Xây dựng BHXH toàn dân, phần đa người nghỉ hưu có lương

Phấn đấu tới năm 2030 có 60% người lao động trong độ tuổi nghỉ hưu có lương hưu và trợ cấp BHXH.
Phấn đấu tới năm 2030 có 60% người lao động trong độ tuổi nghỉ hưu có lương hưu và trợ cấp BHXH.
TP - Thời gian tới, sẽ xây dựng bảo hiểm xã hội (BHXH) với 3 tầng, phấn đấu tới năm 2030 có 60% lực lượng lao động (LĐ) tham gia BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021… Đó là những mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.

Mục tiêu 60% người nghỉ hưu có lương

Nghị quyết 28 xác định, cải cách để đảm bảo BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh, hướng tới BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Phấn đấu đến năm 2021 có 35% lực lượng LĐ tham gia BHXH, khoảng 28% lực lượng LĐ trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4. Đến năm 2025 phấn đấu khoảng 45% lực lượng LĐ tham gia BHXH.

Đến năm 2030 phấn đấu có 60% lực lượng LĐ tham gia BHXH, trong đó 5% lực lượng LĐ tham gia BHXH tự nguyện; khoảng 45% lực lượng LĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu có lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 90%.

Các tầng BHXH

Nghị quyết xác định xây dựng hệ thống BHXH đa tầng. Trong đó, tầng 1 là trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hàng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng ngân sách.

Tầng 2 là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và tự nguyện: BHXH bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người LĐ và người sử dụng LĐ. BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất, và mở rộng thêm các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người LĐ không có quan hệ LĐ; ngân sách hỗ trợ phù hợp cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp, LĐ khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH. Mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Tầng 3 là bảo hiểm hưu trí bổ sung: Là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng LĐ và người LĐ có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Đồng thời, sửa đổi thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Sửa đổi giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng tiền lương, người LĐ làm việc theo chế độ linh hoạt.

Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người LĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, dễ chuyển đổi giữa BHXH tự nguyện và bắt buộc; hướng tới BHXH bắt buộc với toàn bộ người LĐ có việc làm, thu nhập khi đủ điều kiện.

Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng không chỉ các giải pháp trả trợ cấp, đào tạo, giới thiệu việc làm; cần chú ý đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm. Cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH...

Nâng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021

Nghị quyết nêu rõ, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện hành theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng. Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu để hưởng hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng một lần. Sửa đổi các quy định để khuyến khích người LĐ tham gia BHXH thời gian dài hơn; từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người LĐ muốn về hưu sớm.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường LĐ; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình LĐ và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Từ năm 2021, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, những ngành nghề đặc biệt, người LĐ được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và thu nhập khác có tính chất lương. Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng BHXH theo hướng hài hoà giữa người sử dụng LĐ và người LĐ.

Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; ưu tiên đầu tư Quỹ vào trái phiếu chính phủ, nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, đầu tư thông qua uỷ thác tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững.

Thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ...

Để đạt được các mục tiêu về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết 28 cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về LĐ, việc làm, BHXH; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…

MỚI - NÓNG