Xây xong SVĐ cấp huyện chục triệu USD, chờ cơ chế khai thác

Xây xong SVĐ cấp huyện chục triệu USD, chờ cơ chế khai thác
TP - Trong văn bản trả lời báo Tiền Phong, Sở VHTT&DL Hà Nội thừa nhận, một số nhà thi đấu, sân vận động ở các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ... dù đã hoàn thành nhưng vẫn phải chờ cơ chế để đưa vào hoạt động cho phù hợp.

> Thành phố yêu cầu làm rõ việc xây SVĐ cấp huyện chục triệu USD
> Ai chịu trách nhiệm việc xây sân vận động chục triệu đô?

Sở này cũng yêu cầu các quận, huyện khi xây dựng Trung tâm Thể dục Thể thao (TDTT) phải tuân thủ đúng quy chuẩn...

Chờ đến bao giờ?

Quá trình làm việc với lãnh đạo nhiều Trung tâm TDTT của các huyện ngoại thành như Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng... điều khiến chúng tôi hết sức bất ngờ là mặc dù đầu tư hàng trăm tỷ đồng với nhiều hạng mục quy mô hoành tráng nhưng đến nay vẫn chưa có quy chế khai thác vận hành phù hợp, nhất là những hoạt động liên quan đến xã hội hóa có thu tiền của các tổ chức, cá nhân vào chơi thể thao.

Trong công văn trả lời báo Tiền Phong, Sở VHTT&DL Hà Nội khẳng định, ngay sau loạt bài đăng trên Tiền Phong về thực trạng xây dựng và khai thác các nhà thi đấu, sân vận động tại các quận, huyện, ngày 7/8 Sở đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã khi xây dựng sân vận động, nhà thi đấu phải đảm bảo đúng quy chuẩn, quy mô và phải có thoả thuận của các cơ quan chuyên ngành. Nhằm tránh lãng phí, Sở VHTT&DL yêu cầu các Trung tâm TDTT phải rộng cửa đón nhân dân đến tham gia luyện tập.

Thậm chí có vị lãnh đạo một trung tâm còn khẳng định: chưa tính đến việc đưa người dân vào vui chơi, tập luyện mà chỉ tập trung cho các sự kiện chính trị, phong trào của huyện! Trong văn bản trả lời báo Tiền Phong, Sở VHTT&DL Hà Nội thừa nhận, một số nhà thi đấu, sân vận động ở huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ... dù đã hoàn thành nhưng vẫn chờ cơ chế để đưa vào hoạt động phù hợp hoàn cảnh địa phương!

Thực tế, đây chỉ là một cách giải thích của Sở VHTT&DL. Ví như nhà thi đấu, sân vận động huyện Hoài Đức đã có cả năm hoạt động mà vẫn phải chờ cơ chế là điều không bình thường. Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Vĩnh phản ánh với PV Tiền Phong, bản thân Trung tâm TDTT huyện hoạt động tới 3 năm rồi rất loay hoay với việc vận hành, khai thác.

Ngân sách chỉ cấp cho quỹ lương nhân viên và chi phí cho các sự kiện chính trị, cuộc thi của huyện còn lại nếu mở cửa đưa người dân vào tập luyện buộc phải thu tiền. Mà đã thu tiền, dù là giá rẻ cũng không có người vào.

Trưởng Ban quản lý Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa Trần Bá Kiểm than, nhiều năm qua như “gà mắc tóc” do thiếu quy chế vận hành, khai thác phù hợp. Để đưa cung vào phục vụ các trận thi đấu của ASIAD sắp tới cần hàng chục tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp hàng loạt hạng mục.

Khe hở lớn

Trả lời báo Tiền Phong về quy mô đầu tư cho Trung tâm TDTT của huyện Hoài Đức lên tới hơn 200 tỷ đồng, Sở VHTT&DL Hà Nội viết: “xin phép không đưa ra bình luận gì và người có trách nhiệm của huyện Hoài Đức sẽ đưa ra câu trả lời chính xác nhất”! Đánh giá chung về các công trình nhà thi đấu, sân vận động của nhiều quận, huyện, Sở VHTT&DL Hà Nội cho hay, các công trình này đều đảm bảo về chất lượng, quy mô, tiêu chuẩn và phù hợp với Thông tư của Bộ VHTT&DL ban hành năm 2010 về các công trình văn hóa thể thao.

Tuy nhiên, đối chiếu với quy chuẩn tối thiểu “Thông tư 11 do Bộ VHTT&DL ban hành ngày 22/12/2010” rõ ràng nhiều Trung tâm TDTT cấp huyện của Hà Nội đang có quy mô gấp cả gần chục lần. Ví dụ như quy định diện tích tối thiểu cho Trung tâm VHTT cấp huyện tại đô thị là 9.550 m2, thực tế huyện Đan Phượng là 56.000m2, Hoài Đức là 56.000 m2, huyện Thanh Oai là 60.000 m2.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng Văn phòng luật sư Đăng Khoa cho rằng quy định như thông tư 11 năm 2010 của Bộ VHTT&DL chỉ quy định mức tối thiểu mà không quy định mức tối đa rất dễ dẫn đến việc tùy tiện trong vận dụng tại địa phương.

Giảm đầu tư cấp huyện, tăng nhà tập tuyến xã

Xây xong SVĐ cấp huyện chục triệu USD, chờ cơ chế khai thác ảnh 1

Trao đổi với PV Tiền Phong về thực trạng đầu tư, khai thác hệ thống nhà thi đấu, sân vận động tại Hà Nội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự cho biết: Hà Nội đầu tư cho nhà tập thể thao, sân vận động tại các huyện là đáng hoan nghênh. Vấn đề đặt ra hiện nay là đầu tư lớn như thế nên không có kinh phí duy tu bảo dưỡng. Tôi cho rằng chỉ nên làm đơn giản để phục vụ cho phong trào thể thao cho địa phương, còn lại kinh phí nên chia nhỏ ra đầu tư xây các nhà tập luyện cho các cụm xã với quy mô gọn nhẹ đáp ứng một số môn cơ bản. Mỗi đối tượng luyện tập phải có mô hình riêng, chứ không thể dùng nhà thi đấu đầu tư hàng trăm tỷ rồi bảo là cho mấy chục người vào đánh cầu lông tuần vài buổi là hiệu quả được!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG