Xác định danh tính cháu bé 2 tuổi bị đánh đập dã man

Xác định danh tính cháu bé 2 tuổi bị đánh đập dã man
TP- Thông tin về cháu bé 2 tuổi bị bà Lê Thị Hương (sinh 1963) trú ở làng Pleiku Ró-TP Pleiku đánh đập dã man sắp chết làm xôn xao dư luận phố núi.

Ngày 27/10 chúng tôi đến bệnh viện đa khoa Gia Lai thăm cháu, bé vẫn trong tình trạng hoảng loạn khi thấy người lạ, đặc biệt là có ai đến gần sờ vào người là cháu khóc ré lên.

Các chị Nguyễn Thị Như Như, Trần Thị Minh Huyền, Đặng Thị Minh... những người đến giải cứu cháu bé và đưa đến bệnh viện 3 ngày nay thường trực bên cháu cho hay: Sức khỏe của cháu đang dần hồi phục, tuy nhiên cháu vẫn còn sốt cao do các vết thương.

Chị Huyền cho biết: Khoảng 19 giờ tối 26/10 một phụ nữ chừng 20 tuổi tên Xuân đến bệnh viên đa khoa Gia Lai tự nhận là mẹ cháu bé và yêu cầu các cô cho nhận con về để gửi chị gái chăm sóc.

Chị Huyền hỏi người đàn bà tên Xuân này, cô ta nói mình làm hớt tóc gội đầu ở Pleiku song nhiều tháng trước đây có người gọi điện vào số máy Xuân yêu cầu phải bỏ Gia Lai đi nếu không sẽ bị “xử” nên cô ta bỏ xuống Quy Nhơn làm ăn. Xuân cho biết đứa bé không có cha, sinh ngày 24/9/2006 khi Xuân 19 tuổi, đặt tên cháu là Nguyễn Kiều Diễm My.

Bản thân Xuân có mẹ không cha. Bé My đã được gửi cho người ta chăm sóc từ khi cháu 3 tháng tuổi, song mới gửi cho bà Hương từ khoảng 4 tháng. Các chị hỏi quê quán gia đình thì cô ta không trả lời. Những người đang cưu mang cháu bé cho rằng cô đã không có tiền trả cho bà Hương khiến cháu bị đánh đập hành hạ dã man như vậy thì làm sao có thể nuôi được cháu, nên nói với Xuân cứ để cháu cho họ nuôi.

Chị Huyền hỏi Xuân có đúng là cô muốn bán cháu bé, cô ta thừa nhận cách đây vài tháng bà Hương có gọi điện bảo có người trả mua cháu 10 triệu đồng, song Xuân muốn giá khoảng 15 triệu nên đã nói ở Quy Nhơn có người hỏi mua cháu 20 triệu đồng.

Khi các chị chăm sóc cháu không đồng ý cho Xuân mang cháu bé đi, cô ta cùng với những người bạn tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ của mình ra về chưa thấy quay lại.

Theo  quan sát của chúng tôi cháu bé đã bị đánh đập bầm dập từ đầu đến chân. Các vết thương ở đầu vẫn còn sưng phù. Vết dao lam cắt 10 ngón chân phía dưới bàn chân, xẻ lên chân tay non nớt của cháu vẫn mưng mủ. Hai đầu gối cháu phù nề. Ngoài vết đánh, vết cắt, còn nhiều vết nhéo, toàn thân cháu thâm đen.

Bé My vẫn sốt cao vào buổi sáng và chiều, cháu rất đói, đòi ăn liên tục song các chị không dám cho ăn nhiều. Chị Huyền cho biết thêm: Theo thông tin mà các chị nhận được trước khi quyết định tổ chức đưa cháu ra khỏi nhà bà Hương, cháu bé ngoài việc bị đánh đập đứng lên không nổi, còn thường xuyên bị nhốt trong cầu tiêu nhà trọ của bà Xuân lúc bà ra ngoài.

Cháu khóc là bị bà tát vào miệng. Khu nhà trọ này ai cũng biết song gia đình bà Hương rất côn đồ nên họ không dám nói. Đã 2 tuổi song cháu My vẫn chưa biết nói, hiện chỉ ú ớ ra hiệu khi có nhu cầu.

Trong ngày 26 và 27/10 Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy ông Trần Đình Thu và nhiều cơ quan chức năng ở tỉnh đã đến bệnh viện thăm tặng quà cháu, động viên các chị đã cưu mang bé My.

Hiện công an TP Pleiku đang điều tra xác minh làm rõ việc hành hạ cháu bé và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.