Xã hội hóa đường sắt: Hành khách lợi gì?

Xã hội hóa đường sắt: Hành khách lợi gì?
TP - Cho tư nhân thuê hành trình chạy tàu; đấu thầu việc cung ứng suất ăn trên tàu; ưu tiên giờ đẹp, tuyến chạy tàu đông khách cho tư nhân ảnh hưởng gì tới quyền lợi khi đi tàu của người dân?
Xã hội hóa đường sắt: Hành khách lợi gì? ảnh 1

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng (ảnh) trả lời PV Tiền Phong.

Thưa ông, tư nhân đang tham gia kinh doanh những gì trong ngành đường sắt?

Hiện có khoảng 10 công ty kinh doanh vận tải khách trên các tuyến, khoảng 2-3 công ty kinh doanh vận tải hàng hóa. Có nhà đầu tư tự thuê toa xe hoặc phối hợp với Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) thuê toa xe và được giao bán vé.

Trên thực tế, xã hội hóa có những cái tư nhân làm hiệu quả hơn chúng tôi. Ví dụ chính sách bán vé của tư nhân khác hẳn. Khi không có khách, tư nhân sẵn sàng hạ giá vé rất thấp; đông khách thì họ bán vé giá cao.

Mình phải coi đó là bình thường, chứ không nên thắc mắc vì sao vé của họ đắt, vé đường sắt thấp hơn. Từ 1-7 tới đây, các Cty vận tải hàng hóa đường sắt sẽ cổ phần hóa.

Trước mắt, ĐSVN sẽ cổ phần hoá những đơn vị này theo hướng họ chỉ quản lý toa xe. Các công ty cổ phần (hoặc tư nhân) tự tổ chức kinh doanh, chỉ trả phí điều hành và phí cơ sở hạ tầng theo quy định của Nhà nước.

Hiện Cty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt liên doanh với Cty Cổ phần Nissin Corporation (Nhật Bản) đưa 15 toa xe vào vận chuyển ô tô Bắc Nam. Tới đây, hai đơn vị này còn dự định hợp tác đóng các toa xe chuyên chở container.

Nghe nói, tới đây ngành đường sắt sẽ tổ chức đấu thầu cấp suất ăn trên tàu hỏa?

Ngày trước, suất ăn nằm trong giá vé. Sau này, chúng tôi thấy việc này không phù hợp nữa. Một điểm dễ nhận thấy là, một suất ăn như thế, người ta bán bình thường chỉ 15 nghìn đồng nhưng lại tính gần 30 nghìn đồng.

Như vậy, chúng tôi phải trả gần gấp đôi một suất ăn khi bán cho khách. Từ đó, ĐSVN mới đề nghị Bộ Tài chính cho tách suất ăn khỏi giá vé tàu.

Năm 2008, ngành đường sắt đã thử nghiệm tách suất ăn trên một số đôi tàu, năm 2009 tách toàn bộ. Tổng kết một năm không phải trả tiền cho suất ăn trong giá vé, ngành đường sắt giảm chi gần 100 tỷ đồng.

Từ năm nay, ngành đường sắt bắt đầu tổ chức đấu thầu cung cấp suất ăn trên tàu một cách rộng rãi, không phải hỗ trợ nữa mà ngược lại các doanh nghiệp trúng thầu phải nộp lại tiền cho ĐSVN.

Hiện có một số đơn vị đề nghị nộp cho ĐSVN mỗi toa xe chạy một chuyến Hà Nội-TPHCM là 3 triệu đồng, một đơn vị khác lại đề nghị trả hơn 1 triệu đồng, nên tới đây sẽ tổ chức đầu thầu rộng rãi. Chắc chắn lúc đó, việc phục vụ ăn uống trên tàu sẽ tốt hơn.

Những đối tượng nào sẽ được tham gia đấu thầu, thưa ông?

Các đơn vị tham gia đấu thầu suất ăn chỉ cần có giấy phép kinh doanh ăn uống, còn các hoạt động trên tàu sẽ được ngành đường sắt giúp đỡ, tổ chức đào tạo. Giá cả do đơn vị cung ứng và hành khách thỏa thuận. Tất nhiên, tổng công ty cũng khống chế một mức giá nào đó nhưng sẽ có một mức cao hẳn lên để đáp ứng nhu cầu của khách.

Sắp tới đây, những dịch vụ không liên quan tới vận tải thì được tách ra và cổ phần hóa. Một khi đã cổ phần hóa, hoạt động của doanh nghiệp sẽ linh động hơn trong việc cung ứng sản phẩm tới khách hàng. Trường hợp tàu gặp mưa bão, dù tư nhân cung ứng suất ăn thì ngành đường sắt cũng bao cấp miễn phí cho hành khách.

Bán hết chỗ đẹp, tuyến đông khách cho tư nhân, khi đó những dịp đông khách (ngày lễ, tết), nhà tàu bắt chẹt hành khách, đẩy giá vé cao thì sao?

Về nguyên tắc, xã hội hóa có cái lợi thì cũng có cái hại. Mình cũng đã trình cho Nhà nước và đã được chấp thuận giá vé ngồi cứng do nhà nước quản lý, do đó không ai có thể tăng tuỳ tiện được. Còn giá vé các loại khác có tiện nghi và chất lượng cao hơn thì Nhà nước không quản và khách hàng tự quyết định.

Đình Thắng
Thực hiện

MỚI - NÓNG