Xe khách mượn danh hợp đồng “làm loạn” đường phố Hà Nội

Xe khách mượn danh hợp đồng “làm loạn” đường phố Hà Nội
TPO - Sau bài phản ánh: “Xe khách giường nằm náo loạn đường phố Hà Nội” đăng trên Tiền Phong, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý hàng loạt xe hợp đồng. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn nhiều bất cập.

Theo đó, đến hết ngày 19/7, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử lý thêm 4 trường hợp vi phạm của các nhà xe trên tuyến phố Trần Quang Khải, Đại Cồ Việt. Tuy vậy, hầu hết mức độ xử phạt chỉ dừng ở mức vài trăm ngàn đồng cho các lỗi dừng đỗ sai quy định. Như ngày 6/7, Cty Hưng Thành bị xử lý lỗi: “Đỗ xe nơi có biển cấm đỗ xe” với mức phạt 700 ngàn đồng. Xử lý lỗi dừng đỗ tương tự tại các nhà xe khác như: Hưng Long, Quang Luyến – Quang Tửu…  

Đại diện một nhà xe chạy tuyến cố định tại bến xe Yên Nghĩa bức xúc: Sau xử phạt, các xe lại tiếp tục dừng đỗ đón trả khách bình thường bởi chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Xe hợp đồng lợi thì lớn mà quản lý lỏng lẻo, điều này khiến nhiều nhà xe đã bỏ bến để chạy hợp đồng. “Cần quy định rõ điểm đón đối với xe hợp đồng, quản lý chặt danh sách khách, đồng thời theo dõi thường xuyên thiết bị giám sát hành trình, nếu hành trình xe hợp đồng cứ lặp đi lặp lại thì phải xử lý mạnh tay”, vị này nói.

Theo ông Lê Tuấn Anh, phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, tình trạng xe khách mượn danh hợp đồng “làm loạn” đường phố Hà Nội đang là vấn đề bức xúc của người dân tham gia giao thông và cả các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định. Khi nhà xe có đủ danh sách hợp đồng thì không có cách nào phạt được, nhiều khi anh em Thanh tra thấy xe dừng đỗ trước mặt mà đành bỏ qua. Ngay cả việc trích xuất dữ liệu hộp đen từ Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng chỉ xử lý được những xe khách tuyến cố định. Còn xe khách hợp đồng vẫn có thể tuỳ nghi đón trả khách mà không thể xử lý. Ông Tuấn Anh thông tin: Đơn vị đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp lên Bộ GTVT để quản lý xe hợp đồng. Làm sao để giãn các xe hợp đồng, tránh đi vào các tuyến phố cổ, tuyến phố thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đồng thời, cũng không được “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng hoạt động du lịch, văn hoá…

Đề cập đến Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/8/2016, ông Tuấn Anh cho rằng: Nghị định mới tăng cao các mức xử phạt, có tính răn đe hơn, tuy nhiên vẫn chưa đi sâu vào xử phạt xe hợp đồng.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: Cần tái cơ cấu lại hơn 3.500 xe hợp đồng do các cá nhân quản lý tại Hà Nội. Gom toàn bộ các chủ xe các nhân lại, có như vậy cơ quan chức năng mới quản lý được loại hình này.

MỚI - NÓNG