Xã vùng cao lao đao vì... vàng

Xã vùng cao lao đao vì... vàng
Vàng - ma túy - HIV đang tàn phá một xã nghèo vùng cao. Tiếng kêu than tuyệt vọng của người dân và cán bộ nơi đây như rơi vào thinh không...

Xã vùng cao lao đao vì... vàng

> Phá rừng tìm vàng

Vàng - ma túy - HIV đang tàn phá một xã nghèo vùng cao. Tiếng kêu than tuyệt vọng của người dân và cán bộ nơi đây như rơi vào thinh không...

Lán đào vàng ở Phiêng Chạng chiều 23-9. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thắng
Lán đào vàng ở Phiêng Chạng chiều 23-9. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thắng.

Để vào được xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ), cách trung tâm thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu chừng 110km phải trải qua rất nhiều chặng xe khác nhau: xe khách, xe ôm và đi bộ. Đường xấu và khó đi khiến Noong Hẻo càng trở nên khuất nẻo và như bị bỏ rơi.

Bốn lần chôn con

Xã Noong Hẻo có 6.300 nhân khẩu với 98% là người dân tộc Thái. Từ năm 2001, bãi vàng Phiêng Chạng được một số chủ bưởng khai thác trái phép khiến số lao động từ các nơi khác đến cư ngụ tại địa bàn xã luôn biến động. Dù UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo dẹp bỏ nhưng nhiều năm qua bãi vàng vẫn ngang nhiên hoạt động với 17 hầm khai thác. Từ đây, hàng trăm người nhiễm HIV và rất nhiều người sử dụng ma túy đã và đang sinh sống rải rác trong 15 thôn bản của xã. Chỉ riêng trong hai năm 2011 và 2012, cả xã có đến hơn 40 người chết trẻ sau khi nghiện ma túy.

Theo ông Lò Văn Chựa - phó chủ tịch UBND xã Noong Hẻo, xã có 15 điểm buôn bán ma túy. “Xã chúng tôi vẫn báo cáo tình hình lên huyện. Hiện công an huyện đang khoanh vùng năm điểm buôn bán nhiều nhất để triệt phá. Việc tồn tại bãi vàng khiến đời sống người dân bất ổn, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” - ông Chựa nói

Bản Nậm Há 1 và 2 ở gần cuối xã, nơi có bãi vàng khai thác trái phép mang tên Phiêng Chạng. Chiều muộn, trong ngôi nhà sàn gỗ cũ kỹ từ đời cụ kỵ để lại, ông Lò Văn Yêng và bà Lò Thị Tiếng đang lụi hụi chuẩn bị bữa tối. Một niêu cơm bé xíu đặt trên những thanh củi chụm lại một góc sàn. Mới 60 tuổi mà dường như nước mắt không thể nào chảy ra được từ hai đôi mắt khô héo của người già. Ông bà sọm hẳn xuống bởi cú giáng quá nặng từ vàng và ma túy.

“Có sáu đứa con, bốn trai, hai gái thì bốn đứa (ba trai, một gái) chết rồi. Một đứa con trai còn lại lấy vợ ở riêng, nó mới đi tù về và cũng nghiện lắm, chỉ chờ ngày chết thôi. Mình già thế này mà phải bốn lần chôn con, rồi cũng phải chôn thêm đứa nữa”.

Ông Yêng nói: “Hồi đánh “thằng Mỹ”, mình đã theo bộ đội sang tận Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào). Lấy vợ sinh sáu đứa con, nuôi chúng khôn lớn bằng đồng ruộng nhưng chưa bao giờ mình có thể tưởng tượng được lần lượt từng đứa bỏ mình mà đi. Tất cả chúng nó đều lên bãi vàng. Rồi lần lượt trở về, cả bốn đứa đều nghiện. Mình cũng khuyên bảo nó nhiều mà không được. Về nhà nó lấy lúa, lấy chăn, lấy đệm và cả quần áo vợ mình dệt mang đi bán. Đứa đầu tiên chết năm 2006, đứa cuối cùng chết cách đây mấy tháng”.

Bốn đứa con ông Yêng chết đều do tay hai người anh họ Lò Văn Phương (trưởng bản Nậm Há 2) và Lò Văn Yên khâm liệm. “Người Thái mình có phong tục nếu giết nhiều trâu, mổ nhiều lợn bò thì người ta mới đi xem đám ma, mới đi chia buồn. Nhà chú mình (ông Yêng) nghèo quá nên chỉ có chục người trong nhà tự tay chôn cất cho các em thôi. Cũng chẳng có ai đến chia buồn vì lúc sống chúng nó nghiện, ăn cắp ăn trộm nhiều của người ta nên chết chả ai thương” - ông Phương nói

Gỡ nhà làm hòm

Trong bốn đứa con bị chết, cái chết của con gái Lò Thị Khiêm khiến ông bà đau đớn nhất. Đưa tay rờ rẫm đống chăn đệm phủ dày một lớp bụi xếp ở giữa nhà, bà Tiếng nói (bằng tiếng Thái): “16 cái vừa chăn vừa đệm này nó tự tay khâu, tự tay may và dệt vải để ra mắt nhà chồng (theo phong tục của người Thái - PV). Thế mà chưa kịp cưới nó đã ăn lá ngón tự tử vì phát hiện thằng chồng sắp cưới nghiện ma túy từ bãi vàng”.

