Xăng dầu giảm kỷ lục, cước vận tải lặng thinh:

Xe ngoài tỉnh không giảm cước, TPHCM bó tay?

Bán vé xe đò tết tại bến xe Miền Đông. 100% DN chưa giảm giá cước là các hãng xe đò ngoài tỉnh.
Bán vé xe đò tết tại bến xe Miền Đông. 100% DN chưa giảm giá cước là các hãng xe đò ngoài tỉnh.
TP - Từ 15 giờ ngày 19/1, giá xăng dầu trong nước được tiếp tục giảm từ 301 - 912 đồng/lít và cũng như những lần trước, các doanh nghiệp vận tải hành khách (DN) tiếp tục… im lặng. Tại TPHCM, chưa bao giờ câu chuyện giá cước chây ỳ lại “nóng” và gây bức xúc dư luận như hiện nay.

Các nhà xe chây ỳ là DN ngoài tỉnh

Trao đổi với Tiền Phong chiều 19/1, ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết các nhà xe phải tính toán lại chi phí hoạt động sau khi giá xăng dầu giảm vào chiều cùng ngày nên cần có thêm thời gian. Trong hai đợt giảm giá xăng dầu kế tiếp gần nhất (cuối năm 2015 và đầu tháng 1/2016), tính đến thời điểm này, có 28/28 DN đăng ký kê khai giá cước tại TPHCM đã thực hiện thủ tục kê khai lại giá cước với Sở Tài chính.

Trong khi đó, với hơn 190 DN đang hoạt động tại bến xe nhưng đăng ký kê khai tại các tỉnh thì đến nay mới có khoảng 20 đơn vị gửi thông báo kê khai lại giá cước mới với mức giảm phổ biến từ 3-5%. 170 DN còn lại tiếp tục im lặng.

“Đối với các DN TPHCM đang quản lý, Sở Tài chính kiểm soát rất chặt chẽ. DN nào chưa kê khai lại giá cước phải giải trình. Cách đây vài ngày, Sở đã trực tiếp làm việc với bốn DN chưa kê khai lại giá” - ông Hải cho biết.

“Đối với các DN đăng ký kê khai ngoài tỉnh chây ỳ không giảm giá cước theo giá xăng dầu, chúng tôi cũng rất bức xúc nhưng không xử lý được vì thẩm quyền thuộc Sở Tài chính nơi DN đăng ký” .

Đại diện Sở

 Tài chính TPHCM

Theo đại diện Sở Tài chính, giai đoạn từ ngày 18/12/2015 đến ngày 4/1 có 2 đợt giảm giá xăng, dầu. Giá xăng giảm tổng cộng 760 đồng/lít (7,5%) tác động giảm giá cước taxi tương ứng 2,25%. Giá dầu giảm tổng cộng 2.120 đồng/lít (16,5%) nên các sản phẩm dịch vụ có đầu vào là dầu chiếm tỷ trọng 35%-45% như cước vận tải sẽ giảm tương ứng 5,8% - 7,4%. Vì vậy, trong các ngày 18/12/2015 và 5/1, Sở Tài chính đã có hai công văn đề nghị các DN tiếp tục xem xét lại cơ cấu giá thành, điều chỉnh kê khai lại giá cước phù hợp trước ngày 9/1.

Cụ thể: Sở Tài chính đã xử phạt 7/15 DN vận tải taxi chậm kê khai theo quy định. Hiện nay, đã có một số hãng taxi bị “thổi còi” thực hiện giảm giá cước, như taxi Vinasun giảm 500 đồng/km.

“Đối với các DN đăng ký kê khai ngoài tỉnh chây ỳ không giảm giá cước theo giá xăng dầu, chúng tôi cũng rất bức xúc nhưng không xử lý được vì thẩm quyền thuộc Sở Tài chính nơi DN đăng ký” - đại diện Sở Tài chính TPHCM nói.

Tại hội thảo về giá cước vận tải mới diễn ra tại TPHCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá: Chi phí đầu vào giảm nhưng giá cước không giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng còn thiệt đơn, thiệt kép khi giá cả những mặt hàng liên quan khác vin vào đó để “neo giá”.

“Lợi ích cục bộ có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập cứ lặp đi, lặp lại. Khi giá xăng dầu giảm nhiều lần với tỷ lệ lên đến 16 -20%, thậm chí có thời điểm giá xăng giảm gần 39% nhưng giá cước vận tải không giảm hoặc giảm nhỏ giọt. Để đem lại công bằng cho người sử dụng và người cung ứng dịch vụ vận tải, không thể phó thác cho cơ chế thị trường, thậm chí không loại trừ khả năng bắt tay, làm giá giữa các nhà kinh doanh, rất cần sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của nhà nước” - ông Hùng đề xuất.

Lỡ thu rồi, trả lại không được (?!)

Giải thích lý do chưa giảm giá cước theo giá xăng dầu, lãnh đạo một số nhà xe tại bến xe Miền Đông (đề nghị không nêu tên) cho rằng ngày thường các DN phải cạnh tranh và giảm giá xuống rất thấp. Thậm chí có nhà xe không tăng giá cước từ năm 2010, dù có lúc xăng dầu đã giá tăng rất cao. Thực tế, so với nhiều doanh nghiệp đang bán vé tết bên ngoài bến xe, giá vé bán trong bến xe đã rất thấp. Chúng tôi không dám lấy giá cao để cạnh tranh sống còn với xe dù. Nếu bây giờ bắt buộc giảm nữa thì không biết phải giảm như thế nào.

Một số nhà xe nại lý do thời gian giảm giá xăng dầu quá gần, có khi DN làm thủ tục kê khai lại giá cước mới nửa tháng đã phải làm lại gây rất nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt trong thời gian cao điểm bán vé tết như hiện nay. Đại diện một hãng xe đò thương hiệu chạy tuyến TPHCM - Hà Nội nói: “Chúng tôi đã kê khai, bán vé tết hết rồi, bây giờ bắt giảm thì làm sao giảm được. Giảm là phải trả tiền lại cho khách hàng. Đặt trường hợp nếu giá nhiên liệu tăng vọt lên thì chúng tôi có được thu thêm tiền của hành khách không? Trong bến chúng tôi bán vé tết chỉ hơn 600 - 800 nghìn đồng/vé, bên ngoài họ bán cả triệu đồng/vé ai làm gì được?”.

MỚI - NÓNG