Xã hội hóa ở bệnh viện công: Nhiều chiêu móc túi bệnh nhân

Nhiều hợp đồng XHH tại Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ phải thanh lý trước hạn
Nhiều hợp đồng XHH tại Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ phải thanh lý trước hạn
TP - Chiều qua (5/5), HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện giám sát việc xã hội hóa trong bệnh viện công tại Hà Nội. Bên cạnh những thành công, việc xã hội hóa các cơ sở y tế này đang bộc lộ nhiều bất hợp lý, méo mó, gây thiệt hại cho người bệnh...

Chỉ tập trung vào dịch vụ lợi nhuận cao

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến tháng 4/2014 có 48 đề án xã hội hóa (XHH) đang hoạt động dịch vụ y tế tại các bệnh viện với tổng vốn thu hút được 236,61 tỷ đồng và đã đạt nhiều thành tích đáng kể. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, chỉ tiêu huy động vốn XHH thực hiện Đề án hiện đại hoá thiết bị y tế đến năm 2015 đạt rất thấp so với kế hoạch. 

Kế hoạch huy động vốn từ năm 2009-2015 là 1.734 tỷ đồng nhưng đến tháng 4/2014 mới chỉ huy động được hơn 155,9 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch. Đoàn giám sát của HĐND thành phố cũng phát hiện việc công khai kế hoạch, danh mục dự án kêu gọi XHH đầu tư còn hạn chế. 

Lĩnh vực mũi nhọn ưu tiên thu hút đầu tư chưa đạt mục tiêu đề ra. Các bệnh viện chủ yếu thu hút đầu tư đối với lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa và huyết học, đây là những lĩnh vực có điều kiện thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Đối với những chuyên khoa khác như lĩnh vực chống nhiễm khuẩn, lĩnh vực truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu... hầu hết chưa thu hút được đầu tư XHH.

100% các bệnh viện dùng tài sản được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để góp vốn thực hiện liên doanh, liên kết đều không tính giá trị tài sản và không trích khấu hao theo quy định.

Một số hợp đồng kinh tế của một số bệnh viện ký kết với đối tác chưa chặt chẽ theo quy định, thời gian thực hiện hợp đồng quá dài không phù hợp với chu kỳ kinh doanh và đổi mới trang thiết bị cũng như thời gian thực tế thu hồi vốn của trang thiết bị và quy hoạch phát triển bệnh viện. 

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho hay, trong khi nhiều bệnh viện trong tình trạng quá tải giường điều trị nhưng vẫn “cắt” diện tích đáng kể các buồng bệnh được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để kê giường điều trị theo yêu cầu đã làm tăng quá tải bệnh viện, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách.

“Giường dịch vụ XHH phải được lấy từ các nguồn đầu tư thêm chứ không thể lấy ra từ việc thu hẹp diện tích dành cho bệnh nhân hiện có theo quy định”-ông Nam kiến nghị.

“Xã hội hóa phải tập trung vào nhiệm vụ và chức năng chính được giao chứ không phải là muốn mở thêm nhà hàng, quán bia thì mở”.

Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu tại buổi giám sát

Cũng theo HĐND thành phố, việc xác định cơ cấu giá dịch vụ trong liên doanh liên kết còn nhiều bất hợp lý, chưa tính khấu hao tài sản cố định, trong khi đó giá trị khấu hao tài sản là máy móc thiết bị của đối tác đưa vào giá dịch vụ chiếm tỷ lệ cao, đẩy giá dịch vụ lên, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người bệnh.

Có bệnh viện còn giao cho đối tác cung ứng vật tư tiêu hao hoặc bệnh nhân tự mua không đúng quy định. Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Hoè Nhai là 2 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, hai đơn vị này hiện tự quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh thuộc liên doanh liên kết đều chưa được cơ quan tài chính thẩm định, UBND thành phố quyết định là chưa đúng quy định.

Sẽ xử lý nhiều hợp đồng “có vấn đề”

Vấn đề cần giải quyết ngay hiện nay đó là phải sớm xử lý các hợp đồng XHH do các bệnh viện ký với doanh nghiệp, cá nhân nhưng không có lợi cho việc chăm sóc sức khỏe người bệnh. HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Bệnh viện Thanh Nhàn thanh lý 3 dự án XHH trước thời hạn hợp đồng. 

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, những tồn tại trong XHH phải được xử lý dứt điểm, không thể chấp nhận tình trạng liên kết 10 năm rồi mà vẫn cứ ăn chia tỷ lệ 70/30 được (bệnh viện thu 30%, bên hợp tác đầu tư thu 70% lợi nhuận-PV). 

Nhiều hợp đồng ký từ năm 2005 mà thời hạn kéo dài tới 20 năm là bất hợp lý và phải được xem xét lại ngay. “Ngay cả nhà ăn của Bệnh viện Thanh Nhàn cũng ký hợp đồng XHH đến 20 năm. Còn lại hầu hết đều ký thời hạn tới 10 năm”, bà Ngọc bức xúc.

Một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng, đang có nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau về XHH trong bệnh viện công. “Đảm bảo chi phí thường xuyên không phải vì vậy mà thu phí cao lên. Các bệnh viện phải phát huy lợi thế cạnh tranh, những dịch vụ chất lượng cao”-ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế ngân sách phân tích. 

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị UBND thành phố, Sở Y tế, Sở KH&ĐT phải rà soát lại toàn bộ các hợp đồng XHH để làm rõ dự án nào tiếp tục, dự án nào phải điều chỉnh...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.