Xã hội đòi hỏi công bằng, công khai, minh bạch

Xã hội đòi hỏi công bằng, công khai, minh bạch
TP - Bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Nghị xung quanh vấn đề cải cách hành chính tại Thủ đô và giải quyết việc bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 52 Tuệ Tĩnh.

>> Một Phó Chủ tịch TP Hà Nội đã ký quyết định cấp “sổ đỏ” cho ông Thúy

>> Lãng phí biệt thự công

>> Bộ trưởng Xây dựng : Bán nhà công vụ đâu phải dễ!

Xã hội đòi hỏi công bằng, công khai, minh bạch ảnh 1
Ông Phạm Quang Nghị

Thành ủy trước đây cũng đã nói nhiều đến cải cách hành chính, nhưng chuyển biến trên thực tế chưa đáng kể. Vậy lần này, thành phố sẽ tập trung chủ yếu vào công việc gì để thực sự tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính tại Thủ đô?

Lần này thành phố sẽ tập trung vào hai khâu quan trọng nhất.

Thứ nhất là rà soát lại các quy định, các thủ tục để xem cái gì rườm rà không cần thiết thì phải bỏ. Những cái cần có thì phải công khai, minh bạch để mọi người được biết. Cần phải rõ ràng được làm cái gì, không được làm cái gì.

Thứ hai là phải nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Điều này trên thực tế còn quan trọng hơn cả khâu thứ nhất.

Bởi lẽ, nếu anh luôn có tư tưởng xin cho, sách nhiễu, luôn nuôi tư tưởng ăn chặn, tham ô, lãng phí thì việc đúng anh cũng không muốn làm, văn bản rõ rồi anh cũng không thực hiện và tìm ra nhiều lý do để trì hoãn, để hành dân. Nhưng nếu có tinh thần phục vụ nhân dân thì dù có khó khăn anh cũng tìm cách tháo gỡ.

Cải cách hành chính luôn đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, nếu thông thoáng quá đôi khi lại bị lợi dụng. Vừa rồi tại Hà Nội, có thể vì thông thoáng trong cải cách hành chính mà Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho ông Hoàng Văn Nghiên, khi Sở này thừa biết rằng biệt thự đó không nằm trong diện được bán theo Nghị định 61?

Về việc này, nguyên nhân không bắt nguồn từ sự thông thoáng của cơ chế. Lãnh đạo thành phố sẽ có ý kiến chính thức về việc này trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, tôi thấy ngoài nguyên nhân chủ quan cũng có nguyên nhân do những quy định hiện hành về nhà ở, đất ở cho cán bộ chưa đủ cụ thể, rõ ràng, mỗi thời kỳ, mỗi đối tượng lại vận dụng, giải quyết một khác.

Từ đó, có trường hợp người thực hiện giải quyết chính sách cũng như người được giải quyết đều muốn mình vận dụng theo phương án có lợi nhất. Trong trường hợp này, các bên cần phải tự mình xem xét kỹ việc gì có thể được, việc gì là không thể được. Nhất là ở đây cái được và không được, nên và không nên có liên quan không chỉ đến tiền bạc, lợi ích mà còn là vấn đề nhạy cảm, khiến cả xã hội phải quan tâm.

Được biết chiều 2/10, Thường trực Thành ủy đã họp bàn về vấn đề này?

Đúng là chúng tôi vừa họp để nghe báo cáo về việc này, nhưng để có quyết định cuối cùng, chúng tôi giao lại cho cơ quan tham mưu rà soát lại tất cả các chế độ chính sách hiện hành của thành phố Hà Nội và của trung ương để xem cần phải giải quyết như thế nào cho đúng.

Nói tóm lại, tới đây thành phố sẽ phải giải quyết đối với biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và nhà số 52 Tuệ Tĩnh theo đúng chế độ, chính sách hiện hành.

Người nào được chế độ như thế nào thì được hưởng đúng như thế. Công ra công, tư ra tư. Xã hội đòi hỏi sự công bằng, công khai, minh bạch. Chúng ta quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của mọi người, nhưng phải dựa trên cơ sở chế độ, chính sách của Nhà nước, chứ tuyệt đối không thể tùy tiện.

Thưa ông, chắc chắn tới đây Hà Nội sẽ giải quyết vấn đề nhà ở của một số vị lãnh đạo chủ chốt theo đúng chính sách hiện hành. Tuy nhiên, việc các đơn vị tham mưu lại đưa ra các “đề nghị xem xét” bán nhà lạ lùng thì sẽ phải được xử lý ra sao?

Có thể những công văn trao đổi vừa qua là do trình độ, năng lực, vận dụng chế độ chính sách yếu kém. Cũng có thể là do anh em nể nang, các cơ quan tham mưu không dám nói rõ chính kiến của mình.

Vậy quan điểm xử lý số cán bộ này ra sao, thưa ông?

Vừa qua mới chỉ là đề nghị thì phải chấn chỉnh, nhắc nhở và yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm, trình độ trong công tác tham mưu. Nếu thấy việc khó, vượt quá thẩm quyền thì lẽ ra phải báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo. Còn nếu họ đã tự tiện giải quyết sai thì phải xử lý kỷ luật và phải sửa lại quyết định. Vừa rồi, dường như họ mới đang thăm dò phản ứng của lãnh đạo thành phố. Đây là ý kiến đề xuất bất lợi cả cho người được quan tâm đề xuất và cho cái chung.

Tuy nhiên, nếu như vụ việc không được các cơ quan ngôn luận lên tiếng kịp thời thì chắc chắn việc mua bán đã trót lọt?

Nếu như báo chí không nêu lên thì có hai khả năng xảy ra.

Một là, họ thực hiện sai, đặt mọi người trước sự việc đã rồi; Thứ hai là nếu lãnh đạo biết thì chúng tôi nhất định sẽ cho dừng lại.

Về phía lãnh đạo thành phố, tôi khẳng định rằng, nếu lãnh đạo được báo cáo việc bán biệt thự này thì nhất định sẽ phải yêu cầu dừng lại vì hiện nay chủ trương của Nhà nước không cho phép bán biệt thự cho cán bộ.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.