Xe buýt văn minh: Khó lắm!

Xe buýt văn minh: Khó lắm!
Hành khách thường bị “tra tấn” với nhiều cảnh “ngứa mắt”. Ngay cả cửa lên xuống cũng chỉ mở một cửa, thay vì hai cửa như quy định, mặc cho hành khách chen lấn
Xe buýt văn minh: Khó lắm! ảnh 1
Mặc dù đã ghi rõ cửa lên và cửa xuống, nhưng nhà xe chỉ mở một cửa nên hành khách đành nhằm cửa xuống mà lên Ảnh: B.Trung

Đã có một ngày tôi lang thang trên các chuyến xe buýt điểm khắp TPHCM. Tiện lợi thật nhưng tôi cảm thấy mất sức vì phải chịu trận trước những cảnh “ngứa mắt” diễn ra nhan nhản.

Các “cụ xe buýt” tái xuất hiện

Bước lên chiếc xe buýt 51LD- 31.. thuộc tuyến Bến Thành - An Sương, chúng tôi cảm thấy choáng vì sự xuống cấp bên trên chiếc xe này. Sàn xe đã nứt toạc một đường dài sát hàng ghế ngồi khiến nhiều người không dám đi mạnh chân. Trần xe cũng bong tróc nham nhở.

Xuống cấp cộng với sự thiếu chăm sóc, xe buýt này gợi lại hình ảnh các “cụ xe buýt” cách đây vài năm gây tai nạn trên đường phố. Trên đèn, rồi hộp đèn, bụi đóng từng lớp dày.

Vòng nhựa để hành khách bám tay lúc đứng cũng đen xì (chỉ ngà trắng được ở những điểm khách nắm tay thường xuyên). Các thanh sắt giúp khách dễ dàng lên xuống cũng nhuộm đen vì gỉ sét.

Chị Đoàn Thị Hồng (quận Tân Bình) ngồi cạnh tôi than thở: “Phần lớn xe buýt chạy tuyến này đều xuống cấp. Nhưng đáng nói là nhân viên không dọn vệ sinh xe. Ai đi những chuyến sáng sớm không dám ngồi vào ghế vì sợ dơ áo quần”.

Trên chuyến xe ngược về khu trung tâm, tôi may mắn lên được chiếc xe tươm tất hơn. Nhưng chiếc xe 53N- 42.. cũng đang “đổ bệnh”, kính cửa sổ cứ rung lên bần bật như sắp bật đập vào hành khách khi đi qua những đoạn đường xóc.

Vừa chạy, vừa la làng

Xe buýt văn minh: Khó lắm! ảnh 2
Hai cánh tay tiếp viên “chỉ đạo” người đi đường nhường đường cho xe buýt Ảnh: P.T.Thanh

Căn bệnh này của xe buýt đã trở thành nan y. Nhiều người lý giải tếu táo rằng: “Lơ xe đập thùng, hò hét để xả xì-chét!” hay “Tiếng... rao của xe buýt”.

Nhưng ai cũng thừa biết, nguồn gốc căn bệnh này là tài xế muốn vượt nhanh giữa phố xá đông người. Hơn hết, đó là hình ảnh thiếu văn minh trong một đô thị hiện đại. Tuyến xe “nổi tiếng” nhất là Bến xe Miền Đông - 3 Tháng 2- miền Tây. Cho đến ngày 20-2, chúng tôi đi trở lại thì những hành vi kém văn minh này vẫn diễn ra.

Trên chiếc xe 53N-34.., cánh tay chẳng mấy gì đẹp đẽ liên tục khoe ra ngoài cửa sổ như biểu diễn thời trang. Mỗi khi xe lái từ từ vào trạm, anh bắt đầu nói nhanh như sợ ai giành nói: “Miền Đông không? Ai miền Đông?..”.

Một phụ nữ lớn tuổi thở than: “Giữa trưa nghe nó nói, cứ nhức đầu như búa bổ”. Chưa hết, anh còn ngồi chễm chệ trên lan can để khách vịn lên xuống.

Trở ngược vào khu Chợ Lớn, chúng tôi có một phen thót tim khi nhường chiếc xe buýt 53N- 52.. thuộc tuyến Củ Chi- Chợ Lớn vượt lên giữa phố xá đông đúc. Góp phần đắc lực trong hành trình vượt biển người của chiếc xe buýt này là 2 cánh tay vẫy vẫy đen đúa của tiếp viên.

Khách “hư” là tại nhà xe

Hình ảnh những chiếc xe buýt ghé trạm ồn ào, náo động đã quá quen thuộc với người dân TP. Chính vì cảnh nhộn nhạo này, nhiều người dân không một lần bước chân lên xe buýt. Đi theo những chuyến xe buýt ngược xuôi, tôi mới hiểu nguyên cớ là do nhà xe tạo ra.

Đã thành một quy định, khách lên xe bằng cửa trước, xuống theo cửa sau. Trên tất cả các chuyến xe buýt đi đều ghi rõ chỉ dẫn như thế nơi cửa xe. Nhưng tất cả chỉ là hình thức đối phó.

Trên chuyến xe 53N- 3595, tuyến Bến Thành - Nhà Bè, xe hầu như chỉ mở một cửa xe để đón, trả khách. Khách lên và xuống cứ chen lấn, đụng nhau côm cốp trong tiếng thét “nhanh lên, xe chạy bây giờ” của tiếp viên.

Đứng tại trạm xe buýt trước Công viên Tao Đàn, chúng tôi ghi nhận hàng loạt chuyến xe đều có cách đón trả oái oăm như thế. Nhiều hành khách cẩn thận muốn tuân thủ quy định lên bằng cửa trước cũng bị tiếp viên ra lệnh chạy xuống cửa sau nếu không muốn bị bỏ lại.

Sinh viên ĐH Nông Lâm Phan Văn Thông tắc lưỡi: “Muốn đi xe buýt văn minh khó lắm”. Một căn bệnh đáng nói khác của xe buýt là “tra tấn” hành khách bằng âm nhạc.

May mắn thì hành khách được nghe radio, xui xẻo thì gặp nhạc nghèo. “Bởi tại tôi nghèo nên người ta mới phụ tình...” qua giọng ca nhão chảy nước của một ca sĩ nào đó cứ lải nhải suốt chuyến xe nóng như đổ lửa. Ai đó chịu hết nổi la lên: “Trời ơi! Nghèo mới đi xe buýt, ca cẩm nỗi gì!”.

Theo Phạm Thái Thanh
NLĐ

MỚI - NÓNG