Gia cảnh ông Yêng còn khổ đến mức bốn đứa con lần lượt ra đi chỉ trong vài năm khiến ông không thể xoay xở kịp: “Phải dỡ ván sàn và vách nhà ra để đóng ván cho con. Bốn đứa con chết xong, ngôi nhà bị mất đi một gian, giờ chỉ còn một gian có thể ở được, còn một gian khi xưa các cụ đã ở, cả đàn ông và đàn bà không ai được đặt chân vào”...

Trong bốn đứa con đã chết, thằng Khai (sinh năm 1981) để lại một con trai là Lò Văn Téc. Thằng Téc đã đi học lớp 1 nhưng ba năm trước mẹ bỏ nó lại cho ông bà già để lấy chồng khác. Téc chỉ biết nói vài câu tiếng Kinh về điểm và chữ cái, còn lại nó giao tiếp bằng tiếng Thái. Đương nhiên Téc không thể hiểu được nỗi đau đớn của ông bà nó. “Chúng tôi già rồi chết đi thì ai nuôi thằng Téc? Mà bãi vàng còn thế này, chỉ sợ thằng Téc lại sớm đi theo con đường của bố nó” - ông Yêng thở dài. Tiếng thở dài của người già nghe thê thảm hơn cả tiếng gió hun hút đầu sàn.

Không nhà nào không dính ma túy

Đấy không chỉ là lời khẳng định của anh Lù Văn Cưởi (phó bí thư xã Noong Hẻo) mà còn là khẳng định của anh Cà Văn Giót (trưởng bản Nậm Há 1) khi nói về bản Nậm Há 1 và 2. 12 người của hai bản này chết trong năm 2011 và 2012, bảy người đi tù vì buôn bán ma túy. Kinh hoàng hơn, có đến 98% thanh thiếu niên ở độ tuổi 15-18 đã “tợp” ma túy!

Anh Giót cho biết: “Nhà mình cũng có thằng em út nghiện”. Còn anh Cưởi khẳng định: “Có đến hai người anh em họ của mình, một người bác và một đứa trẻ trong họ của mình chết vì ma túy. Hai em rể của mình cũng nghiện nặng lắm. Không nhà nào trong bản này không có người dính ma túy”.

Cũng theo anh Cưởi, đang có mấy đối tượng nặng lắm rồi, gầy gò đến mức không thể đi được. Chúng cũng mới ở bãi vàng về cách đây chưa lâu. Khi không còn sức làm vàng kiếm tiền để dùng ma túy nữa thì chúng về nhà quấy rối gia đình.

Sự xuống cấp thê thảm của đời sống không phải cán bộ và nhân dân Noong Hẻo không biết. “Hai năm vừa rồi, thấy người từ bãi vàng trở về chết nhiều quá nên mình đã kiến nghị cả HĐND tỉnh, huyện, giao ban hằng tháng các trưởng bản cũng đều báo cáo. Mình nói mãi, đến tuyệt vọng khi nhìn từng người bà con của mình, từng người dân tộc Thái của mình gầy gò ốm yếu rồi chết. Có nhà cha chết rồi con chết, chồng chết hai tháng rồi vợ chết, anh chết rồi em chết... Cứ như thế này mình cũng héo mòn mất thôi” - anh Cưởi rên xiết khi nói về sự tàn phá của ma túy đối với người dân Noong Hẻo.

Là người nhiều lần kiến nghị lãnh đạo về kiểm tra tình hình tệ nạn xã hội ở địa phương, cũng là người kêu gọi nhiều nhất về việc xóa bỏ bãi vàng, anh Cưởi cảm thấy đau xót hơn ai hết khi nhìn đồng bào của mình chết dần chết mòn. Không phải dân lười, mà trồng củ lạc chưa kịp đã bị nó nhổ trộm, cấy được cây lúa chưa kịp vàng đuôi nó cũng cắt trộm, trồng cây ngô trên nương, hạt ngô chưa hết mùi sữa cũng bị bẻ trộm... bây giờ muốn giữ miếng ăn cũng khó. Một người đi làm thì phải để một người ở nhà trông nhà. Chưa bao giờ Noong Hẻo bất ổn đến vậy!

Huyện sẽ giải quyết dứt điểm

Trả lời PV chiều 24-9, ông Trương Quang Phiệt, chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, nói: “Đại diện lãnh đạo tỉnh Lai Châu, công an tỉnh cùng các ban ngành, đoàn thể đã họp tại xã Noong Hẻo để đưa ra phương án giải quyết dứt điểm vấn đề bãi vàng ở Phiêng Chạng. Từ nay đến hết ngày 30-9 sẽ giải tỏa bãi vàng, đánh sập các hầm đang được đào đãi và cử tổ công tác gồm bộ đội và dân quân túc trực tại bãi vàng đến hết tháng 12-2012.

Trong thời gian tới, đồng thời với việc xóa bãi vàng, huyện sẽ quyết liệt hơn trong vấn đề ổn định kinh tế và an ninh trật tự tại xã Noong Hẻo bằng cách đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng nghiện ma túy và triệt phá các địa điểm bán ma túy tại địa bàn này”.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".