Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:

Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Vnexpress
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: Vnexpress
TPO - Nhiệm kỳ 2010 – 2015, cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng cũng là giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội.

Nhân dịp Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ XVI, đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí về những kết quả, bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2010 – 2015, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo.

PV: Nhiệm kỳ 2010-2015 sắp kết thúc, đề nghị đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ XV về phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2010- 2015?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Chứng kiến những thay đổi hết sức nhanh chóng của TP Hà Nội trong 5 năm qua, ai cũng vui mừng nhận thấy diện mạo đô thị, nông thôn đều khởi sắc. Hình ảnh Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn từng ngày, từng giờ đang trở thành hiện thực. Dù còn việc này, việc kia chưa được như mong muốn, nhưng mọi người đều cảm thấy vui mừng về những thành tựu, kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong nhiệm kỳ vừa qua.

Những con số thống kê, dù là quan trọng cũng không nói hết, phản ánh hết được nỗ lực vượt khó, cố gắng của các cấp, các ngành trên chặng đường đã qua. Những thành tựu to lớn của Thủ đô là kết quả của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, phấn đấu với trách nhiệm và tình yêu Hà Nội của các tầng lớp nhân dân. Đó cũng là kết quả của sự đồng thuận xã hội với ý chí, quyết tâm cao độ của đội ngũ cán bộ các cấp và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đó cũng là kết quả của việc thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.

Năm năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011 - 2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán: 5 năm tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.

Đặc biệt là, trong nhiệm kỳ qua, Thành phố đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 – 2020; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quốc hội ban hành Luật Thủ đô. Trên cơ sở đó, Thành phố đã tập trung hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực, cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh. Đây là những định hướng rất quan trọng để  Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng và có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Thành phố tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hàng loạt dự án lớn đã được hoàn thành như Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài; đường Vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài, Đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 7 cầu vượt, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội; nghiên cứu đề xuất, triển khai tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Công tác quản lý đô thị, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương xây dựng, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được tăng cường, nhất là sau hơn hai năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực. Trong 5 năm, đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này tiếp tục tăng lên, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011; số hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn khoảng 2% năm 2015. Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn Thành phố có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43% tổng số xã (cả nước đạt 20%). Đặc biệt là huyện Đan Phượng - huyện đầu tiên hoàn thành các tiêu chí để trở thành huyện nông thôn mới. Việc dồn điền, đổi thửa, một việc rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, song nhờ sự tập trung chỉ đạo và quyết tâm cao của cán bộ và nhân dân, đã đạt trên 97% những diện tích có thể dồn đổi, tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Đánh giá một cách tổng quát thành tựu 5 năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội luôn xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô. Thành phố đã vận dụng sáng tạo và tập trung chỉ đạo có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương và của Thành ủy; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả 9 Chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá, tạo được chuyển biến mới và toàn diện trên các lĩnh vực. Diện mạo của Thủ đô thay đổi nhanh chóng và khởi sắc. Sự ổn định và phát triển của TP Hà Nội 5 năm qua đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

Vậy, theo đồng chí Bí thư Thành ủy, đâu là điểm nhấn của thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định của những thành công trên, là sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân, việc đổi mới phương thức lãnh đạo và làm tốt công tác cán bộ. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp tiếp tục được đổi mới, bài bản, khoa học, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Thành công nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm kỳ qua là, Thành ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV thành 9 Chương trình công tác lớn; xác định rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá, kết hợp với xác định chủ đề công tác từng năm để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.

Trong công tác cán bộ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, việc đánh giá, quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ... được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, dân chủ, công khai. Trong nhiệm kỳ, đã đào tạo được 1.250 cán bộ nguồn khối Đảng, đoàn thể, chính quyền và 106 cán bộ dự nguồn cấp ủy của Thành phố; điều động, luân chuyển được gần 180 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, vừa nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cơ quan lãnh đạo của Thành phố, vừa tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động các địa phương, đơn vị. Nhờ sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, kịp thời và bố trí đúng cán bộ phụ trách, nhiều việc khó khăn, phức tạp đều giải quyết thành công.

Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại ảnh 1

Hà Nội lỗng lẫy. Trong ảnh: Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và đường Thanh Niên nhìn từ trên cao, phía xa là cầu Đông Trù rực sáng ánh đèn. Ảnh: Công Duy

Trong những thành tựu đạt được của Thủ đô, đồng chí Bí thư Thành ủy thấy còn có việc gì chưa hài lòng, có thể làm tốt hơn?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Nhìn nhận một cách nghiêm túc, chúng ta thấy còn khá nhiều việc chúng ta làm chưa tốt, hoặc còn có thiếu sót, khuyết điểm: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Một số tiêu chí cơ bản về tái cơ cấu kinh tế thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra; kinh tế tri thức phát triển chậm; chưa phát huy được thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động để tập trung cho đầu tư phát triển. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh chưa được nhân rộng. Hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác kinh tế vùng hiệu quả còn thấp, vai trò đầu tàu, điều phối kinh tế vùng chưa được thể hiện rõ. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

Những hạn chế này, tất nhiên cũng có nguyên nhân khách quan do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; nguồn lực chưa đủ để triển khai thực hiện và cũng có cả việc phải chờ đợi sự đồng thuận, nhất trí của dư luận. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhận về mình những nguyên nhân chủ quan của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của Thành phố còn chưa thực sự quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu năng động, sáng tạo; còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; thậm chí có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và công dân. Việc xử lý một số tập thể, cá nhân có sai phạm, vi phạm chưa kịp thời và chưa đủ mức giáo dục, răn đe. Những việc này cần phải sớm khắc phục và chấn chỉnh.

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đề nghị đồng chí cho biết Hà Nội đã làm gì để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Đảng bộ Hà Nội được Trung ương ghi nhận là một trong những đảng bộ gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ đó đã nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, huy động được toàn thể Đảng bộ và nhân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, đạt thành tựu trên nhiều lĩnh vực.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Hà Nội đã có những biện pháp sáng tạo, triển khai sâu rộng đến từng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên gắn với triển khai 9 chương trình công tác của Thành phố; đã tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình sâu sắc trong từng tập thể cấp ủy và các đồng chí chủ chốt, đứng đầu cơ quan, đơn vị; là nơi đầu tiên triển khai lấy phiếu tín nhiệm với đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đã đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể để khắc phục, trong đó có những chỉ thị, nghị quyết có tác dụng tích cực, như ban hành Nghị quyết 09 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; Đề án số 06 "về kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội"; chủ trương giảm bớt các đoàn đi công tác nước ngoài không thật cần thiết; hạn chế xây dựng, đầu tư, mua sắm công, v.v... Thông qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chương trình 01 của Thành ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thành phố có ý thức tự phê bình và phê bình tốt hơn, thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, lề lối làm việc; đoàn kết, quyết tâm sửa chữa hạn chế, khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và thực hiện có hiệu quả, tập trung vào một số trọng tâm, các chương trình, kế hoạch công tác lớn của Thành phố. Thông qua kiểm tra, giám sát, đã phát hiện các nhân tố tích cực, mô hình mới, có hiệu quả để nhân rộng; những sơ hở, bất cập trong quản lý, điều hành để chấn chỉnh; những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Năm năm qua, Đảng bộ Thành phố đã xử lý kỷ luật 66 tổ chức Đảng, 3.460 đảng viên, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Có ý kiến đánh giá xử lý kỷ luật của Hà Nội như thế là nhiều. Tôi cho rằng với gần 40 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ, con số này phản ánh đúng tình hình, đồng thời thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt trong công tác kiểm tra của Đảng bộ.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hà Nội nhiều lần được tôn vinh trong các cuộc bình chọn quốc tế; được xếp thứ 8 trong danh sách những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới năm 2014 của tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ TripAdvisor. Cũng năm 2014, website Lifehack đánh giá Hà Nội là một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa nhất thế giới mà mỗi người nên đến ít nhất một lần trong đời. Năm nay, Tạp chí Travel & Leisure đã bình chọn Hà Nội đứng thứ 7/10 thành phố tuyệt vời nhất Châu Á. Mới đây nhất, Telegraph - tờ báo uy tín hàng đầu nước Anh - đã chọn Hà Nội là một trong 15 điểm đến hấp dẫn về ẩm thực. Xin đồng chí cho biết ý kiến về những thông tin này?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Chúng ta rất mừng khi Hà Nội được bạn bè thế giới yêu mến, tôn vinh và trân trọng như vậy. Điều đó phù hợp với những cố gắng của Thành phố nhằm xây dựng văn hóa, phát triển du lịch trong những năm qua. Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, phải cố gắng nhiều hơn để Hà Nội đã được yêu mến rồi, càng được yêu mến hơn; để Hà Nội luôn là điểm đến an toàn, tin cậy. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải tiếp tục duy trì bằng được sự ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Là địa bàn trọng điểm, có vị trí đặc biệt quan trọng, Hà Nội không chỉ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các cơ quan và hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các sự kiện chính trị, văn hóa lớn diễn ra ở Thủ đô, mà còn phải bảo đảm sự bình yên của Thủ đô, của mọi người, từ nhà đầu tư nước ngoài đến du khách. Đây cũng là một trong những thành tựu quan trọng nhất mà Đảng bộ thành phố đạt được trong 5 năm qua. Trong khi thế giới diễn biến phức tạp, tình hình bất ổn xảy ra ở ngay cả những đô thị hàng đầu thế giới, nhưng Hà Nội vẫn luôn yên bình, là điểm đến an toàn của mọi du khách trong nước và quốc tế. Giữ được sự ổn định, bình yên, chúng ta mới có điều kiện thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng khác.

Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại ảnh 2

Toàn cảnh hồ Tây, phía xa là cầu Nhật Tân lung linh ánh đèn. Ảnh: Công Duy

Cách đây gần 10 năm (ngày 28/7/2006), đồng chí được phân công giữ trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trong khoảng thời gian đó, Hà Nội có rất nhiều sự kiện đặc biệt. Xin đồng chí cho biết những cảm nghĩ của mình, nhất là những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Đó là khoảng thời gian gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, một quyết định có ý nghĩa lịch sử, Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Đó là một cuộc kiến tạo mang tầm vóc lớn lao, mở ra một chặng đường phát triển mới cho Thủ đô. Rồi Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, thời khắc nghìn năm mới có một lần. Một sự kiện khác cũng là lần đầu tiên, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô tạo điều kiện cho Hà Nội có được những cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực, giúp Thủ đô thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành… Đó còn là các sự kiện chính trị, thể thao văn hóa quốc tế, quốc gia và thành phố đã diễn ra. Mỗi sự kiện như Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cách đây chưa lâu, các cơ quan thành phố đã thực hiện khối lượng công việc có thể nói là khổng lồ. Nhưng điều đáng vui mừng là, sự kiện nào cũng diễn ra trong an ninh, trật tự, tạo được niềm tin, sự phấn khởi, tự hào trong nhân dân và được bạn bè quốc tế hết lời khen ngợi.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế; một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hà Nội không chỉ là một đô thị lớn mà còn là đô thị đặc biệt, là Thủ đô. Nên mỗi nhiệm vụ, mỗi công việc ở Thủ đô đều luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi rất cao và luôn phải bám sát diễn biến của thực tiễn mới có thể giải quyết thành công. Song, chính điều đó lại là môi trường thuận lợi để thử thách, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo Thủ đô, đòi hỏi mỗi người luôn phải tự nhắc nhở mình không ngừng cố gắng, phấn đấu, rèn luyện, vươn lên mỗi ngày.

Những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo đã được thể hiện trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Một trong những yêu cầu cực kỳ quan trọng bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị ở Thủ đô là phải duy trì được sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân. Khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Đảng bộ thành phố đã xác định phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước. Phương châm đó đã được quán triệt, thực hiện nghiêm trong cả hệ thống chính trị và nhờ thế, 7 năm sau ngày hợp nhất, Hà Nội đang ngày càng phát triển lớn mạnh về mọi mặt.

Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm nào? Với trọng trách của mình, đồng chí muốn nhắn gửi điều gì đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Đại hội XVI Đảng bộ thành phố có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chúng ta xác định chủ đề Đại hội là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Đây chính là quyết tâm phấn đấu, là ý chí, nguyện vọng, là yêu cầu đòi hỏi đặt ra đối với trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Để lãnh đạo thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, nhân tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu là sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự tin tưởng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tôi mong rằng, những quyết sách của Đại hội XVI Đảng bộ thành phố sẽ được đông đảo nhân dân Thủ đô quan tâm, hưởng ứng. Đó sẽ là nguồn động viên vô cùng to lớn, thôi thúc toàn Đảng bộ không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đem lại cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân.

Trân trọng cảm ơn đồng chí và chúc Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố thành công tốt đẹp!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.