Xe buýt Hà Nội dưới góc nhìn của một người nước ngoài

Xe buýt Hà Nội dưới góc nhìn của một người nước ngoài
Với đầu đề "Xe buýt ở Việt Nam - Sự 'điên rồ' trên 4 bánh xe", tạp chí " Tấm gương" của Đức mới đây đăng bài của phóng viên D. F. dePonlevoy viết từ Hà Nội trong đó mô tả tình trạng giao thông, đặc biệt là xe buýt.

>> Bạn đọc bức xúc và hiến kế giảm thiểu TNGT

Xe buýt Hà Nội dưới góc nhìn của một người nước ngoài ảnh 1
Một vụ va chạm giữa xe buýt và xe máy tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên.

Du khách nước ngoài không có lý do gì để phải đi xe buýt ở Hà Nội. Một chuyến taxi giá cao nhất chỉ hết 3 euro ( khoảng 60.000 đồng), thêm vào đó là hàng ngàn xe ôm. Nhưng ai muốn có một chuyến mạo hiểm thực sự, thì hãy lên xe buýt và sẽ không bao giờ quên được những ấn tượng về chuyến đi này.

Những ai muốn đi xe buýt ở Hà Nội cần phải nhanh nhẹn vì những người lái xe buýt luôn vội vã. Họ không thích dừng xe. Họ chỉ dừng 2 hoặc 3 giây. Hầu hết là xe chưa kịp dừng hẳn họ đã đi tiếp. Hành khách phải tập quen với cảm giác là khi lên hoặc xuống xe, dưới đất chân bị giằng đi.

Đi xe buýt ở Việt Nam không phải là thứ dành cho người già. Có một nguyên tắc rất đẹp là hành khách trẻ thường đứng lên nhường chỗ cho người già. Việc này có thể do tuổi tác được coi trọng trong văn hóa Châu Á, nhưng cũng có thể là do mọi hành khách đều có ấn tượng mạnh và kính phục nếu một người già lên được xe buýt.

Một lý do để người lái xe buýt có thể phóng nhanh là anh ta có phụ xe bán vé giúp. Giá toàn tuyến chỉ hết 3.000 đồng. Nếu như có trường hợp trốn vé xảy ra thì người trốn vé không có lỗi, mà người bán vé sẽ bị phạt. Điều đó giải thích tại sao có những chuyến đầy người thì xe không đỗ ở bến: Nếu người bán vé nhận thấy không thể chen tới chỗ hành khách mới lên để thu tiền, thì họ thấy chẳng cần phải mở cửa xe nữa.

Việt Nam thật ra là đất nước của xe máy. Cả nước chỉ có 200 ngàn ô tô con và 400 ngàn chiếc xe tải, còn lại là xe máy, khoảng 20 triệu chiếc. Tại các thành phố lớn, cứ một ô tô thì có khoảng 20- 30 xe máy. Trong đó giao thông diễn ra theo 3 quy tắc. Thứ nhất: Ai bóp còi thì được quyền đi trước. Thứ hai: Ai phóng nhanh hơn thì rẽ trước. Thứ ba: Xe nào to hơn thì thắng.

Chính quy tắc thứ ba là át chủ bài của xe buýt trong mớ hỗn độn giữa các xe máy đi xiên, đi ngang lộn xộn trên đường. Bất cứ một người đi xe máy nào ở đây đều biết rằng những người lái xe buýt  phóng rất điên nên hãy tránh xa. Ngoài ra xe buýt lớn hơn xe của mình.

Chỉ có một trường hợp xe buýt đi chậm là lúc tắc đường. Đường tắc ở Hà Nội có nghĩa là toàn bộ xe máy chiếm mọi kẽ hở có thể có được, kể cả lao lên vỉa hè. Trong trường hợp này thì xe buýt đành chịu. Đã có trường hợp xe buýt bỏ tuyến. Ví dụ như phụ xe Vinh vừa cười vừa nói:" Chúng tôi đi thẳng tới bến cuối. Xin mời mọi người xuống xe".

Vinh, năm nay 20 tuổi, bênh vực cánh lái xe buýt:” Chúng tôi bị giới hạn về thời gian. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền. Thật ra, trên mọi tuyến đường chỉ có thể đảm bảo thời gian nếu chúng tôi không để ai lên xuống, mà đi thẳng”.

Trên thực tế, một ngườilái xe Việt Nam có quyền lực vô biên trên xe buýt của mình. Ví dụ anh ta quyết định chương trình ca nhạc mà hành khách phải nghe.

Về cơ bản, hành khách nóichung vui khi được nghe chút ca nhạc, bởi nó át đi tiếng ồn của giao thông, đặc biệt là còi xe. Chiếc còi ở Việt Nam có thể thay cho đèn xi nhan, đèn phanh và toàn bộ quy tắc giao thông khác. Đặc biệt lái xe buýt rất thích bóp còi, nhất là khi còi xe của họ có âm thanh lạ. Âm thanh loại còi này kéo dài và làm giảm đi hiệu quả cảnh báo. Nhưng tại sao họ thích liên tục bấm loại còi này là một bí mật.

Nhìn tổng thể, mạng lưới xe buýt ở Hà Nội được bố trí đều khắp. Có tổng cộng 56 tuyến xe đan chéo nhau, mà theo kế hoạch chạy 10 phút một chuyến.Trên một số đường ra ngoại thành còn có đường dành riêng cho xe buýt.

Đi xe buýt ở Hà Nội du khách nước ngoài thường gặp khó khăn khi đọc bảng thông báo giờ xe bằng tiếng Việt. Nhưng dân địa phương thì rất vui vẻ, nhiệt tình với người nước ngoài.

Bản thân những người lái xe buýt thì phủ nhận chuyện họ đi xe như điên. Tuấn Anh nói : “ Hãy nhìn kỹ  xem những người khác mới đi như điên”. Trên thực tế phải bình tĩnh lắm mới có thể cùng một lúc quan sát được xe máy ở cả bốn phía. Những người đi xe máy thì tin theo một chiến thuật láu cá: Vì ai cũng biết rằng đi trước xe buýt nguy hiểm nên ở đó có nhiều chỗ rộng nhất, vì vậy họ thích đi vào đó.

Lái xe Tuấn Anh, 32 tuổi, kể rằng trên thực tế, những xe buýt đến muộn không bị phạt tiền, mà phải làm thêm giờ. Anh nói: “Thực ra, chúng tôi chỉ đựợc phép làm 24 ngày trong tháng nhưng hầu hết chúng tôi phải làm tới 29, 30 ngày. Vì vậy, nhiều người trong chúng tôi thường rất mệt. Đôi lúc tôi bị ngủ gật sau tay lái”.

Sau đó, Tuấn Anh dừng xe lại 5 phút. Đây không phải là một điểm dừng mà chỉ vì anh ta chạy xuống mua đồ ăn tối cho gia đình ở cửa hàng bên kia đường.

MỚI - NÓNG