Vườn cây nghìn năm tuổi giữa Hà Nội

Vườn cây nghìn năm tuổi giữa Hà Nội
Kinh đô Thăng Long - Hà Nội chuẩn bị tròn 1.000 năm tuổi. Có điều thú vị nhân thời điểm lịch sử này là giữa đất Thủ đô người ta đã phát hiện ra một vườn cây đã tồn tại cũng gần chừng ấy thời gian.

Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố của lịch sử, vườn cây này vẫn sừng sững cừng thời gian. Đó là vườn muỗm trong khuôn viên ngôi đền Voi Phục - Thụy Khuê.

Vườn cây nghìn năm tuổi giữa Hà Nội ảnh 1
Đền Voi Phục - Thụy Khuê luôn được che mát bởi những tán khổng lồ của vườn cây.

Vườn cây cổ tích

Hà Nội có hai đền Voi Phục. Ngôi đền sở hữu vườn cây nghìn năm tuổi không phải là ngôi đền nổi tiếng nằm trong khuôn viên công viên Thủ Lệ. Ít ai biết rằng, ở bên đường Thụy Khuê, thuộc quận Tây Hồ cũng có một ngôi đền mang tên Voi Phục, và cũng có 2 con voi đá phủ phục ngoài cổng. Và cũng không nhiều người biết được rằng, trong ngôi đền có một vườn cây với những cây muỗm có tuổi đời khoảng 700 đến 1.000 năm.

Vườn cây nghìn năm tuổi này bao gồm 8 cây ở trong khuôn viên đền và một cây ở bên đường đối diện với cổng đền. Bao nhiêu năm nay, ngôi đền cổ này được bao phủ dưới những cây cổ thụ um tùm yên tĩnh hơn rất nhiều so với sự ồn ào của phía bên ngoài.

Cụ từ Hà Văn May, năm nay đã 90 tuổi những vẫn đi lại nhanh nhẹn dẫn chúng tôi dạo dưới những tán cây muỗm khổng lồ trong khuôn viên ngôi đền rộng khoảng 2.000m² và kể những câu chuyện về ngôi đền thờ đức thánh Linh Lang.

Cụ May cho biết rằng ngay từ thuở bé, chạy sang đền chơi đã thấy vườn cây to như thế này rồi và... 90 năm sau " những cây muỗm này vẫn vậy, có khi thân cây cũng to ra nhưng vì tôi sống bên cạnh nó thường xuyên nên không nhận ra. Thay đổi có chăng thì cũng chỉ gãy những cành khô, rồi mọc ra những cành mới. Vào dịp tháng Tư (âm lịch) là lúc muỗm chín. Trung bình mỗi cây phải cho cả tấn quả. “Công việc hái quả, dọn dẹp cũng là cả vấn đề" - Cụ từ già này nói.

"Vẫn biết, cây muỗm là loại cây có thể sống lâu hàng trăm năm, nhưng để có một vườn cây tồn tại đến tuổi nghìn năm mà vẫn giữ nguyên vẹn cả một quần thể đầy đủ như thế này thì hiếm có lắm. 1.000 năm qua, Thủ đô mình chứng kiến bao nhiêu cuộc chiến tranh rồi thiên tai và sự dai dẳng của thời gian vậy mà vườn cây này vẫn trụ vững. Và cho đến giờ thì vườn cây đã trở thành vô giá " -  cụ May tâm sự.

Vườn cây nghìn năm tuổi giữa Hà Nội ảnh 2
Người sống gần 1 thế kỷ bên cạnh cây cổ thụ gần 10 thế kỷ.

Mấy chục năm nay, cụ vẫn nhổ cỏ dại chăm sóc cho vườn cây không một ngày ngơi nghỉ. Cụ kể rất nhiều khách thập phương vào đền đi lễ và tham quan vườn cây, không ít du khách đã ngỡ ngàng khi biết được những cây muỗm khổng lồ này đã được trồng trong khuôn viên đền cách đây gần 1.000 năm.

Làm sao xác định tuổi cây?

Khi đặt vấn đề về việc làm sao mà xác định được độ tuổi chính xác của vườn cây muỗm này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng ban quản lý đền Voi Phục cho biết rằng: "Ngôi đền Voi Phục ngày nay được lập vào cuối đời Trần để thờ hoàng tử Linh Lang, sinh tại làng Thụy Chương (thuộc phường Thụy Khuê hiện tại) bên hồ Dâm Đàm (tức Hồ Tây) đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống quân ngoại xâm (1076-1077). Tuy nhiên trong sử sách lưu truyền lại thì không có đề cập đến trồng 9 cây muỗm này vào năm nào cả. Cho nên trước đây, chúng tôi chỉ đoán chừng chừng độ tuổi chứ không biết chính xác nó là bao nhiêu".

