Xã hội hóa trong bệnh viện: Ngậm trái đắng

Bệnh viện quận Tân Phú, nơi thực hiện liên kết làm phòng vật lý trị liệu.
Bệnh viện quận Tân Phú, nơi thực hiện liên kết làm phòng vật lý trị liệu.
TP - Bệnh viện “góp” đất,  nhân sự, doanh nghiệp góp thiết bị y tế và tiền bạc để làm nên công trình gọi là “xã hội hóa”. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, kiện tụng đã xảy ra do việc “ăn chia” không như mong muốn. Câu chuyện xảy ra ở Bệnh viện quận Tân Phú, TPHCM khiến bức tranh xã hội hóa ở bệnh viện công càng thêm tối màu.  

Lùm xùm “ăn chia”

Tháng 10/2012 bà Lê Thị Mộng Thường - Giám đốc Cty TNHH Tấn Dũng ở TPHCM đã liên kết với Bệnh viện quận Tân Phú để xã hội hóa phòng xét nghiệm, ăn chia tỷ lệ trong thời gian 5 năm. Ngày 16/10/2012, hợp đồng liên kết làm ăn được ông Đinh Thanh Hưng, Giám đốc bệnh viện ký với Cty TNHH Tấn Dũng. Theo hợp đồng, phía bệnh viện đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất để Cty TNHH Tấn Dũng đưa thiết bị máy móc vào hoạt động trong phòng
xét nghiệm.

Cty TNHH Tấn Dũng có trách nhiệm vận hành thử các máy móc, thiết bị y tế tại phòng xét nghiệm, chịu trách nhiệm đào tạo và hướng dẫn sử dụng các máy móc, thiết bị cho các bác sĩ, kỹ thuật viên của bệnh viện trong thời gian 90 ngày kể từ ngày vận hành thử nghiệm. Trách nhiệm của bệnh viện là “chỉ định bệnh nhân và thu tiền viện phí”. Theo hợp đồng được ký kết, hằng tháng và hằng quý, hai bên cùng quyết toán. Năm đầu tiên, Cty được hưởng 58%, bệnh viện 42%. Từ năm thứ 2 trở đi, tỷ lệ “ăn chia” giảm xuống khi Cty hưởng 55%, bệnh viện lên 45%.             

Đại diện Cty TNHH Tấn Dũng cho biết sau khi Cty ký hợp đồng với bệnh viện đã đầu tư máy móc trong thời gian 6 tháng đầu kể từ ngày ký hợp đồng với số tiền 2,4 tỷ đồng. Sau 6 tháng hợp tác, trong lúc “ăn nên làm ra” thì phía bệnh viện gây khó dễ để Cty tự tìm cách rút lui. “Phía bệnh viện cũng không chi phần lợi nhuận như đã cam kết cho Cty. Nhiều lần đòi quyền lợi thì phía bệnh viện lảng tránh”, đại diện Cty này cho biết.

Bà Mộng Thường cho biết, giám đốc bệnh viện yêu cầu Cty rút máy ra khỏi phòng xét nghiệm và hứa sẽ đền bù theo hợp đồng. “Tin lời ông Hưng, phía Cty rút máy ra mà không có biên bản rút máy. Sau khi đã rút hết số máy móc thiết bị của Cty ra khỏi phòng xét nghiệm, phía bệnh viện không thực hiện lời hứa đền bù thỏa đáng. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu bồi thường nhưng phía bệnh viện ngó lơ. Hiện tại, toàn bộ máy móc thiết bị có giá trị gần 2,4 tỷ đồng của Cty nằm kho, hư hỏng toàn bộ”, đại diện Cty cho hay.

Bà Thường không phải là nạn nhân duy nhất. Mới đây bà Tôn Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Việt Phước ở quận Tân Phú cho biết “mất tiền nhưng không biết kêu ai” sau khi xã hội hóa làm ở phòng vật lý trị liệu đặt tại bệnh viện. Bằng hình thức xã hội hóa, bệnh viện giao đất và nhân sự, phía doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư, ngày 1/11/2012 hai bên đã ký hợp đồng. Theo đó, Bệnh viện quận Tân Phú góp vốn bằng 100m2 đất tại số 34 Trần Văn Giáp, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú trong khi bà Lệ góp vốn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị với tổng mức ban đầu là 2,5 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tỷ lệ “ăn chia” sau khi trừ mọi chi phí trong hợp đồng được phía bệnh viện chia lại cho bên bà Lệ 35% lợi nhuận, bệnh viện hưởng 65%. Theo bà Lệ, sau khi phòng vật lý trị liệu đi vào  hoạt động ông Hưng lấy quyền giám đốc bệnh viện để thao túng tất cả.

