Xây cột Km 0 bên hồ Gươm: Cần thiết hay lãng phí?

Xây cột Km 0 bên hồ Gươm: Cần thiết hay lãng phí?
TP - Một cột Km 0 bằng chất liệu đá quý sẽ được xây dựng bên hồ Gươm, vừa mang ý nghĩa đầu mối giao thông của cả nước, vừa có ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Ý tưởng này được nhà Rùa học đưa ra mới đây nhận được không ít ý kiến trái ngược.
Xây cột Km 0 bên hồ Gươm: Cần thiết hay lãng phí? ảnh 1
Góc phố ngã tư Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng được đề xuất là nơi dựng cột Km 0

PGS. TS Hà Đình Đức, người đưa ra ý tưởng xây Km 0 ở Hồ Gươm, mô tả, cột xây hình trụ, cao ba mét và bằng chất liệu đá quý, có bốn mặt tương ứng với bốn phương, tám hướng. Đây sẽ là điểm gốc, điểm chuẩn của Hà Nội.

Trên cột phải ghi rõ tọa độ, kinh tuyến, vĩ tuyến, làm cơ sở cho việc xác định cây số trên đường. Ngoài ra, trên cột sẽ khắc khoảng thời gian 1010 – 2010 để con cháu luôn nhớ thời điểm lịch sử định đô Thăng Long và thời điểm xây dựng cột Km 0.

Km 0 của Hà Nội xưa nay vẫn được ngầm định là bưu điện thành phố. Nhiều nước trên thế giới cũng lấy bưu điện thành phố làm mốc Km0. Vậy có cần thiết phải xác định lại và xây một cột km 0 khác hay không?

Ông Nguyễn Vĩnh Kỳ, Viện trưởng Viện Địa lý Việt Nam, cho biết, Km 0 ngày xưa được xác định theo không gian tương đối là bưu điện Hà Nội, từ đó tính đường vận chuyển giao thông. Nhưng, khoa học phải mang tính chính xác, nếu không sẽ làm thay đổi mạng lưới trắc đạc của Hà Nội.

“Việc xác định Km 0 trước tiên phải đảm bảo tính khoa học, chính xác. Xác định sai hoặc không chính xác Km 0 có thể dẫn tới thay đổi cả hệ thống cây số”. Ông Kỳ cho rằng việc xác định một cột Km 0 cho Hà Nội và cả nước là điều nên làm.

Ông Trần Danh Lợi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đồng tình rằng việc xác định một Km 0 ở Hà Nội là cần thiết. “Đây sẽ là đầu mối giao thông của cả nước” – Ông Lợi nói.

Một cán bộ đề nghị không nêu tên ở Cục Đo đạc & Bản đồ, lại cho hay, ông chưa từng nghe nói ở Việt Nam có một cột Km 0 nào ngoài việc vẫn ngầm định vị trí này là bưu điện Hà Nội.

“Chưa biết từ xưa đến nay có tồn tại Km 0 hay không nhưng theo quan điểm của tôi là chưa có. Đối với ngành đo đạc bản đồ thì cột Km 0 này không quan trọng mà chủ yếu mốc này nhằm phục vụ giao thông. Là một công dân Hà Nội, tôi thấy việc xây dựng một cột mốc Km 0 với ý nghĩa văn hóa, lịch sử, là điểm đến của khách thập phương là việc nên làm. Về mặt kỹ thuật, Cục sẵn sàng tham gia về mặt kỹ thuật như xác định tọa độ, độ cao. Tôi cho rằng ý tưởng xây dựng một cột mốc như vậy là khả thi, không quá tốn kém. Về kỹ thuật đo đạc chỉ tốn khoảng 100 triệu đồng. Phần thiết kế, xây dựng khoảng vài tỷ đồng…” – Vị này cho hay.

Không cần thiết nếu chỉ là đầu mối giao thông

“Tôi cho rằng đây là việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” – PGS Đức nói.

