Xã hội hóa trồng cây xanh đường phố

Cây xanh tuyến phố Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.Ảnh: Như Ý.
Cây xanh tuyến phố Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.Ảnh: Như Ý.
TP - Hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường của Hà Nội sẽ được trồng mới, thay thế bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hàng tỷ đồng của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

Thí điểm trồng cây bằng tiền xã hội hóa 

Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, tuyến đường Vành đai 1 (đoạn từ hầm chui Kim Liên đến Hoàng Cầu) là một trong  những tuyến phố đầu tiên trên địa bàn thực hiện xã hội hóa thay thế cây xanh đô thị. “Trước đây ở tuyến đường này một số cây xanh đô thị được trồng nhưng cong nghiêng, xấu hoặc không thống nhất chủng loại. Trong tháng 8 vừa qua, sau khi được các sở, ngành thành phố thống nhất phương án cải tạo, trồng bổ sung, thay thế cây xanh phù hợp các tiêu chí chủng loại cây thay thế”, ông Việt cho biết.

130 cây sấu được trồng trên tuyến đường này với kinh phí trồng thay thế cây xanh được xã hội hóa do Cty cổ phần Bình Minh thực hiện.

Mới đây Hà Nội đã thông qua phương án tiếp tục thực hiện thay thế, di chuyển khoảng 200 cây xanh không đúng chủng loại cây đô thị, cây bị cong nghiêng, sâu mục có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị trên tuyến đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình) theo hình thức xã hội hóa. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 25/12, tại phố Kim Mã (đoạn từ ngã tư Daewoo đến ngã ba Kim Mã - Sơn Tây - Nguyễn Thái Học - PV) các đơn vị sẽ chặt hạ, di chuyển 56 cây xanh trên phố Kim Mã, trong đó chặt hạ 52 cây, di chuyển 4 cây. Tại phố Nguyễn Thái Học (đoạn từ ngã ba Kim Mã - Sơn Tây - Nguyễn Thái Học đến ngã ba Nguyễn Thái Học - Đình Ngang), các đơn vị sẽ thay thế, di chuyển 149 cây, trong đó chặt hạ 144 cây, di chuyển 5 cây. Kinh phí thực hiện là gần 3,5 tỷ đồng do Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành thực hiện.

Doanh nghiệp xung phong trồng cây

Đại diện Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành cho biết, hiện đang tiến hành chặt hạ các cây xanh cần thay thế theo hình thức cuốn chiếu, cắt cành, đào gốc ban ngày, còn buổi tối sẽ tiến hành trồng cây thay thế. Cụ thể, các loại cây chặt hạ trên hai tuyến phố này gồm: bằng lăng, bàng, phượng, xoan, muồng, trứng cá, dâu da..., còn các loại cây được trồng thay thế gồm: Thèn mét, bằng lăng, lát hoa. “Các cây được chúng tôi thay thế đúng chủng loại cây xanh đô thị đã được phê duyệt có đường kính khoảng 15cm. Và sau thời gian trồng đảm bảo sống, phát tán sẽ bàn giao cho Công ty Công viên cây xanh Hà Nội quản lý”, đại diện Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành cho biết.

Về con số kinh phí thực hiện là 3,5 tỷ đồng, theo ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Ban quản lý duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Hà Nội cho biết, đây chỉ là con số khái toán do doanh nghiệp công bố, còn số thực tế có thể sẽ ít hơn: “Vừa qua một số doanh nghiệp đã xung phong đóng góp vốn để trồng, chặt hạ, thay thế cây xấu, không hợp chuẩn trên nhiều tuyến đường để làm đẹp cho thành phố. Còn về con số kinh phí cụ thể như thế nào sẽ được các sở, ngành tính toán cụ thể”, ông Tuấn cho biết.

 Được biết, hiện nay trên địa bàn Thủ đô có trên 70.000 cây bóng mát với khoảng  trên 120 loài khác nhau như: xà cừ, bàng, sấu, phượng, chẹo, bằng lăng tím, muồng, sưa, sữa... “Hiện có nhiều tuyến phố cần phải thay thế dần các loại cây xanh đô thị cho phù hợp với chủng loại. Để thực hiện cần một lượng kinh phí rất lớn nên ngoài tiền ngân sách, thành phố đưa ra chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị tham gia dưới hình thức xã hội hóa. Thành phố đang xem xét cho các doanh nghiệp chặt hạ, thay thế cây mới sẽ tiếp tục được thực hiện tại các đường khác như Hàng Bài, Phố Huế...”, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết.

Theo ông Hiếu, hiện có nhiều đơn vị, doanh nghiệp xung phong đóng góp vốn để trồng, chặt hạ, thay thế cây xanh trên nhiều tuyến phố. Trong số này, chủ yếu là các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích, duy trì cây xanh. “Họ tham gia bỏ vốn trồng cây xanh đô thị dưới hình thức xã hội hóa, đổi lại họ sẽ được thành phố cho duy trì cây xanh trên tuyến phố đấy. Họ sẽ có khoản kinh phí hằng năm và tạo ra công việc cho nhân viên mình để duy trì cây xanh trong vòng 5 năm tuổi, sau đấy mới chuyển giao về cho đơn vị của thành phố”, ông Hiếu phân tích.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.