Xả hơi câu cá giữa trùng khơi

Xả hơi câu cá giữa trùng khơi
TP - Trong chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa, khi tàu HQ936 “nghỉ xả hơi” giữa đại dương, chúng tôi may mắn được các thủy thủ trên tàu HQ936 cho thưởng thức những màn “rượt đuổi” của loài cá chuồn và hồi hộp, hấp dẫn với những lần kéo cá cắn câu...

Nổi tiếng nhất về tài “sát cá” là đại tá Nguyễn Văn Liên, Phó chỉ huy trưởng Vùng D. Đại tá Liên nói, thấy biển cả nhiều cá thế chứ không phải dễ câu đâu. Để câu được con cá to là cả một quá trình khó khăn, đòi hỏi người câu phải có kinh nghiệm và “mát tay”.

Bước đầu tiên là phải kiếm mồi. Công đoạn này được cho là hấp dẫn nhất bởi vì mồi câu những con cá lớn chính là những con cá bé, mà cá chuồn và mực ống là miếng mồi hấp dẫn nhất.

Để bắt được cá chuồn làm mồi, các thủy thủ phải sửa soạn rất nhiều bóng đèn sáng chói, chụp lại thành một chụp để rồi từ xa cá chuồn thấy ánh sáng lao đầu “bay” tới, lúc đó mới dùng vợt để bắt. Cá chuồn bay rất nhanh và điệu nghệ, cả trên và dưới mặt nước, thế mà dưới đôi tay thoăn thoắt của các thủy thủ chúng đều nằm gọn vào vợt.

Công đoạn tiếp theo, người câu dùng lưỡi câu móc vào đầu cá rồi lấy đà quẳng mồi ra thật xa. Câu cá biển không dùng cần như câu cá trên đất liền, mà dùng  một cuộn dây cước vắt qua thành tàu, kéo lên hạ xuống liên tục để “mơn trớn” và thu hút sự chú ý của những con cá lớn.

Nếu cá lớn “tia” được con mồi thì chúng sẽ nuốt chửng và bơi đi xa. Công đoạn này là quan trọng nhất, đòi hỏi người câu phải có kinh nghiệm và cẩn trọng mới mong bắt được cá lớn.

Theo đại tá Liên, lúc cá cắn câu, nó sẽ giật mạnh dây cước, lúc đó mình đừng vội kéo lên, nếu kéo lên ngay lập tức cá sẽ bị tuột. Phải “nương” cho cá một đoạn cước, vừa thả vừa giật dây nhẹ nhẹ, để lưỡi câu càng ăn sâu vào cá. Khoảng chừng 30 giây là tiến hành kéo. Phải kéo đều tay và dứt khoát, vì lúc này cá mắc câu nên vùng vẫy rất mạnh.

Đang nói chuyện với chúng tôi, bất ngờ đôi tay của đại tá Liên thoăn thoắt kéo sợi cước. Một thủy thủ trẻ cho biết là cá đã cắn câu rồi đấy. Khoảng chừng 3 phút, đại tá Liên kéo lên một con cá thu gần 10kg nhưng vẫn chưa hài lòng.

Theo lời kể của các thủy thủ trên tàu thì đại tá Liên từng câu được rất nhiều cá to. Có con nặng tới 20-30 kg, lúc kéo lên gần mặt nước phải có sự hỗ trợ của 4-5 người mới kéo lên boong tàu được.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Sửu cho biết, có lần đại tá Liên câu được con cá mập nặng gần 200 kg. Cũng có lần câu được mấy chú cá heo, nhưng vì cá heo là bạn nên chúng đều được thả về đại dương.

Cá nhựa câu cá thật !

Hôm sau tàu HQ936 cập đến nhà giàn Huyền Trân hay còn gọi là nhà giàn DK1-7, thuộc khu khai thác dầu khí, tọa lạc trên miệng núi cách mặt nước vài chục mét. Nhà giàn được dựng trên những chiếc cột chắc chắn gia cố bằng những tảng bê tông lớn để ngăn sóng. Làn nước xanh trong văn vắt bên dưới “khoe” từng đàn cá nhởn nhơ bơi lội.

Các thủy thủ chỉ dùng dây câu mồi giả mắc đầy những con cá nhựa thả xuống, mà liên tục giật lên những chú cá to. Tiếng cười thích chí của các anh vang lên tới tận nhà giàn.

Lên đến nơi cao nhất, chỉ huy trưởng nhà giàn DK 1-7, thiếu tá Nguyễn Xuân Hà hỏi “Đã thấy cái ao của chúng tôi chưa ?”. Tôi ngạc nhiên, chỉ nói rằng ở chân nhà giàn cá nhiều vô kể. Thiếu tá Hà cười bảo “Em xuống lại mà xem, ở chân nhà giàn đấy !”.

Tò mò, tôi theo xuống. Quả thực đứng từ trên nhìn xuống, chân nhà giàn quây lại như một cái ao nhỏ nuôi đầy cá, to có, nhỏ có, ngắn có, dài có lượn lờ như ở chỗ không người.

Ở đây thịt heo, thịt bò…thì thiếu nhưng cá thì nhiều vô kể, cần đâu là xuống câu tới đó. Mỗi tháng trung bình cũng được 80-100 kg cá, ăn không hết có khi dùng làm nước mắm cực kỳ ngon.

Ấn tượng nhất là những chú các thu, cá nhồng dài tới 1 mét, thậm chí các anh đã từng câu con cá thu dài tới 1,5 mét, nặng tới hơn bốn chục ký. “Các anh đã nhìn thấy cá mập bao giờ chưa ?” - Tôi hỏi.

Thiếu tá Hà nói: “Thấy rồi, nó hiền lắm mà !”. Như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, anh tiếp: “Nhưng lúc nào mà có mùi máu thì nó nhanh lắm, xa đến hàng cây số nó cũng mò đến”.

Câu cá giữa đại dương là một thú rất riêng mà không ai cũng có cơ hội để thử. Mỗi chuyến tàu ra với Trường Sa, những đêm neo tàu lại giữa biển khơi mịt mùng, những người thủy thủ lại háo hức với chuyện câu cá. Đây cũng được xem như là phút giải trí và thư giãn thú vị của những người lính biển. Nhưng nó cũng một phần nào tăng thêm thu nhập cho họ. 

MỚI - NÓNG