-18/12, sau đó trời vẫn tiếp tục rét nhưng nền nhiệt tăng dần.

 Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, những tỉnh rét nhất trong đợt này là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai. Rét hại kéo dài có thể gây thiệt hại gia súc và hoa màu.

 Theo nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng La Nina vẫn tiếp tục ảnh hưởng thời tiết nước ta đến tháng 3/2021. Do tác động của La Nina, mùa đông năm nay đến sớm và sẽ lạnh hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 10/2020 đến nửa đầu tháng 12/2020, có 11 đợt không khí lạnh tràn xuống nước ta. Trong đó từ đầu tháng 12, không khí lạnh tiếp tục gia tăng về cường độ và tần suất khiến nền nhiệt giảm sâu, nhiều khu vực xuất hiện rét đậm, rét hại và cả băng giá.

 Cơ quan khí tượng dự báo, từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7-10 ngày, kéo dài hơn ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Đề phòng nhiệt độ giảm sâu, gây ra các đợt băng giá, mưa tuyết trong các tháng chính của mùa đông 2020-2021 ở vùng núi cao, đặc biệt là thời điểm tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2021.

 Theo cơ quan này, năm nay, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ tháng 1/2021. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 10-15/2, từ 26/2-2/3), tháng 3 (từ 12-16/3, từ 25-29/3). Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ 9-14/4 và 24-28/4).

Tuy nhiên, cơ quan khí tượng cũng lưu ý, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Vì vậy, các địa phương vùng ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Lạng Sơn: Nhiệt độ nhiều nơi xuống 1 độ C

Trong hai ngày 15 và 16/12, tại tỉnh Lạng Sơn xuất hiện các cơn mưa phùn kèm giá buốt, nhiệt độ giảm sâu xuống khoảng 5-7 độ C. Ðặc biệt, trên những rẻo núi cao như Công Sơn (huyện Cao Lộc), Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), xuất hiện mù trời, mưa giăng mắc, nhiệt độ xuống còn khoảng 1 độ C.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, mặc dù giá lạnh năm nay đến sớm, nhưng do chủ động công tác phòng ngừa nên hiện tại chưa có ảnh hưởng, thiệt hại đến sức khỏe của người và gia súc, gia cầm. Ngành giáo dục Lạng Sơn đã có những văn bản chỉ đạo để các nhà trường chủ động ứng phó và cho học sinh nghỉ học theo các quy định của tỉnh và sở GD&ÐT trong việc đảm bảo việc dạy, học và sức khỏe cho các em ở vùng sâu, vùng xa.

Duy Chiến

MỚI - NÓNG