Xây dựng thế hệ thanh niên nhạy bén

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tại Hội nghị.
Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tại Hội nghị.
TPO - Chiều 27/10 tại TPHCM, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên tiêu biểu vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Đỗ Văn Phớn, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến góp ý vào các nội dung: dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Hội nghị cũng nghiên cứu đánh giá về kết quả Đoàn Thanh niên tham gia vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới; Đánh giá về việc Đoàn Thanh niên của đơn vị trong việc tham gia công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, bảo vệ an ninh, quốc phòng.

Cần có một cuộc khảo sát về thanh niên Việt Nam

Đối với dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Phạm Văn Toàn, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ cho rằng, công tác dự báo, dự đoán nhất là lĩnh vực nông nghiệp còn thụ động, đối phó với tình huống. Theo anh Toàn, cơ chế, chính sách và sự chỉ đạo, quản lý, điều hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đủ mạnh để thu hút khuyến khích đầu tư, sản xuất có quy mô lớn. Mặt khác, còn nhiều rủi ro, bị động, lúng túng theo thị trường, dẫn đến tình trạng phải “giải cứu” nông sản. Trong khi đó, cơ chế, chính sách đối với các vùng kinh tế trọng điểm chưa rõ ràng, đặc biệt là hạ tầng kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL còn gặp nhiều bất cập, xuống cấp.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, anh Toàn đề xuất cần đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát đối với giáo viên các cấp từ giáo dục mầm non đến đại học; đồng thời có phương hướng nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, giảng viên; thường xuyên kiểm tra đánh giá năng lực giảng dạy sâu sát hơn nữa, đặc biệt là quan tâm chỉnh đốn tác phong, tư tưởng của giáo viên, giảng viên, hạn chế tối đa bị tác động của mạng xã hội và lối sống không lành mạnh. Bên cạnh đó cần chú trọng về thực tiễn đào tạo, chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

Xây dựng thế hệ thanh niên nhạy bén ảnh 1
Xây dựng thế hệ thanh niên nhạy bén ảnh 2 Các đại biểu tham gia góp ý vào các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

ThS. Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng khoa Tài chính – Kế toán, Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) cho rằng, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ thực tế tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành với số lượng không nhỏ. “Do đó, tôi mong muốn Đại hội lần này sẽ đưa ra những chính sách căn cơ trong đào tạo nghề và bổ sung vào chương trình đột phá phát triển kinh tế, chính sách phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao để bắt kịp xu hướng lao động thế giới”, ThS. Hải góp ý.

Cũng theo anh Hải, hiện nay việc quá tải trong lớp học tại các đô thị lớn khiến cho những cải cách về giáo dục gặp nhiều hạn chế; nhiều mô hình và giải pháp trên lí thuyết rất hay nhưng không thể áp dụng với một lớp học 50-60 em học sinh, cho nên kiến nghị Bộ GD&ĐT trong thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể hơn để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Góp ý tại hội nghị, chị Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Bí thư Đoàn Trường Đại học KHXH&NV TPHCM nêu ý kiến, văn hoá được xem là nền tảng tinh thần của xã hội; là mục tiêu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, theo chị Khánh, hiện nay cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hoá, văn hoá trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hoá chưa cụ thể, rõ ràng nên cần cải thiện vấn đề này trong thời gian tới.

Xây dựng thế hệ thanh niên nhạy bén ảnh 3 Chị Nguyễn Thị Ngọc Khánh nêu ý kiến tại hội nghị

Mặt khác, chị Khánh cũng đề xuất tăng cường các biện pháp giáo dục để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Trong giai đoạn bùng nổ các mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc làm hết sức quan trọng, đặc biệt là trong đối tượng học sinh, sinh viên.

Ở góc độ khác, Bí thư Đoàn Trường Đại học KHXH&NV TPHCM cho rằng đất nước ta đang chuẩn bị cho một giai đoạn mới, nên cần có một cuộc khảo sát về thanh niên Việt Nam, vì thanh niên nước ta đang có sự chuyển biến về tâm sinh lý, đang trưởng thành song song với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Điều đó đặt ra với các tổ chức chính trị xã hội là phải có phương pháp tiếp cận các bạn trẻ, làm sao mang tổ chức Đảng, Đoàn đến gần hơn với thanh niên, tiếp cận với thanh niên một cách hợp lý hơn”, chị Ngọc Khánh nói.

Phát biểu tại hội nghị, chị Cao Hoàng Uyên, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học An Giang kiến nghị trong Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII cần có những quy định cụ thể đối với cấp ủy Đảng trong lãnh đạo về phương hướng, nhiệm vụ, tư tưởng, công tác tổ chức và cán bộ đối với tổ chức Đoàn, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng.

"Cần có giải pháp chiến lược nhằm đào tạo nguồn nhân lực trẻ chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng cao với phát triển của khoa học công nghệ; thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ; xây dựng các chương trình, nghị quyết liên quan đến Đoàn Thanh niên và công tác thanh niên; sớm đưa Luật Thanh niên vào cuộc sống"- chị Uyên nêu và mong muốn dự thảo văn kiện bổ sung các giải pháp cụ thể để chăm lo, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước.

Theo chị Uyên cần đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam cho các cháu thiếu nhi ngay từ khi vào cấp tiểu học.

Cũng theo chị Uyên, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có tới 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Một bộ phận thanh niên, sinh viên sau tốt nghiệp khó tìm được việc làm.