“Nhân sự của phòng này hoàn toàn do ông Hưng tuyển chọn và làm việc dưới sự lãnh đạo của mình. Chúng tôi hoàn toàn không được quyền giám sát trình độ chuyên môn của kỹ thuật viên hay bác sỹ như hợp đồng đã quy định. Trong khi thu chi tài chính có quyết toán hay không thì chúng tôi cũng không hay biết. Ông Hưng chưa bao giờ thông báo số liệu tài chính như hợp đồng quy định”, bà Lệ phản ánh và nói thêm đến thời điểm này phía phòng khám hoàn toàn không được chia một đồng lợi nhuận nào.

Tiền vào túi ai?

Theo bà Lệ với chủ trương “liên kết liên doanh làm ăn” để giúp người bệnh nhưng sau những lùm xùm, phía phòng khám đã không dưới 10 lần yêu cầu giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú quyết toán hoạt động kinh doanh nhưng đều bị phớt lờ. “Chúng tôi liên tục gởi công văn yêu cầu Bệnh viện quận Tân Phú báo cáo thu chi phòng vật lý trị liệu từ lúc hoạt động đến nay nhưng chỉ nhận được sự im lặng”, bà Lệ cho hay.  Vì tin tưởng ông Hưng là giám đốc bệnh viện nên mới ký kết hợp đồng hợp tác, đầu tư đúng theo hợp đồng đâu ngờ hơn hai năm nay không được biết thu chi của phòng khám là bao nhiêu, chia lợi nhuận cũng không.

Xã hội hóa trong bệnh viện: Ngậm trái đắng ảnh 1

Bà Tôn Thị Mỹ Lệ nói như khóc khi trình bày với phóng viên về việc bị “lừa” trong xã hội hóa ở Bệnh viện quận Tân Phú.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú thừa nhận có liên kết xã hội hóa với Phòng khám Đa khoa Việt Phước do bà Lệ làm giám đốc để mở phòng vật lý trị liệu từ ngày 1/11/2012. “Chúng tôi xã hội hóa đúng chủ trương của nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động đã có một số mâu thuẫn”, ông Hưng thừa nhận. 

Lý do không “chia” cho Phòng khám Đa khoa Việt Phước đúng số tiền thu nhập được hưởng do phòng khám chưa góp đủ phần vốn đã được quy định. Ông Hưng cho rằng phòng khám của bà Lệ chỉ mới góp vốn được gần 1,2 tỷ đồng, đúng theo hợp đồng phải đủ 2,5 tỷ đồng. Do đó chỉ có thể được hưởng thu nhập theo tỉ lệ 1,2 tỷ đồng đã đầu tư nhưng bà Lệ không đồng ý.

“Chúng tôi đã làm việc nhiều lần nhưng không đi đến kết quả thống nhất”, giám đốc bệnh viện nói. Theo ông Hưng hiện nay số tiền lợi nhuận tồn đọng là gần 3 tỷ đồng, có được từ hoạt động của phòng vật lý trị liệu đã được phong tỏa và gửi tại kho bạc Nhà nước để quản lý, chưa chi cho bên nào cả?!

Phóng viên đặt vấn đề về lùm xùm khi liên kết xã hội hóa với Cty TNHH Tấn Dũng trong hoạt động của phòng xét nghiệm thì ông Hưng nói: “Khi tham quan mô hình xã hội hóa phòng xét nghiệm ở Bệnh viện quận Thủ Đức thấy hay nên nơi đây đã giới thiệu Cty TNHH Tấn Dũng để Bệnh viện quận Tân Phú ký hợp tác liên kết”. Ông Hưng khẳng định không có chuyện bà Tôn Thị Mỹ Lệ, đại diện Phòng khám Việt Phước mời Cty Tấn Dũng đứng ký hợp đồng với Bệnh viện quận Tân Phú.

Tuy nhiên, khi làm việc với PV Tiền Phong, bà Lệ khẳng định bà là người đã mời Cty Tấn Dũng đứng ra ký hợp đồng liên kết với bệnh viện. Tại buổi làm việc với PV, người đại diện Công ty TNHH Tấn Dũng khẳng định thông qua bà Lệ, bệnh viện mới ký hợp đồng liên kết. Nhưng thực tế đến nay việc “ăn chia” đã không được bệnh viện thực hiện theo cam kết và hợp đồng. 

Giám đốc bệnh viện phải... rút kinh nghiệm

Dù việc liên doanh, liên kết ăn chia theo hình thức xã hội hóa vẫn đang lùm xùm, kết luận của Ủy ban kiểm tra Quận ủy Tân Phú mới đây cho biết: Việc làm của bệnh viện là “đúng quy trình”; “không thấy có hiện tượng hoặc dư luận phản ánh hành vi khuất tất, không minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tài chính ngân sách của bệnh viện”. Tuy nhiên, kết luận cũng yêu cầu ông Đinh Thanh Hưng nghiêm túc tự phê bình rút kinh nghiệm đồng thời yêu cầu giải quyết dứt điểm mâu thuẫn còn tồn tại với đối tác thực hiện việc liên kết tại phòng vật lý trị liệu.

MỚI - NÓNG