Dù cho rằng cần thiết có một cột Km 0 mang tính chính xác chứ không theo cách ước lượng bấy lâu nay, một số nhà khoa học vẫn không khỏi băn khoăn.

Đa số ý kiến cho rằng, xây Km 0 bên Hồ Gươm để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và khoác lên nó ý nghĩa văn hóa, lịch sử là ý tưởng tốt đẹp nhưng, nếu đo đạc, tính toán khoa học, chính xác, chưa chắc cột mốc này đã nằm bên Hồ Gươm. Khi đó liệu có cần thiết phải xây một cột mốc như vậy nữa hay không?

Ông Nguyễn Vĩnh Kỳ cho rằng trước tiên phải tính đến yếu tố khoa học, tiếp đó xét yếu tố tâm linh, vì khu vực hồ Gươm xưa nay vẫn được coi là khu đất thiêng. Cuối cùng mới tính tới yếu tố văn hóa như xây thế nào cho đẹp, cao thấp ra sao.

Nhấn mạnh Km 0 là đầu mối giao thông, theo ông Trần Danh Lợi, nếu lấy làm căn cứ giao thông, không nhất thiết phải đặt Km 0 ở Hồ Gươm mà có thể chuyển ra ga Hà Nội.

Ông Lợi cũng nêu quan điểm về mốc cốt 0. Đây là chỉ số kỹ thuật quan trọng phục vụ công tác quy hoạch và các ngành kinh tế khác. Theo ông Lợi, nên xác định cốt 0 và nhập cốt 0 với km 0. Nhưng nếu làm như vậy thì chưa chắc Km 0 đã nằm ở Hồ Gươm.

GS sử học Lê Văn Lan lại lo ngại tháp Km 0 – như ý tưởng của GS Hà Đình Đức – sẽ phá vỡ cảnh quan Hồ Gươm và cho rằng nhập Km 0 với văn hóa nghìn năm Thăng Long – Hà Nội “là một sự nhầm lẫn”.

“Người ta đặt Km 0 là nơi xuất phát của mọi con đường, để tính đếm và về giao thông. Thường thì tính chất của cột Km 0 được đặt ở nơi có cơ sở bưu điện là hợp lý. Hơn nữa, đặt tháp thì phải có chiều cao. Bờ Hồ đã có tháp Hòa Phong. Nếu xây thêm tháp nữa thì sẽ trùng địa điểm.

Tháp xây cao ba mét bằng đá sẽ thấy đồ sộ, vướng víu và nặng nề, phá vỡ cảnh quan của Hồ Gươm. Tóm lại, chúng ta nên lập cột mốc Km 0 cho đầu mối giao thông của Hà Nội chứ không phải của quốc gia, càng không phải của văn hóa 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Việc đặt tháp cũng không phải ở ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng” – GS Lan nói.

Ý kiến của quan chức ở Cục Đo đạc & Bản đồ liên quan đến chọn địa điểm đặt Km 0, GS Lê Văn Lan cho là không đơn giản mà phải đạt được thỏa thuận giữa các ban ngành. Kiến trúc của cột này thế nào cũng cần phải bàn thảo, có thể mở cuộc thi, gửi các nơi cho ý kiến nếu thực sự muốn xây dựng cột Km 0 thành một sản phẩm kiến trúc, văn hóa, lịch sử để lại cho muôn đời sau.

“Còn nếu chỉ xác định cột Km 0 với mục đích giao thông thì không cần thiết vì bấy lâu nay nhân dân cả nước vẫn ngầm coi bưu điện Hà Nội là Km 0. Không cần phải quá chính xác trong việc đo đạc, xác định lại vị trí cột này vì sai số 100 – 200m là hoàn toàn chấp nhận được” – GS Lan khẳng định. 

Báo Tiền Phong kính mời bạn đọc tham gia trao đổi, tranh luận về ý tưởng cột Km 0 này. Các ý kiến hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua địa chỉ thư điện tử tienphong02@vnn.vn

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.