Ngay sau khi Hoàng tử Linh Lang hy sinh, vua truyền cho 269 làng, xã, tất cả những nơi mà ngài từng ở, đóng quân, đi qua... phải lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ngài. Thụy Chương là nơi sinh ra đức thánh Linh Lang, nên ngay khi ông mất, nhân dân đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ. Sau đó một thời gian, làng Thủ Lệ, nơi Linh Lang từng ở, cũng xây dựng một ngôi đền và cũng đặt tên là Voi Phục. Theo quy ước ngày xưa, ngôi đền nào cùng tên, cùng thờ một người, thì ngôi đền xây sau sẽ phải nhỏ hơn ngôi xây trước. Chính vì vậy, quy mô ngôi đền Voi Phục ở Thủ Lệ nhỏ hơn so với đền Voi Phục - Thụy Khuê.

Chuyện trồng những cây muỗm quanh ngôi đền này ra sao không được sử sách nhắc đến, suy cho cùng bởi đó là chuyện hết sức bình thường, đền chùa nào mà chẳng trồng cây, vừa lấy bóng mát, lại tảo vẻ thanh bình, uy nghiêm.

Vẫn biết theo lẽ thường, sau khi xây dựng xong đền, người ta thường trồng 9 cây xung quanh để rủ bóng che đền, tạo không gian mát mẻ, trong lành.

Những cây được trồng trong đền, chùa thường là đa, bồ đề, muỗm, đại, là những loài có sức sống mãnh liệt, tuổi thọ cao, to lớn, tán lá rộng... nhưng không ai dám tin rằng cả vườn cây này đã được trồng ngay từ thưở lập đền. Bởi đã gần trọn 10 thế kỷ.

Ẩn số bấy lâu của nhiều đời người dân nơi đây được vén màn bởi một đoàn khảo sát của cơ quan môi trường thế giới đến thăm đền.

Ông Tùng kể, năm 1999, có một đoàn 10 người, trong đó có một người phiên dịch, một nhà khoa học của Việt Nam, còn lại đều là người nước ngoài tìm vào đền Voi Phục - Thụy Khuê.

Họ giới thiệu với ông Tùng rằng, họ là đoàn khảo sát môi trường quốc tế, sang Việt Nam để tìm hiểu về cây cổ thụ và nhờ ông tạo điều kiện để họ khảo sát. Sau khi được ban quản lý đồng ý, họ đã bắt tay vào ngay.

Sau khi làm công tác khảo sát, đo đạc tán lá, thân cây, thậm chí, họ dùng máy khoan với cái mũi khoan trông rất lạ chọc thủng thân cây, họ đưa ra kết luận khiến ông Tùng và các cụ già trông đền... sửng sốt: "Những cây muỗm trong đền có tuổi ít nhất là 700 năm, nhiều có thể đến gần 1.000 năm. Để đưa ra con số chính xác, thì phải nghiên cứu kỹ hơn".

Một nhà khoa học hỏi ông Tùng: "Trong sử sách Việt Nam thường các chùa chiền, miếu mạo, đình đền mỗi khi lập đều có trồng cây và cụ thể là trồng 9 cây sao đền này chỉ có 8 cây. Có khi đã có một cây bị đốn hoặc chết rồi".

Nghe nhà khoa học kia nói vậy, ông Tùng chỉ sang bên kia đường nói : "Còn một cây nữa ở bên kia đường. Trước đây khuôn viên đền rộng sang tận bên kia. Cây muỗm bên đường kia được trồng cạnh cái giếng ngọc của đền. Đáng tiếc là giếng đã bị phá bỏ".

Sở dĩ, cây muỗm còn lại nằm đơn độc một mình bởi vì cách đây mấy chục năm, con đường Thụy Khuê mở ra, xuyên qua mặt đền, nên cây muỗm đã bị con đường chia cắt khỏi khuôn viên đền. Quả thật giữa khu nhà dân cao tầng có một cây muỗm nữa bị "chôn" chặt cứng bởi những bức tường.

Theo ông Tùng, hiện ban quản lý đền đang nỗ lực để có biện pháp bảo vệ cây muỗm này khỏi bị xâm hại. Cây muỗm này cũng có tuổi thọ tương đương 8 cây trong vườn đền, nhưng nó chỉ còn cái thân với vài cành loe hoe, vì bị người ta chặt cành xây nhà lấn chiếm.

Ông Tùng còn kể thêm rằng, ngay cả những nhà khoa học nước ngoài từng nghiên cứu vườn muỗm trong đền Voi Phục - Thụy Khuê thuộc dự án khảo sát cây xanh của Liên Hiệp Quốc đã đi nhiều, đến nhiều nơi trên thế giới để nghiên cứu nhưng sau khi xác định độ tuổi của vườn muỗm này, hầu hết họ đều tỏ ra bất ngờ, không ít người còn trầm trồ bảo rằng đây là di sản vô giá của Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm.

Cũng theo ông, kết luận của họ là đáng tin, vì họ có phương tiện máy móc hiện đại, chuyên nghiệp.

Theo Quang Thành
Gia đình Xã hội

MỚI - NÓNG