Vùng sữa nguyên liệu Ba Vì chao đảo

Vùng sữa nguyên liệu Ba Vì chao đảo
TP- Gần nửa tháng qua, Ba Vì, một trong những địa phương sản xuất sữa bò lớn nhất cả nước, chao đảo những vì thông tin về chất gây sạn thận melamine có trong một số loại sữa Trung Quốc.

“Mở đài thấy nói melamine, giở báo thấy viết melamine, bật tivi lại oang oang melamine. Cứ mỗi hôm nghe thấy cái từ đã thành quen ấy, tôi cứ héo cả ruột-Ông Bùi Khắc Phú (thôn Đồng Chay, xã Vân Hòa, Ba Vì) than thở-

Thấy báo đài đưa tin, chúng tôi mới biết là có chất đó. Họ pha chế vào thế nào chúng tôi không biết. Chúng  tôi cho bò ăn cám và cỏ thì độc hại thế nào được”.

Chủ cửa hàng Thường Sử, xã Tản Viên, Ba Vì, tỏ ra lo lắng: “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là khách du lịch, khách thập phương. Chúng tôi nhập hàng ở Trung tâm Nghiên cứu Đồng cỏ Ba Vì, cơ sở thu mua và chế biến sữa từ sữa tươi của bà con ở đây. Báo đài đưa tin quá nhiều về melamine trong sữa Trung Quốc khiến chúng tôi vạ lây.

Trước, chúng tôi nhập mỗi ngày 100 kg sữa tươi. bây giờ còn 80 kg”. Bà Đào Thị Thi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, bày tỏ: “Chúng tôi chỉ biết nuôi bò thật khỏe và bán sữa tươi chứ không biết gì về melamine. Không biết bao giờ các bài báo cảnh báo chất này có trong sữa biến mất để chúng tôi còn làm ăn. Cứ tình trạng này, nông dân chăn nuôi bò như tôi biết trông chờ vào nguồn thu nhập nào khác nữa đâu ”.

Chủ tịch – Tổng GĐ Cty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) Nguyễn Tuấn Khải, cho biết: “Chúng tôi vẫn thu mua sữa của nông dân bình thường và trả theo giá  cũ. Tuy nhiên, đầu ra của chúng tôi giảm 30- 40%. Nếu tình trạng này kéo dài, IDP cũng như nhiều Cty sản xuất sữa khác khó có thể bám trụ nổi”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cho biết: “Thông tin về chất melamine gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trương tiêu thụ sữa ở Ba Vì. Đàn bò Ba Vì không có đầu ra sẽ có nguy cơ bị bán. Cả huyện chúng tôi trông chờ chủ yếu vào thị trường sữa mà thôi”.

Không có melamine trong sữa nguyên liệu Ba Vì

Chúng tôi hỏi vì sao sữa ở đây đều đạt tiêu chuẩn protein hay đạm, có cách nào kiểm soát việc bà con không trộn melamine hoặc sữa Trung Quốc chứa melamine để tăng hàm lượng đạm không? Ông Lê Hoàng Vinh, GĐ Cty TNHH Vinh Nga, chuyên chế biến và bán các sản phẩm từ sữa tươi, thừa nhận không có cách nào.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến đầu năm 2008, cả nước có gần 100.000 bò sữa, tổng sản lượng sữa đạt 235.000 tấn. Hà Nội (mới) là địa phương có số lượng bò cũng như sản lượng sữa đứng đầu cả nước, với hơn 6.500 bò sữa và hơn 8.500 tấn sữa.

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện mới đáp ứng được 20% nhu cầu về sữa. Đến năm 2010, Việt Nam sẽ nâng tổng đàn bò sữa trên cả nước lên 200.000 con với sản lượng sữa hàng ngày đạt 3.700 tấn sữa tươi. Đến 2015 sẽ nâng đàn bò sữa lên 500.000 con với sản lượng sữa khoảng 1,1 triệu tấn, đáp ứng 40% nhu cầu. Cùng với huyện Mộc Châu (Sơn La), tỉnh Lâm Đồng và ngoại ô TPHCM, huyện Ba Vì và ngoại ô Hà Nội nằm trong danh sách các vùng bò sữa trọng điểm của cả nước trong những năm tới.

