Có hơn 1.000 đơn vị kinh doanh vận tải khách

Xe chở khách phải lắp “hộp đen”

Xe chở khách phải lắp “hộp đen”
TP - Các xe ô tô vận chuyển hành khách phải được lắp  hộp đen, hành khách có quyền giám sát nhà xe khi cho xe chạy quá tốc độ... Đây là một trong những nội dung quan trọng của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Trước khi Luật được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 12 xem xét, Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền - Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) để làm rõ thêm về vấn đề này.

Xe chở khách phải lắp “hộp đen” ảnh 1

Theo quy định mới, doanh nghiệp vận chuyển hành khách phải đăng ký chi tiết loại xe, người lái, chất lượng dịch vụ Ảnh: Hồng Vĩnh

Thưa ông những hộp đen lắp trên những xe chở khách được kỳ vọng là những “biên bản vi phạm sống” dành cho lái xe ngay cả khi không có mặt cơ quan chức năng?

Tiêu chí đặt ra với các hộp đen được lắp đặt trên xe vận chuyển hành khách là: Phải lưu trữ thông tin về tốc độ xe, kiểm soát lộ trình, hành trình và thời gian chạy xe. Không chỉ vậy, hộp đen còn giúp lưu trữ thông tin liên quan đến kiểm soát các quy định về thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải như chở quá số người quy định, không bật máy lạnh hay số lần dừng đỗ, thời gian dừng đỗ trên một lộ trình.

Tuy nhiên, nếu những hộp đen này chỉ có duy nhất chức năng “ghi thông số” thì những sai phạm nếu có được xử lý cũng chỉ ở dạng việc đã rồi?

Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật GTĐB sửa đổi thì có 2 đơn vị sẽ được khai thác thông tin trên các hộp đen là: Bộ phận quản lý an toàn giao thông của các doanh nghiệp và thứ hai là các đơn vị chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra trên lộ trình và ngay tại bến.

Đặc biệt, khi lái xe chạy quá tốc độ thì hộp đen sẽ phát ra âm thanh cảnh báo lái xe về tốc độ. Thông qua tín hiệu này, hành khách cũng tham gia nhắc nhở lái xe và kiểm soát việc chấp hành của lái xe. Có thể nói, những hộp đen này là những “biên bản vi phạm sống” làm căn cứ cho cơ quan chức năng xử lý vi phạm.

Xe chở khách phải lắp “hộp đen” ảnh 2

Xe khách sẽ phải công bố công khai năm sản xuất xe, chất lượng xe, cũng như các loại dịch vụ tới hành khách  Ảnh: P. Sưởng

Tuy vậy, đến nay hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đều chưa có bộ phận quản lý an toàn giao thông. Việc đảm bảo giao thông dường như phó mặc cho các lái xe?

Luật GTĐB sửa đổi sẽ quy định về việc các doanh nghiệp vận tải hành khách phải có bộ phận quản lý an toàn giao thông.

Bộ phận này sẽ làm công tác tuyên truyền luật pháp, các văn bản chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn đến lái xe, giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với lái xe.

Ngoài ra, bộ phận này còn có nhiệm vụ quản lý người lái và phụ lái trên xe của doanh nghiệp như lái và phụ xe có được ký hợp đồng lao động hay không, có được khám sức khỏe định kỳ, có được nghỉ ngơi theo luật hay không?

Đặc biệt, bộ phận này sẽ đại diện doanh nghiệp tiếp nhận khiếu nại của hành khách về vi phạm của lái xe trong việc thực hiện nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi của hành khách đi xe.

Lâu nay các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn tự “công bố chất lượng” nhưng hành khách lại không hề biết rõ về chất lượng dịch vụ mình đang sử dụng, nên nếu có bị doanh nghiệp vi phạm cũng rất khó khiếu nại?

Có tình trạng như vậy, sự không rõ ràng, thiếu minh bạch khiến cho hành khách luôn trong tâm thế phải chấp nhận. Nay theo quy định mới thì các doanh nghiệp vận chuyển hành khách phải đăng ký chất lượng phục vụ với cơ quan chức năng và phải niêm yết công khai cho hành khách biết. Nội dung đăng ký chất lượng phải chi tiết cả về loại xe, người lái, chất lượng dịch vụ.

Ngay cả khi niêm yết công khai thì không phải hành khách nào cũng đọc được những thông tin này, Cục có biện pháp gì để thông tin này đến được với hành khách?

Đúng là không phải hành khách nào cũng nắm được quyền lợi của mình khi đi xe. Vì vậy lần này chúng tôi đang nghiên cứu hướng sẽ in đầy đủ thông tin này ngay tại mặt sau của tấm vé đi xe.

Trên đó, cũng có thể ghi số điện thoại của doanh nghiệp, cơ quan chức năng, thậm chí tên người chịu trách nhiệm xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại để khi thấy quyền lợi bị xâm phạm là hành khách có thể gọi điện ngay để kịp thời xử lý.

Thưa ông vậy, khi có thông tin sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý sai phạm này ra sao để tránh tình trạng nắm được sai phạm rồi để đó?

Trong nghị định sắp tới của Chính phủ sẽ đưa ra những chế tài xử lý cụ thể với từng vi phạm. Theo đó, có những mức xử lý như đình chỉ kinh doanh tạm thời hoặc vĩnh viễn đối với doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần các quy định về ATGT về chất lượng dịch vụ đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và công bố rộng rãi.

Hạn chế phạm vi kinh doanh hoặc xử phạt tiền. Theo kết quả xử lý, hàng năm cơ quan quản lý nhà nước sẽ công bố danh sách những doanh nghiệp có chất lượng phục vụ tốt cũng như những doanh nghiệp vi phạm các quy định về chất  lượng phục vụ, đảm bảo an toàn để hành khách biết lựa chọn.

Xin cảm ơn ông!

Có hơn 1.000 đơn vị kinh doanh vận tải khách

Theo số liệu của Cục ĐBVN hiện cả nước có 400.000 ôtô hoạt động kinh doanh vận tải.Trong đó xe chở khách từ 9 chỗ trở lên là 100.000 xe; xe taxi 30.000; xe vận tải hàng hóa  trên 300.000. Cả nước hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa.

Phùng Sưởng
Thực  hiện

MỚI - NÓNG