Xe chữa cháy TP.HCM chỉ vươn đến tầng 20

Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC.
Đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC.
TPO - TP.HCM có nhiều nhà cao tầng nhưng các xe chữa cháy chỉ vươn đến tầng 20. Ngoài ra, nhiều cơ sở xăng dầu, hoá chất, phế liệu dễ cháy nổ còn hiện diện trong các khu dân cư.

Sáng nay (4/4), Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình về công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC)

Nhiều đại biểu bất an khi đề cập đến các cơ sở xăng dầu, hoá chất, phế liệu dễ cháy nổ còn hiện diện trong các khu dân cư. Bên cạnh đó, TP.HCM có nhiều nhà cao tầng nhưng các xe chữa cháy chỉ vươn đến tầng 20…

Đại biểu Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho biết: “Tôi đi kiểm tra, có rất nhiều căn nhà vừa bố trí làm chỗ ở, vừa sản xuất kinh doanh nhưng chỉ có một cửa thoát hiểm. Nhiều cơ sở không trang bị bình chữa cháy hoặc có trang bị nhưng người dân không biết sử dụng”.

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết, TP.HCM có 24 quận huyện, 322 phường xã, dân số trên 10 triệu người. Nhiều khu vực có mật độ dân cao, nguy cơ cháy nổ rất cao. Ngoài ra, TP.HCM có hơn 300.000 doanh nghiệp, gần 30 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX KCN), một số KCN, KCX chưa thành lập bộ phận PCCC.

Trong năm 2016, cảnh sát PCCC kiểm tra trên 87.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, phát hiện hơn 11.000 cơ sở vi phạm. Nhiều cơ sở thu gom phế liệu trong khu dân cư có nguy cơ cao nhưng không thuộc thẩm quyền quản lý của cảnh sát PCCC

Trong khi đó TP.HCM có 6 quận huyện chưa có đơn vị cảnh sát PCCC, bán kính giữa các đơn vị trên 10 km, không đảm bảo công tác PCCC.

“TP.HCM còn 240.000 cơ sở có nguy cơ cháy nhưng không thuộc thẩm quyền như nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà trẻ, …Các hộ dân vừa ăn ở, sinh hoạt tầng trên, vừa kinh doanh sản xuất ở tầng dưới, hàng hoá chứa trong nhà rất nhiều. Cửa lại có đến 2-3 lớp, khi cháy là chết người. Nhiều vụ rất thương tâm”, ông Bửu nói.

Người đứng Cảnh sát PCCC TP.HCM chỉ ra hàng loạt bất cập như tình trạng câu mắc, sử dụng điện trong nhà của các hộ chiếm hơn 60% nguyên nhân vụ cháy lại chưa có cơ quan quản lý chịu trách nhiệm. Người dân tự thuê thợ điện câu mắc, dẫn đến tình trạng sử dụng điện năng quá tải, gây chạm chập.

Theo Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong 5 năm, từ 2012 đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.216 vụ cháy, làm chết 67 người thì hơn 1.000 vụ là nhà dân bị cháy, làm chết hơn 40 người.

“Nhiều vụ cháy khi phá cửa vào thì cả nhà đã chết ngạt. Đơn cử như vụ cháy trên đường Nguyễn Trãi làm 7 người chết do để hàng hoá chứa trong nhà là hoá chất, khi cháy phát sinh khí độc, chỉ 2-3 phút là ngạt”, ông Châu đau xót.

MỚI - NÓNG