Xe buýt: Càng đi, càng bớt hài lòng!

Xe buýt: Càng đi, càng bớt hài lòng!
Theo khảo sát của Ban kinh tế - ngân sách HĐND TPHCM, trong năm 2008 mức độ hài lòng của người dân đối với xe buýt đã giảm 29,4%, chỉ còn 49,5% so với 78,9% năm 2006.
Xe buýt: Càng đi, càng bớt hài lòng! ảnh 1
Xe buýt dừng đậu bên ngoài trạm, hành khách lên xuống giữa làn xe máy (ảnh chụp sáng 24-3 tại một trạm xe buýt trên đường Trường Chinh, Q.12, TP.HCM) -Ảnh: N.C.T.

Ngày 24/3, HĐND TP.HCM tổ chức hội nghị: “Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt”.

Phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Huỳnh Công Hùng cho rằng mặc dù ngành giao thông vận tải (GTVT) có nhiều nỗ lực phát triển hệ thống xe buýt... nhưng với nhu cầu phát triển của TP, hệ thống xe buýt vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm hành chính. Chính điều này đã giảm mức độ hài lòng của hành khách đối với xe buýt...

Theo ông Hùng, vấn đề an toàn được ngành GTVT đặt lên hàng đầu nhưng có 58% người được khảo sát cho rằng xe buýt chạy với tốc độ quá nhanh và ẩu, 44,6% cho rằng xe buýt không dừng hẳn, không dừng sát lề để đón trả khách.

Theo Ban kinh tế - ngân sách, khách hàng thường xuyên của xe buýt là người đi làm (chiếm 32,1%) và người đi học (chiếm 59,6%).

Đây là hai đối tượng có hành trình ổn định, mức độ đi lại thường xuyên nhất và sẽ là khách hàng tiềm năng nếu xe buýt tạo được sự hấp dẫn đối với họ. Thế nhưng, chính họ là những người phản ảnh bị phân biệt đối xử khi sử dụng vé tập và vé tháng.

 23% ý kiến cho rằng nhân viên xe buýt đối xử không tốt đối với người sử dụng vé tập và vé tháng, trong khi tỉ lệ này chỉ 8,5% vào năm 2006.

Bên cạnh đó, thái độ, tinh thần phục vụ của lái xe, tiếp viên cũng giảm sút. Nếu năm 2006 có 75% số người cho rằng lái xe, tiếp viên hòa nhã, tận tình thì năm 2008 chỉ còn 67,8%.

Trong hai năm 2006-2008, các yếu tố ảnh hưởng đến sự giảm sút mức độ hài lòng là xe buýt đảm bảo giờ giấc chưa tốt (giảm ý kiến hài lòng 29%), tiện nghi trên xe (giảm 26,6%), hành trình tuyến (giảm 25,3%), thái độ phục vụ (giảm 25,1%)...

Xe buýt rỗng khách: “lô cốt” di động

Sau khi khảo sát những lời phàn nàn của hành khách về dịch vụ xe buýt hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng (Đại học GTVT cơ sở 2) đề nghị đơn vị quản lý và khai thác xe buýt lưu ý khắc phục các yếu tố đang ảnh hưởng trực tiếp như xe chật chội không tiện nghi, ngột ngạt mùi xăng, xe xấu bẩn..., các chuyến đi chưa an toàn và thoải mái vì bị phân biệt đối xử và lo bị móc túi lừa đảo...

Chưa nên tăng giá vé

TS Phạm Xuân Mai cho rằng TP không nên tăng giá vé xe buýt trong thời điểm này mà tiếp tục tìm những nguồn thu gián tiếp như quảng cáo trên xe buýt (120-150 tỉ đồng/năm), nguồn thu hạn chế xe cá nhân lưu thông (120-170 tỉ đồng/năm), thu phí giao thông công cộng đối với các doanh nghiệp có nhiều nhân viên...

Đại biểu Ngô Minh Hồng, giám đốc Sở Tư pháp TP, cho rằng thực trạng giao thông từ nhiều năm trước đến giờ đã thấy nhiều và đang mong muốn bàn nhiều đến giải pháp.

Theo bà Hồng, cần phải có giải pháp đối với hình ảnh tồn tại ở TP.HCM với 5-6 xe buýt nối đuôi nhau mà không có người, trong khi bên cạnh là một rừng xe các loại, thì đó là những “lô cốt” di động.

PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa) đề xuất TP nghiên cứu giải pháp quản lý tách rời phần thu tiền và phục vụ hành khách. Người lái xe buýt chỉ có nhiệm vụ lái xe, thu tiền hoặc trả tiền do các cơ quan của TP quản lý. Tài xế xe buýt chỉ việc cho xe chạy đúng lộ trình, đúng giờ... Nếu xe buýt bảo đảm an toàn, rẻ tiền thì có đến 86,5% người đi làm và học sinh cam kết đi xe buýt.

Đấu thầu, quảng cáo, giá vé

Để tìm nguồn thu cho xe buýt nhằm giảm trợ giá, một lần nữa vấn đề quảng cáo trên xe buýt được nhiều đại biểu HĐND đưa ra. Theo đại biểu Lê Minh Trung, TP cho rằng tiền trợ giá hằng năm tăng, tại sao không đẩy nhanh tốc độ đấu thầu tuyến xe buýt? Trong khi mỗi tuyến xe buýt được đấu thầu thì TP sẽ giảm tiền trợ giá gần 1 tỉ đồng/tuyến và hiện còn 115 tuyến chưa đấu thầu. Tiền quảng cáo bên ngoài xe buýt mỗi năm từ 120-150 tỉ đồng tại sao không tiến hành?...

Ban kinh tế - ngân sách cho rằng với việc tăng giá vé xe buýt 1.000 đồng/khách/lượt, ngân sách TP sẽ giảm trợ giá khoảng 120 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách TP còn hạn hẹp, kinh tế suy giảm, đời sống người dân khó khăn, việc tăng giá vé xe buýt cần được xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thời điểm áp dụng sao cho hợp lý để góp phần phát triển hoạt động xe buýt vừa động viên người dân chia sẻ trách nhiệm cùng chính quyền TP và các đơn vị xe buýt.

Theo Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo, hiện nay xe buýt vận chuyển mỗi ngày gần 1 triệu người cho thấy phương tiện này đã ngày càng hiệu quả và thân thiện hơn. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa đều, chưa hợp lý, nhiều tuyến trùng lắp tạo nên kẹt xe ảo, giờ giấc chưa đảm bảo và thái độ phục vụ chưa đồng đều.

Bà Thảo yêu cầu giá vé xe buýt tăng như thế nào phải tính toán linh hoạt và có thời điểm tăng cho hợp lý. Sắp tới, trong quy hoạch phát triển xe buýt, ngành giao thông trình UBND, báo cáo HĐND về quy hoạch xe buýt với các bến bãi, trạm trung chuyển... Nếu cần thiết sở đưa ra những địa điểm cụ thể để dành đất cho xe buýt nhằm làm hoạt động xe buýt tăng lên.

Sắp tới sáp nhập nhiều hợp tác xã hoặc tổ chức thành doanh nghiệp để quản lý hiện đại hơn. Phải tính toán tách lái xe, phục vụ không liên quan đến tiền bạc bằng việc nghiên cứu vé điện tử...

Theo bà Thảo, ngành GTVT TP đảm bảo hành khách tăng gấp 3 lần vẫn vận chuyển tốt, do đó phải tăng tỉ lệ người dân đi xe buýt lên 10% vào năm 2010 (so với hiện nay chỉ 5,4%).

Theo Ngọc Hậu
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.