Xây hồ thủy lợi hơn 600 tỷ, quên đền bù đất cho dân?

TP - Theo kiến nghị, phản ánh của các hộ dân trú thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy, khi thực hiện dự án hồ thủy lợi Thủy Yên - Thủy Cam, gia đình họ có gần 9.000m2 đất trồng màu và cây lâu năm nằm trong diện bị thu hồi. Đến nay, khi dự án sắp kết thúc, dân vẫn dài cổ chờ tiền đền bù. Hồ thủy lợi Thủy Yên - Thủy Cam có tổng đầu tư trên 654 tỷ đồng, khởi công năm 2010.

Người dân đinh ninh do chủ đầu tư “quên” chi trả tiền. Tuy nhiên, khi hỏi ra, bà con mới tá hỏa, đất sản xuất đã bị đưa ra khỏi diện thu hồi từ lúc nào không hay. Trong khi, quá trình tổ chức thi công hồ chứa, số đất đai bị thu hồi “hụt” này của dân đã bị biến dạng, không còn sử dụng được cho mục đích sản xuất, do các phương tiện cơ giới đào xới lấy đất đắp đập tạo nên những hố sâu. Mặt khác, mặt bằng canh tác còn bị vô số đá tảng lớn từ nơi khác dồn về, do đơn vị thi công san lấp làm vành đai an toàn cho công trình.

Trao đổi với báo chí, đại diện Ban Quản lý Dự án (QLDA) hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam cho biết, năm 2010, khi tiến hành đo đạc, thì đất đai của các hộ dân, gồm Phan Văn Dủ, Phan Văn Ngan, Nguyễn Chánh, cùng nằm trong diện thu hồi để làm mỏ cát sỏi, theo QĐ 2269 ngày 26/05/2011 của UBND huyện Phú Lộc. Tuy nhiên, khi làm dự án, do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao, buộc chủ đầu tư và cơ quan chức năng rà soát các diện tích không cần thiết, nên không thu hồi đất của họ như quyết định ban đầu.

Giải thích này của đại diện Ban QLDA khiến dân bức xúc. “Theo tôi được biết, đối với đất đai của dân trước đây từng có quyết định thu hồi nhưng về sau điều chỉnh vì lý do nào đó, thì về nguyên tắc phải có biên bản hay quyết định điều chỉnh. Họ phải mời dân đến lập biên bản, rồi xác định hiện trạng, mốc giới thu hồi điều chỉnh ngang đâu, cũng như xác định phạm vi thi công như thế nào. Đằng này, chúng tôi không được thông báo gì thêm ngoài QĐ 2269 của huyện. Đến giờ, khi công trình hoàn thành, đất đai bị đào phá tan hoang, chủ đầu tư lại nói “miệng” là đất không bị thu hồi, nên không đền bù”, một người dân bất bình.

Liên quan phản ánh đất đai bị biến dạng, Ban QLDA phủ nhận hiện tượng trôi đất đá làm ảnh hưởng đến mặt bằng sản xuất của dân khi thi công công trình đập. “Thực tế tại hiện trường, các vị trí cắm mốc giải phóng mặt bằng (từ mốc 79 cho đến mốc 83) vẫn thể hiện rõ phạm vi ranh giới với các thửa đất 249, 238 và 300 của các hộ dân kể trên, hoàn toàn không bị ảnh hưởng trôi đất đá, họ vẫn canh tác trên các thửa đất đó”, một cán bộ Ban QLDA cho biết.

Theo ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, sau khi tiếp nhận phản ánh của dân, chính quyền xã đã kiểm tra thực địa và xác nhận, diện tích đất này có bị lồi lõm, biến dạng, rất khó trồng cây.

Trước bức xúc của dân, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc, đề xuất: Để khách quan, chủ đầu tư nên phối hợp Trung tâm tổ chức đo đạc lại theo kiến nghị từ bà con. Nếu diện tích ảnh hưởng nằm trong mốc thu hồi, dù ít hay nhiều, chủ đầu tư phải thống kê bổ sung và có phương án đền bù. Phía đơn vị thi công cũng sớm hoàn trả mặt bằng, hoặc có hình thức nào đó hỗ trợ dân, trước khi công trình này chính thức bàn giao.

MỚI - NÓNG