Xây nhà hộ nghèo để bỏ hoang

Xây nhà hộ nghèo để bỏ hoang
TP - Cách đây 7 năm, hàng trăm ngôi nhà ở Kon Tum được xây dựng cho hộ nghèo theo Quyết định 154/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là nhà 154), với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Từ đó đến nay chủ nhân của nó lần lượt bỏ đi vì không thể sống nổi.
Xây nhà hộ nghèo để bỏ hoang ảnh 1
Bao giờ cụ Y Nhim được ở trong ngôi nhà vững chãi và an toàn hơn ngôi nhà này?

Chúng tôi tìm đến làng Kà Bầy, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy (Kon Tum) để “mục sở thị” nhà 154 ở địa phương này. Dẫn chúng tôi chui vào ngôi nhà đã bỏ hoang gần một năm nay, chị Y Dưh (SN 1983) cho biết, năm 2003, khi được nhận nhà, chị rất vui mừng. Nhưng nhà chỉ ở được mấy ngày phải bỏ hoang vì nó quá thấp, quá ngột ngạt, thiếu chắc chắn.

Ngày nắng, nóng bức, hai đứa con của chị không chịu nổi cứ quấy khóc suốt ngày; mùa mưa ở trong nhà chẳng khác ngoài trời nên cực lắm. Nhận nhà được một năm thì chủ thầu đến bảo mình nộp thêm hai triệu đồng, nhà không có tiền nên đến bây giờ chị vẫn chưa trả được cho Nhà nước.

Gia đình Y Dưh thuộc diện khó khăn nhất trong làng. Chồng chị mất trong một lần đi gom phế liệu. Tài sản duy nhất hiện nay là hai sào đất trồng sắn. Với số đất này, mỗi năm mẹ con Y Dưh thu nhập không quá ba triệu đồng.

Cuộc sống quanh năm phải đi cuốc mướn làm thuê nhưng vẫn chẳng đủ ăn. Gần nhà Y Dưh, gia đình A. Hdoanh cũng được hỗ trợ một ngôi nhà như thế, nhưng Hdoanh phải tìm chỗ tá túc mới, bỏ nhà hoang, cỏ dại mọc um tùm, tường nhà sập đổ nham nhở.

Rời Kà Bầy chúng tôi tiếp tục đến Lung Leng, xã Sa Bình (Sa Thầy, Kon Tum). Trong ngôi nhà nửa mái của mình, cụ Y Nhim (86 tuổi) than thở: “Đã gần một năm nay, một mình già sống trong ngôi nhà chỉ có nửa mái này. Chồng già đã mất năm 2008. Mùa khô thì ở tạm, chứ mỗi khi mưa xuống già phải ngồi vào một góc nhà để tránh mưa...”.

Đây là ngôi nhà không có cửa, tường cao khoảng 2,5m, mái lợp tôn nhưng bay mất nửa mái; nền nhà tráng xi măng nay đã bong tróc loang lổ - một ngôi nhà không an toàn cho người sử dụng vậy mà lại là nơi tá túc của vợ chồng già gần sáu năm nay.

Tại làng Lung Leng có tổng cộng 32 ngôi nhà 154. Nhiều hộ sử dụng để làm kho chứa củi, làm nơi nhốt gà, vịt. Số còn lại bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Trưởng thôn A Pở làng Kà Bầy, Trưởng thôn A Vít, Bí thư chi bộ A Long (làng Lung Leng) và các hộ dân ở Sa Bình cho biết, những ngôi nhà 154 này được xây dựng bằng phương thức nhà nước hỗ trợ kinh phí; chủ thầu đến xây dựng nhà không có người giám sát và sau đó tổ chức bàn giao cho những đối tượng được hỗ trợ.

Chất lượng kém

Cũng vì thế mà 100 phần trăm nhà 154 ở đây chất lượng rất kém. Nhà thiết kế theo kiểu tường gạch, mái tôn nhưng lại xây dựng rất thấp (chỗ cao nhất khoảng ba mét), bên ngoài và trong nhà không được trát vữa; Tôn dùng để lợp nhà quá mỏng và sử dụng đinh đóng không đúng chủng loại nên thường bị gió mạnh thổi bay.

Hệ thống cửa tạm bợ, chất lượng gỗ không đảm bảo nên chỉ một tháng sau khi hoàn thành đã bị cong vênh... Vì sự an toàn, người dân buộc phải bỏ nhà, dẫn đến tiền tỷ bị bỏ phí.

Ông A Kim - Chủ tịch UBND Huyện Sa Thầy cho biết: Sau khi có ý kiến phản ánh của nhân dân địa phương, UBND huyện Sa Thầy đã thành lập đoàn thanh tra trực tiếp xuống khảo sát thực tế tại các địa phương cụ thể là xã Sa Bình.

Khảo sát cho thấy, những ngôi nhà này được xây dựng từ kinh phí của nhà nước, nhưng với số tiền quá thấp nên chất lượng nhà không đảm bảo. Nhiều hộ được cấp nhà đã về chung sống với con cái hoặc chuyển về nơi ở mới nên không có nhu cầu sử dụng nhà.

"Với số tiền sáu triệu đồng để xây dựng một ngôi nhà trên dưới 30m2, thử hỏi làm sao nhà có chất lượng cao? Đáng lẽ ra, với số tiền được đầu tư, các địa phương không nên xây dựng tràn lan mà chỉ hỗ trợ từ thấp lên cao, hỗ trợ cho một số hộ nghèo nhất trong làng, trong xã để xây dựng thì mới có nhà tốt được"- Ông Trần Văn Hữu –  Phó Chủ tịch UBND xã  Sa Bình

MỚI - NÓNG