Vùng rốn lũ Cát Tiên cũng khát cháy

Vùng rốn lũ Cát Tiên cũng khát cháy
Lần đầu tiên, người dân ở vùng đất có lượng mưa hàng năm cao nhất nước phải mua nước về dùng. Nhiều nơi phải ngừng sản xuất để dành nước sinh hoạt cho người và gia súc. Lúa cắt cho bò ăn, cà phê đốn làm củi. Màu trắng của ruộng hạn nhiều hơn màu xanh cây trồng…
Vùng rốn lũ Cát Tiên cũng khát cháy ảnh 1
Hồ Than Thở trơ đáy

Ít ai ngờ rằng huyện Cát Tiên - rốn lũ của nam Tây Nguyên, năm nào người dân cũng khốn đốn, thiếu đói vì lũ lụt trắng đồng, nhà cửa ngập chìm trong biển nước lại đang trở thành vùng đất khô hạn bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng.

Chưa bao giờ mực nước sông Đồng Nai xuống thấp đến thế, thấp hơn gần 2m so với mùa khô  các năm trước. Cả chục công trình thủy lợi lớn và hơn 100 công trình thủy lợi nhỏ hầu như đã cạn kiệt.  Nhiều ruộng lúa đang làm đòng ở các xã Phước Cát , Quảng Ngãi…do không còn giọt nước nào để tưới, đành bỏ mặc cho trâu bò ăn.

Quẫn bách hoá liều, cả chục hộ dân đã tổ chức đào con kênh dài 51m qua thân đập công trình thủy lợi Daklô để dẫn nước về cánh đồng lúa ở các thôn Văn Minh, Gia Viễn, Cát Tiên. Việc làm đó gây thiệt hại không nhỏ bởi thủy lợi Daklô có tổng vốn đầu tư lên tới 46 tỷ đồng. Mặt khác sẽ gây nguy hiểm cho khu dân cư và diện tích đất nông nghiệp phía dưới  hồ trong trường hợp xảy ra sự cố vỡ đập bởi đỉnh của con đập cao hơn khu dân cư hàng chục mét.

Công an huyện Cát Tiên đang phải kiểm tra, xử lý vụ việc. Chưa hết, nhiều nông dân còn kéo nhau xuống các hồ thủy lợi đào giếng, bất chấp bị lập biên bản vì vi phạm an toàn công trình thủy lợi. Những năm gần đây, Cát Tiên phát triển  nhanh đàn gia súc (hơn 12 ngàn con), mỗi tháng xuất hơn 50 tấn bò thịt đi Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Đáng lo thay, cánh đồng cỏ cho đàn gia súc đã dần cạn kiệt. ở nhiều chân ruộng, nông dân phải cắt lúa về làm thức ăn cho trâu, bò. Nghề nuôi cá cũng đang điêu đứng: Ao hồ cạn dần, nước bị mặt trời hun nóng khiến cá không lớn nổi. Một số hộ vội vàng bán tống, bán tháo cá trong ao để thu hồi  phần nào nguồn vốn đã đầu tư.

Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều hộ thuê người khoan giếng tràn lan. Mỗi giếng chi phí cả chục triệu nhưng có khi khoan 3 – 4 giếng mới có nước. Hiện nhiều giếng khoan sâu hàng chục mét đã bị cạn nước và việc phải đi xa nhiều km để chở nước về dùng đã thành chuyện thường ngày.

Những người làm dịch vụ mua bán, chuyên chở nước làm việc từ lúc mờ sáng cho đến tối mịt mà vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng. Có tiền cũng không mua được nhiều nước, nên nhiều gia đình phải sử dụng nước tiết kiệm tối đa: Sau khi vo gạo, rửa rau, rửa chén, phải tích nước bẩn lại cho trâu bò uống. Việc tắm giặt đành ra sông, ra suối…

Cây công nghiệp chết dần, hồ Than Thở trơ đáy

Huyện Bảo Lâm, vùng trọng điểm chè của tỉnh cũng điêu đứng vì hàng ngàn ha chè không cho thu hoạch. Lá chè héo úa và rụng kín mặt đất, cành khô cháy khẳng khiu. ở miền đất được mệnh danh là thủ đô  dâu tằm - TX Bảo Lộc- nhiều hộ nuôi tằm dở khóc, dở cười vì “bói” không ra lá dâu.

Vùng trọng điểm cà phê Di Linh, số phận cây cà phê cũng chẳng sáng sủa gì. Nhà nào cũng có máy bơm nước nhưng đành bỏ lăn lóc trong xó nhà vì lấy đâu ra nước để bơm, để tưới? Còn ở huyện Đạ Huoai, hầu hết diện tích điều - loại cây trồng chủ lực và có độ chịu hạn khá tốt hiện cũng đã  chào thua “giặc” hạn . Lá khô, trái rụng kín gốc điều. Các vùng chuyên canh rau, hoa ở Đà Lạt thường  chủ động được nguồn nước tưới nhưng đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã phải thuê xe bồn đi mua nước .

Lãnh đạo Sở NN &PTNT cho hay hiện toàn tỉnh có khoảng 4.000 ha cây trồng bị mất trắng và không dưới 8.500 ha bị giảm năng suất trầm trọng do nắng hạn. Hệ thống sông suối ở Lâm Đồng rơi vào tình trạng cạn kiệt nhất trong vòng một thập kỷ nay.

Ngay cả những hồ chứa, công trình thuỷ lợi lớn với diện tích mặt nước rộng từ hàng chục đến hàng trăm ha như Tuyền Lâm (Đà Lạt), R’lơm (Đơn Dương),  Đạ Tẻh (Đạ Tẻh), mực nước cũng đã tụt  từ 2 đến 5,2m so với trung bình nhiều năm. Các công trình nước sạch nông thôn gần như mất tác dụng.

Không ít xã thuộc các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên  đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Công trình còn khả năng cung cấp nước sinh hoạt như ở xã lát (Lạc Dương) với kinh phí đầu tư rất lớn thì bị nhiều hộ đục phá ống dẫn nước  để tháo nước về tưới cây trong vườn nhà . Một số hồ danh lam thắng cảnh như Than thở…đã cạn đến trơ đáy, lòng hồ nứt nẻ từ nhiều tháng nay.

MỚI - NÓNG