“Tôi mong Đại hội có các giải pháp cụ thể trong việc đào tạo, xây dựng thế hệ thanh niên năng động, nhiệt huyết, nhạy bén trước những khó khăn xảy ra, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới cần có sự quan tâm đặc biệt, phù hợp đối với các đối tượng thanh niên ở từng khu vực, vì đây là nguồn lao động trẻ vừa có năng suất lao động, có trí tuệ và khả năng thích ứng với sự phát triển khoa học công nghệ nhanh, là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”, chị Hoàng Uyên bày tỏ.

Chia sẻ tại hội nghị, anh Vũ Nhật Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên (Đăk Lăk) cho rằng, những ngày này đất nước đang trong thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, gây nên nhiều hậu quả, hệ lụy. Đây là những hậu quả to lớn từ việc khai thác tài nguyên quá mức. Theo anh Phương, một số dự án triển khai, thực hiện đã bỏ qua bước đánh giá tác động môi trường. Do đó, anh Phương đề nghị bổ sung vấn đề bảo vệ môi trường trong các định hướng phát triển môi trường.

Cần có chính sách giữ chân giáo viên đặc thù

Xây dựng thế hệ thanh niên nhạy bén ảnh 4 Chị Nguyễn Thị Linh góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng

Góp ý tại hội nghị, chị Nguyễn Thị Linh, Bí thư Đoàn Trường THPT An Thới (Kiên Giang) cho biết, dự thảo văn kiện cần đề cập nội dung tập trung phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, khuyến khích tư nhân phát triển giáo dục đại học phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện Việt Nam. Ngoài ra, cần có chính sách, lộ trình miễn học phí cho học sinh ở các cấp học, trước mắt là miễn học phí cho học sinh từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở và học sinh mẫu giáo, từng bước miễn học phí cho học sinh trung học phổ thông như ở một số nước trên thế giới đang làm.

“Đề nghị phân bổ kinh phí cho hoạt động khoa học, công nghệ mang tính đặc thù. Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát việc phân bổ và quyết toán ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học, công nghệ bảo đảm đúng quy định”, chị Nguyễn Thị Linh nói thêm.

Xây dựng thế hệ thanh niên nhạy bén ảnh 5 Thầy giáo Hà Quốc Kiệt nêu ý kiến

Từ thực tế qua nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, anh Hà Quốc Kiệt (giáo viên làm tổng phụ trách Đội tại quận 9, TPHCM) cho rằng trẻ em bây giờ phát triển rất mạnh về nhiều mặt từ văn hóa, đạo đức, kỹ năng...

“Điều này cũng chính là nhờ công tác giáo dục ở tổ chức Đội và đội ngũ giáo viên làm phụ trách Đội. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chưa nhận được sự đãi ngộ tương xứng với lao động đặc thù của mình. Tôi mong các cấp có thể đề ra cơ chế đặc thù để giữ được lực lượng này, góp phần giúp các em trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”, giáo viên có 27 năm làm công tác Đội, bày tỏ.

Chị Trần Thị Hiệp Mai (tỉnh Bình Thuận) cho rằng, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra rằng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu về chính sách đãi ngộ. Đây là điều mà bản thân mỗi một cán bộ công chức – viên chức luôn trăn trở.

Mặt khác, chính sách đãi ngộ chưa thật sự rõ ràng về quyền lợi, nhiệm vụ, vẫn còn một số nội dung chưa hợp lý cho từng vị trí nhiệm vụ được phân công, dẫn đến tư tưởng đối phó trong công việc.

“Do đó, trong dự thảo văn kiện lần này, tôi đề xuất nên bổ sung vào dự thảo nội dung “nên chú trọng hơn về việc tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tiếp thu và trang bị đầy đủ các kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ cơ bản nhằm đổi mới phương pháp giáo dục và đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trực tuyến trong tình hình của đất nước hiện nay khi dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp và bắt kịp với xu hướng hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay”- chị Mai kiến nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Đỗ Văn Phớn, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, cho biết công tác chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được chuẩn bị chặt chẽ, thực hiện lấy ý kiến không chỉ của các nhà khoa học mà còn rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân qua nhiều kênh khác nhau.

Sau hội nghị này, các tầng lớp nhân dân vẫn có thể gửi ý kiến góp ý về Ban Thường vụ Trung ương Đoàn để cơ quan này tập hợp và chuyển về Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng; mặt khác người dân cũng có thể tiếp tục góp ý kiến thông qua các diễn đàn tại các tờ báo của tổ chức Đoàn.

“Độ mở cho việc góp ý, lấy ý kiến rất rộng và bằng nhiều phương pháp, cách tiếp cận khác nhau, cho nên sẽ có được nguồn góp ý đa dạng cho văn kiện”, ông Đỗ Văn Phớn nói và cho biết thêm, văn kiện trình Đại hội Đảng lần này được chuẩn bị rất chu đáo. Đây là kỳ chuẩn bị văn kiện có tầm nhìn rất dài và đặt ra mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn tương ứng với ba nhịp phát triển đất nước.

“Bên cạnh tham gia góp ý văn kiện, ngay bây giờ, chính mỗi người chúng ta cần soi rọi, cần có hành động cụ thể để biến Nghị quyết Đại hội XIII thành thực tiễn, chúng ta cảm nhận được những khó khăn, thách thức gì để chuẩn bị, dự báo những thời cơ gì sẽ đến để tiếp cận và tranh thủ. Không chỉ góp ý cho Đảng, mà bản thân mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị chúng ta cũng chuẩn bị một tâm thế, một giải pháp, chương trình để từng bước đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống”, ông Đỗ Văn Phớn nói.

MỚI - NÓNG