Xây cầu mới, dân phải đóng tiền “đi đò”

Chiếc “đò” độc đáo tại phường Bình Thạnh, TX. Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Hà.
Chiếc “đò” độc đáo tại phường Bình Thạnh, TX. Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Hà.
TP - Gần một tháng qua, cầu Kênh Tắc được khởi công xây dựng lại, người dân ở phường Bình Thạnh, TX. Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vô cùng phấn khởi. Ngày cầu cũ đập đi, cầu tạm được dựng lên tuy nhiên ai muốn qua lại bằng cầu bắc qua tuyến kênh này phải dừng lại “trạm” đóng 2 ngàn đồng gọi là “phí qua đò”.

Thoạt nhìn có thể nhận ra ngay đó là một chiếc cầu. Bởi đầu cầu nối hai bờ được làm bằng ván, khoảng giữa thay vì làm trụ cầu thì được thay thế bằng một chiếc chẹt nhỏ (giống chiếc thuyền) phía trên cũng được đóng ván. Lan can cầu được chằng bởi những sợi dây thừng đơn sơ, bề ngang cầu khoảng hơn 1m chỉ vừa một chiếc xe chạy qua.

Bà Huỳnh Thị Tụa (ngụ khu vực Thạnh Hiếu, phường Bình Thạnh) bức xúc: “Bề ngang con kênh nhỏ, lại không tốn công sức đưa qua lại như những chiếc đò khác nhưng thu 2 ngàn mỗi lượt đi là quá đắt nếu như thu 1 ngàn thì còn chấp nhận được. Mỗi ngày tôi đi qua lại rất nhiều lần, chỉ tính riêng việc đưa cháu đi học mỗi ngày 4 lượt, một tháng nay tôi tốn hết 120 ngàn đồng. Mà mỗi lần chạy qua cầu thì dập dềnh, đung đưa tôi rất sợ. Mong cho cầu mau xây xong để đi lại được thuận tiện, chứ tình hình này kéo dài dân ở đây không ai chịu nổi”.

“Còn tôi một ngày đưa con đi học qua lại cầu này là 4 lần, lượt đi có học sinh thì không thu tiền lượt về thì thu tiền phụ huynh. Hơn nữa, công việc của tôi là đi mua bán, hằng ngày qua lại không dưới chục lần mà trả thiếu 1 ngàn đồng cũng không được, tôi thấy thu như vậy là không hợp lí, vì dân ở đây đi lại rất nhiều lần trong ngày. Mỗi lần dân lại phản ánh thì chủ đò kêu muốn gì qua hỏi phường đi, còn việc chủ đất ở đó hợp đồng hay có chỉ thị gì của phường thì tôi không biết”- chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (ngụ khu vực Thạnh Hiếu, phường Bình Thạnh) nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Võ Hoàng Kiếm - Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Hiếu lí giải: “Phường có nắm việc người dân bức xúc, nhưng đó không phải là cầu tạm mà là bến đò. Sở dĩ đưa đò là vì phần đất bên kia kênh là của dân nên chúng tôi không thể nào bắc cầu tạm qua đó được vì dân không cho.

Ban đầu, dân định đưa đò nhưng qua trao đổi chúng tôi thấy nếu như đưa đò sẽ không kịp và có thể gây ùn tắc giao thông vì đường đó người dân đi lại rất đông mà đường thì cập quốc lộ. Do đó, người dân mới kê cái chẹt phía dưới, không cần đưa qua lại, rồi đóng ván phía trên. Đồng thời, họ tự bỏ chi phí ra mua chẹt, xẻ ván để làm “đò”, còn chi phí họ bỏ ra bao nhiêu thì tôi không nắm”.

Ông Kiếm cho biết, công trình cầu Kênh Tắc không phải là dự án của nhà nước nên không bắc cầu tạm. Nguồn kinh phí xây dựng cầu là do vận động một phần và một phần kinh phí của địa phương. Phương án đưa đò chỉ là tạm thời trong thời gian chờ cầu Kênh Tắc hoàn thành nên không có giấy phép. Về mức giá thu khi qua đò, thường là hầu hết theo quy định lấy giá thống nhất là 2 ngàn đồng.

Chia sẻ vấn đề người dân đưa đò có hợp đồng với phường như lời người thu tiền tại “trạm”, ông Kiếm khẳng định: “Không có hợp đồng giữa phường và hộ dân đó mà phường giao cho khu vực làm biên bản với hộ, cam kết không thu tiền học sinh, giáo viên”.

Được biết, công trình cầu Kênh Tắc dự kiến thi công và hoàn thành trong vòng 40 ngày.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.