Vùng sân bay Biên Hòa: Nhiễm dioxin nặng, vẫn nuôi gà thả cá

Xây dựng tường bao ngăn chặn lan tỏa ô nhiễm dioxin ở sân bay Đồng Nai
Xây dựng tường bao ngăn chặn lan tỏa ô nhiễm dioxin ở sân bay Đồng Nai
TP - Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) là nơi có mức độ và quy mô ô nhiễm dioxin nghiêm trọng nhất ở Việt Nam. Nhưng nhiều năm qua người dân vẫn vô tư chăn nuôi gia cầm trong khu vực này.

Nghiên cứu mới nhất về thực trạng ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) được công bố hôm qua hé lộ thực tế, đây là nơi có mức độ và quy mô ô nhiễm dioxin nghiêm trọng nhất ở Việt Nam và có thể nhất thế giới. Thế nhưng, nhiều năm qua người dân vẫn vô tư chăn nuôi gia cầm trong khu vực này. 

Đáng chú ý, sân bay Biên Hòa chỉ cách sông Đồng Nai 700 mét, ngay sát các khu dân cư đông đúc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự lan tỏa của chất độc từ sân bay ra cửa sông Đồng Nai, vì khi thủy triều lên, nước sông tràn vào các hồ ô nhiễm. Khi nước rút kéo theo các chất gây ô nhiễm. Trong khi đó, tại các hồ ô nhiễm trong sân bay, người dân thả cá, nuôi gia súc, gia cầm suốt nhiều năm qua.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn, mới đây, sau nhiều lần nhắc nhở, các hộ dân đã dừng việc nuôi cá, gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, tình trạng lén đánh bắt cá tại các hồ vẫn diễn ra. Người dân rất dễ quay trở lại đánh bắt, chăn nuôi. Vì vậy, cần nhanh chóng ngăn chặn tình trạng này vì người tiêu thụ sản phẩm có nguy cơ bị phơi nhiễm dioxin.

Tại hội thảo công bố kết quả đánh giá bổ sung thực trạng ô nhiễm dioxin và kiến nghị kế hoạch sử dụng đất tại sân bay Biên Hòa hôm qua, ông Lê Kế Sơn cho hay sân bay Biên Hòa có nhiều cái nhất về ô nhiễm dioxin.

Sáu cái nhất được ông nói đến gồm phạm vi ô nhiễm rộng nhất, sâu nhất, nồng độ ô nhiễm cao nhất, tổng thể tích đất, bùn phải xử lý nhiều nhất, có nhiều hồ ô nhiễm nhất và mức độ lan tỏa ra môi trường xung quanh rộng nhất. Nếu như khối lượng đất, bùn phải xử lý ở sân bay Phù Cát là 7,5 nghìn m3, sân bay Đà Nẵng là 70 nghìn m3 thì sân bay Biên Hòa là 240 nghìn m3, gồm 200 nghìn m3 đất và 40 nghìn m3 bùn.

Trong chiến tranh, sân bay Biên Hòa là căn cứ chính chứa chất diệt cỏ phục vụ cho chiến dịch phun rải chất độc hóa học. Nơi đây trung chuyển, lưu giữ và sử dụng 98 nghìn thùng phuy loại chứa 208 lít chất da cam, 45 ngàn thùng chất trắng, 16 ngàn thùng chất xanh.

Nghiên cứu của Ban quản lý dự án “xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm dioxin nặng tại Việt Nam” công bố hôm qua chỉ ra, khu phía bắc, phía đông sân bay Biên Hòa bị ô nhiễm khá nặng. 20/35 mẫu trầm tích ở đây vượt ngưỡng cho phép, có mẫu vượt 53 lần. Nhiều mẫu đất trồng cây hàng năm, đất ở khu dân cư cũng vượt mức cho phép. Theo ông Lê Kế Sơn, nhiều khu vực cư trú, hàm lượng chất độc vượt ngưỡng cho phép hàng trăm đến hàng nghìn lần. Đây là khu vực ô nhiễm dioxin nhất Việt Nam và có thể nhất thế giới.

Sẽ mất nhiều tiền bạc và thời gian để tẩy độc

Thời gian qua, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã thực hiện một số công trình ngăn chặn lan tỏa ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa như xây dựng tường bao quanh, làm các đập ngăn nước. Tuy nhiên, theo ông Lê Kế Sơn, đây chỉ là các biện pháp tạm thời. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa cần một dự án tổng thể.

Theo ông Lê Kế Sơn, cần nhanh chóng ngăn chặn tình trạng người dân nuôi cá, gia súc, gia cầm ở các hồ trong sân bay Biên Hòa, vì người tiêu thụ sản phẩm này có nguy cơ bị phơi nhiễm dioxin.

Theo ông Sơn, tại sân bay Đà Nẵng, Chính phủ Hoa Kỳ dự kiến dùng 34 triệu USD để khắc phục ô nhiễm nhưng thực tế phải chi tới 84 triệu USD. Sân bay Biên Hòa có lượng đất, bùn phải xử lý gấp hơn ba lần sân bay Đà Nẵng. Vì thế, kinh phí cho việc xử lý ô nhiễm nơi đây rất lớn.

Các chuyên gia lưu ý, trước mắt cần tiếp tục các hoạt động ngăn chặn sự lan tỏa của dioxin ra sông Đồng Nai. Đồng thời xây dựng hệ thống quan trắc ở khu vực ô nhiễm và khu vực đã được chống lan tỏa nhằm cảnh báo kịp thời cho người dân vùng ô nhiễm.

MỚI - NÓNG