Tuy nhiên, ông cho biết, ngày 23/9, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xuống kiểm tra và có kết luận sữa của Cty không có chất độc hại và đảm bảo VSATTP. Sáng 26/9, IDP thông báo cho bà con chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tin vui, các mẫu sữa nguyên liệu của bà con được Thanh tra Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng, chứng nhận không chứa chất melamine gây sạn thận.

Mang câu hỏi trên đến hỏi lão nông Bùi Khắc Phú, chúng tôi được ông giải thích, để nâng cao tỉ trọng và chất đạm trong sữa, bà con thường cho bò ăn thêm vỏ và phôi hạt đậu xanh. “Ai đó bảo dân ở đây trộn sữa Trung Quốc hoặc đưa melamine vào để tăng đạm trong sữa thì lần đầu tiên tôi nghe thấy đấy”.

Ông Vinh Khẳng định: “Cty chúng tôi chuyên thu mua sữa tươi của bà con trên địa bàn huyện Ba Vì, cam kết không sử dụng chất melamine hay phụ gia nào khác”. Nhân viên của Cty cân và kiểm nghiệm sữa trước khi đồng ý cho nhập, trả tiền theo chất lượng sữa. Sau đó, xe của Cty chuyển sữa từ các trung tâm thu gom về nhà máy và tiến hành kiểm nghiệm một lần nữa mới cho vào chế biến. Quy trình kiểm tra sữa khá nghiêm ngặt. Các trung tâm thu mua sữa kiểm tra tỷ trọng và thử cồn.

Về nhà máy, sữa lại qua  kiểm nghiệm một lần nữa với tám chỉ tiêu như chỉ tiêu vật chất khô (đạt tiêu chuẩn là 12 phần trăm), protein (đạt tiêu chuẩn là 8,5 phần trăm), mỡ (đạt tiêu chuẩn là 3,5 phần trăm), tỷ trọng (đạt tiêu chuẩn là 1.028 – 1.032), kháng sinh, vi sinh vật, điểm đông đá, và nước thêm vào.

Ông Bùi Khắc Phú, nằm trong số một trăm nông dân tiêu biểu về chăn nuôi bò sữa của huyện Ba Vì, nói: “Gia đình tôi nuôi hai con bò sữa và mỗi ngày thu đựơc 25 -27 kg sữa tươi. Sau đó, tôi đưa tới các trạm thu mua để bán với giá 7.500 đồng/kg”. Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ 00 sáng và 17 giờ 00 chiều, ông lại cầm cây chổi quen thuộc vệ sinh  chuồng bò, lau rửa vú bò cho sạch sẽ trước khi vắt sữa.

Theo ông, nếu không vệ sinh sạch sẽ, bò rất dễ bị viêm vú. Sau khi vắt sữa xong, ông Phú cho sữa vào lọc qua một mảnh vải màn mỏng rồi tất tả đưa ngay lên trung tâm thu gom. Nhà ông cách trung tâm thu gom chừng một km. Thời gian từ lúc vắt sữa đến lúc đưa đến trung tâm khoảng 30 phút. Đến nơi, nhân viên thu gom lại lọc một lần nữa và lấy mẫu sữa để kiểm tra.

Nếu mỗi một ngày, sữa không được vắt, bò sẽ giảm cân nhanh chóng, ảnh hưởng đến sức khỏe của con bò sữa. Ông Phú không giấu vẻ băn khoăn: “Dân chúng tôi lo cho phận mình rồi sẽ về đâu. Cứ ở trên phố tuyên truyền về sữa của người ta mà không về thôn xã chúng tôi, làm sao biết được hậu quả thế nào”. Chủ nhân các đàn bò sữa Ba Vì ngày ngày ngóng đợi tin tốt từ thị trường sữa đang chao đảo.

MỚI - NÓNG